Mỹ phản ứng trước sự đột phá về công nghệ của Nga trong lĩnh vực phát triển quân sự, nhưng con đường Washington chọn là lộ trình thảm họa.
Lộ trình thảm họa
Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Báo cáo Phòng thủ Tên lửa 2019 (MDR 2019) của chính quyền do ông đứng đầu trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc. Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tối tân hơn để ngăn chăn những mối đe dọa tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh từ các đối thủ và kẻ địch.
MDR 2019 trực tiếp đề cập tới 4 quốc gia theo thứ tự gồm Triều Tiên, Iran, Nga và Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ cũng như các lực lượng đồng minh của Mỹ.
MDR 2019 nhận định Nga coi Mỹ và NATO là mối đe dọa chính đối với tham vọng địa chính trị của Nga và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với các cuộc tấn công hạt nhân giả định nhằm vào Mỹ. Học thuyết và chiến lược của Nga cũng nhấn mạnh vào khả năng sử dụng sử dụng vũ khí hạt nhân và tiếp tục hiện đại hóa kho tên lửa chiến thuật và chiến lược của mình.
Mỹ chỉ thẳng tên lửa Nga tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ
MDR 2019 cho biết, theo hiệp ước New START 2010, Nga được phép triển khai tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ biển và bom hạng nặng cùng với 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Lãnh đạo Nga cũng đã tuyên bố nước này sở hữu các loại tên lửa mới, các thiết bị siêu vượt âm có thể chuyển độc với tốc độ 5 March và ngay bên trên tầng khí quyển.
Sputnik dẫn lời Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Trường Đại học Kinh tế cấp cao Nga, ông Andrei Suzdaltsev nhận định, người Mỹ quyết định phản ứng theo cách này trước sự đột phá về công nghệ của Nga trong lĩnh vực phát triển quân sự, nhưng con đường Washington chọn là lộ trình thảm họa.
Ông Suzdaltsev nói: "Đây là phản ứng của Lầu Năm Góc trước việc Nga thúc đẩy hiện đại hóa lĩnh vực quân sự. Tôi xin nhắc rằng, sau khi Tổng thống Nga giới thiệu về những mẫu vũ khí mới ngày 1/3/2018, giới lãnh đạo Mỹ đã phản ứng một cách đầy mỉa mai. Họ gọi đó là sự tuyên truyền và tuyên bố rằng Nga không có khả năng phát triển kỹ thuật và công nghệ để thực hiện một bước đột phá như vậy".
Theo ông Suzdaltsev, sau khi các phát triển của Nga chuyển từ giai đoạn thiết kế sang giai đoạn thử nghiệm, Mỹ mới nhận ra sự tụt hậu của mình trong lĩnh vực này và quyết định thể hiện mong muốn kháng cự với bước đột phá công nghệ của Moscow.
Ông Suzdaltsev nói thêm: "Tuy nhiên, người Mỹ quên rằng không thể có đột phá nếu nước này không rút khỏi tất cả các hiệp định, kể cả hiệp ước về hệ thống phòng thủ, và bây giờ là Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Chúng ta không phải là người khởi xướng. Người Mỹ đã chọn con đường này, và đó là lộ trình thảm họa".
Các mẫu vũ khí siêu vượt âm mới được Nga công bố đã phả hơi nóng vào gáy Mỹ
Trong một bài viết khác, Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích Chuck Spinney cho rằng, bất cứ nhà hoạt định kế hoạch chiến lược hiểu biết nào ở Nga và Trung Quốc đều thấy những nỗ lực này là một phần của kế hoạch tích hợp "nhằm củng cố lá chắn hạt nhân chiến lược của Mỹ trong khi mài sắc lưỡi gươm hạt nhân của Washington".
Theo ông, các nhà hoạt định của Nga và Trung Quốc sẽ bị buộc phải cho rằng Mỹ đang quay lại học thuyết chiến tranh hạt nhân thập nhiên 1970.
Ông cảnh báo, Tổng thống Trump và những người kế nhiệm sẽ thấy việc thuyết phục Nga và Trung Quốc rằng hệ thống chính trị Mỹ không muốn hoặc cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là điều bất khả thi.
Sputnik đã ám chỉ việc Mỹ lách luật khi muốn tăng cường hệ thống phòng thủ trên không gian bởi các hiệp ước quốc tế hiện nay chỉ cấm bố trí các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quốc gia hiện có khả năng tiếp cận không gian đều chưa triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong môi trường này.
Còn chuyên gia Dmitry Rodionov của Nga phát biểu trên trang mạng của hãng thông tấn liên bang rằng Mỹ đang thực sự tụt hậu trong một loạt vũ khí quân sự.
Theo chuyên gia này, có thể bài phát biểu hồi tháng 3/2018 của Tổng thống Nga Putin với việc trình diễn hàng loạt mẫu vũ khí là động lực thúc đẩy người đồng cấp Mỹ muốn rút khỏi INF và phát triển các loại vũ khí mới.
Theo chuyên gia Rodionov, Nga cũng như Trung Quốc không có ý định tấn công bất kỳ ai. Mối đe dọa Nga-Trung chỉ đơn giản là lý do để Mỹ thực hiện tham vọng tiếp tục là số một và không muốn đánh mất khả năng ra lệnh trên quan điểm sức mạnh.
