Ngăn chặn đầu cơ, bảo đảm nguồn vật liệu làm đường cao tốc

Tình trạng thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang tái diễn. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này được đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho hay, các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Cần đến 70 triệu m3 đất, cát để đắp nền

Là doanh nghiệp phụ trách thi công 24km đường gói thầu XL2 thuộc dự án thành phần Bùng - Vũng Áng, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, theo tính toán, công tác xử lý nền đất yếu (4 - 5km) tại gói thầu sẽ cần khoảng gần 1 triệu m3 cát trong năm 2023. Nhưng kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, khối lượng đáp ứng thực tế tại địa phương chỉ được khoảng 20 - 30%.

vnpvat_lieu_thi_cong_cao_toc_25032021.jpg -0
Một số địa phương chưa công bố giá vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển để lập và quản lý chi phí xây dựng. Ảnh minh họa.

Tại Quảng Bình, mỏ cát rất dồi dào nhưng công suất khai thác rất nhỏ, mỗi năm chỉ được 20.000 - 30.000m3. Để dự án đảm bảo được tiến độ, công suất các mỏ cát, đá hiện hữu cần được nâng lên gấp 3 - 5 lần hiện tại.

Tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tình trạng thiếu vật liệu thi công cũng đang hiện hữu. Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau là 18,5 triệu m3, đất đắp 1,49 triệu m3.

Kết quả khảo sát địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện có hơn 25 mỏ đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, qua làm việc với các địa phương, công suất khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đủ cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh, chưa đủ nguồn cấp cho dự án Cần Thơ - Cà Mau. Để giải quyết khó khăn, Ban QLDA Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vật liệu.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 17,1 triệu m3 đá; khoảng 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp. Điều đáng nói, các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay thì chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Nếu tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024).

Hiện Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang đề nghị nhà thầu, chủ đầu tư cùng các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua làm việc với người có đất, tổng hợp nhu cầu để xem phương án nào được đề xuất thực hiện nhiều nhất, lấy cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện.

mo vlxd.jpeg -0
Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu.

Không mua đi bán lại mỏ vật liệu

Trước tình trạng lo thiếu vật liệu xây dựng, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại mỏ vật liệu, găm giá vật liệu gây ảnh hưởng thi công dự án giao thông. Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu (chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đối với mỏ cấp sai); xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án.

Riêng UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cần rà soát, nâng công suất các mỏ cát phục vụ trực tiếp xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực ĐBSCL đáp ứng đủ về khối lượng, tiến độ và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới. Giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải bảo đảm nhà thầu có thể khai thác được ngay vật liệu xây dựng phục vụ thi công.

Đồng thời, sớm có hướng dẫn việc bố trí kinh phí bồi thường các khu đất, công trình quốc phòng, an ninh bị ảnh hưởng ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 3/2023 đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu “đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn việc gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất cấp cho các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hoàn thành trong tháng 2/2023.

https://cand.com.vn/Giao-thong/ngan-chan-dau-co-bao-dam-nguon-vat-lieu-lam-duong-cao-toc-i683686/

Đặng Nhật / cand.com.vn