Trong định hướng quy hoạch không gian phát triển đang được đặt ra với Thủ đô Hà Nội, không gian ngầm cần được xem xét là một nội dung trọng điểm.
Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội để phát triển hệ thống giao thông dưới lòng đất, trong đó có đường sắt đô thị, giúp giảm thiểu ùn tắc trong bối cảnh hạ tầng giao thông mặt đất đang quá tải.
Vẫn chưa phát huy tiềm năng
Hà Nội là một trong những siêu đô thị có mật độ dân cư cao, sức ép về hạ tầng giao thông ngày càng lớn. Tuy nhiên, không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác để chia sẻ “gánh nặng” với hạ tầng mặt đất. Một thực tế khác, Hà Nội cũng đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với quy hoạch nhiều đoạn chạy ngầm dưới lòng đất. Tuy nhiên, do thiếu các quy định hướng dẫn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Điển hình như Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Dự án khởi công năm 2010, bị vỡ tiến độ nhiều lần, hiện lùi thời gian hoàn thành đến năm 2027 bởi cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng phức tạp, trong đó có nhiều đoạn liên quan đến không gian ngầm. Việc “chốt” phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 thuộc Dự án tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng kéo dài trong nhiều năm bởi vướng vào vùng bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm…
“Nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển. Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch không gian ngầm và thậm chí đô thị ngầm”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh tại hội thảo lấy ý kiến vào đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng tình với quan điểm về phát triển không gian ngầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần “soi” lại hiện trạng không gian ngầm hiện nay, từ đó xác định quy hoạch cần làm gì khi không gian ngầm chưa phát huy được tiềm năng. Quy hoạch Thủ đô là cơ hội, quyết định chân dung tương lai của Hà Nội.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Hà Nội có nhiều thuận lợi khi là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được UBND thành phố phê duyệt ngày 15-3-2022). Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đều đang đặt ra vấn đề này một cách trọng điểm, đồng bộ.
Không gian ngầm là nội dung quan trọng
Về quy hoạch không gian ngầm, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, thành phố đã xác định các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố, trong đó có ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia sẽ là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Trong phạm vi 500m từ đầu mối giao thông công cộng (TOD), chiều sâu được sử dụng tối đa để hình thành không gian công cộng ngầm tại các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, thể dục - thể thao, quảng trường, sân vận động… Mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm các tuyến số 2, 3, 4, 5, 7 và 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài phần xây dựng ngầm khoảng 86,5km và 81 ga ngầm...
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã kế thừa các nội dung trên trong định hướng về quy hoạch giao thông ngầm. Định hướng này được triển khai song song với việc hoàn thiện đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án Quy hoạch Thủ đô xác định khai thác phát triển không gian ngầm là nội dung quan trọng, với định hướng khai thác không gian ngầm công cộng, không gian ngầm cho các dịch vụ, không gian ngầm cho hạ tầng sử dụng chung.
Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung về phát triển, khai thác không gian ngầm cũng có các quy định mới nhằm cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Đặc biệt, để có thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các tuyến đường sắt đô thị, dự thảo Luật xác định giải pháp triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng TOD nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa, thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm, không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường.
Trước tình trạng dù đã có quy hoạch song công tác phát triển không gian ngầm còn rất hạn chế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) nêu ý kiến, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần đánh giá hiện trạng sử dụng không gian ngầm, từ đó xây dựng chiến lược tổng thể về quản lý, khai thác không gian ngầm; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đầu tư phát triển không gian ngầm.