Người Mỹ thú nhận
Từ trước tới nay, Mỹ luôn lấy lý do phòng thủ để bố trí các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa trên khắp thế giới. Với MDR 2019, Mỹ đã công khai kế hoạch mở rộng hệ thống này ra không gian. Tuy nhiên, khả năng để Mỹ hiện thực hóa “chiến tranh giữa các vì sao” không hề dễ dàng.
Tạp chí Forbes của Mỹ trong bài viết sau khi Tổng thống Trump công bố MDR 2019 cũng phải thừa nhận kế hoạch mới được công bố sẽ không thể thay đổi thực tế này trong một sớm một chiều.
Theo bản Đánh giá Tình trạng Hạt nhân mà chính quyền Mỹ công bố năm ngoái, Washington chủ yếu vẫn tiếp tục các chương trình được kế thừa từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và không đưa ra bất kỳ đề xuất nào nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân mới nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt, chứ chưa nói đến việc thiết lập các hệ thống phòng thủ chủ động.
Lầu Năm Góc chi phần lớn ngân sách chiến lược của họ vào việc đảm bảo rằng cho dù kẻ thù có "ném" gì vào nước Mỹ trong một cuộc tấn công bất ngờ, thì Mỹ có thể trả đũa khiến kẻ tấn công không thể nào chịu đựng nổi.
Mỹ đã công khai kế hoạch chi nghìn tỷ USD để hiện đại hóa bộ ba hạt nhân nhằm phát đi thông điệp rằng một cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ sẽ là tự sát. Vấn đề là vô số khả năng có thể xảy ra, và chiến tranh hạt nhân vẫn luôn là mối đe dọa có khả năng chấm dứt nền văn minh của nước Mỹ.
Thực ra thì ngay từ thời Tổng thống Reagan, Mỹ đã nhận ra sự cần thiết phải đánh chặn một cuộc tấn công hủy diệt nhằm vào nước Mỹ. Tuy nhiên, sau 30 năm đầu tư vào các công nghệ phòng thủ, khả năng đánh bại một cuộc tấn công nhỏ và đơn giản vẫn là câu hỏi đối với Mỹ.
Ví dụ, nếu Mỹ xây dựng một hệ thống đánh chặn tên lửa hai lớp, mỗi lớp hiệu quả tới 80%, thì về mặt lý thuyết chỉ có 1 trong tổng số 25 đầu đạn đến được mục tiêu. Triều Tiên có thể không có nhiều đầu đạn tới vậy, nhưng Nga có tới hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân đang hướng về nước Mỹ. Đó là chưa kể tới tất cả các vũ khí hạt nhân tầm ngắn có thể được sử dụng để tấn công các đồng minh và quân đội của Mỹ ở nước ngoài.
Forbes nhấn mạnh rằng không có thứ nào trong kho vũ khí phòng thủ hiện tại của Mỹ, hoặc những vũ khí sẽ được xây dựng trong tương lai gần, có khả năng đối phó với một cuộc tấn công với quy mô như vậy.
Trong phần nói về năng lực và các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, MDR 2019 đã kể ra các hệ thống đánh chặn bố trí trên mặt đất và trên biển như THAAD, Aegis, Patriot PAC-3. Khả năng đánh chặn các tên lửa siêu thanh của các hệ thống này là không chắc chắn ngay cả khi Mỹ tiến hành nâng cấp.
Một phần quan trọng trong kế hoạch của Lầu Năm Góc là đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ trong không gian có khả năng phát hiện và ngăn chặn một số lượng lớn các đầu đạn. Tuy nhiên, Forbes cho rằng ngay cả khi tìm ra giải pháp công nghệ như vậy, nước Mỹ vẫn sẽ là "con tin" của những đối thủ hùng mạnh nhất.
Giống như chiến lược thường được biết với tên gọi “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Tổng thống Ronald Reagan, kế hoạch mà Lầu Năm Góc công bố ngày 17/1 cũng lường trước được việc hệ thống cảm biến và đánh chặn trong không gian sẽ dẫn tới việc phải đánh đổi giữa khả năng tấn công và phòng thủ, tuy nhiên Forbes cho rằng sẽ cần tới một thập kỷ, hoặc thậm chí lâu hơn, để làm được điều này.
Không những thế, những mâu thuẫn nội bộ của nước Mỹ có thể tạo ra rào cản lớn hơn cả những khó khăn công nghệ. Theo Forbes, mỗi khi một chính quyền của đảng Cộng hòa tìm cách xây dựng một thứ gì đó hiệu quả hơn thì một chính quyền của đảng Dân chủ sẽ sớm tìm cách ngăn chặn điều đó.
Nhìn chung, quan điểm của đảng Dân chủ là kiểm soát vũ khí hiệu quả hơn so với xây dựng hệ thống phòng thủ trong việc giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân, và rằng bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm củng cố hệ thống phòng thủ sẽ đều gây bất ổn cho thế cân bằng hạt nhân hiện nay do sẽ kích động các đối thủ của Mỹ mua sắm thêm vũ khí.
Việc tập đoàn Trung Quốc giành được các hợp đồng đường sắt quan trọng ở Trung Quốc làm dấy lên các mối quan ngại về ... |
Báo Mỹ bị mạo danh đưa tin ông Trump từ chức, đến Crưm sinh sống Trên mạng xã hội Mỹ lan truyền chóng mặt một bản tin của tờ The Washington Post với tựa đề Bất ngờ: Trump vội vàng ... |