Quân đội Nga muốn sở hữu các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng, nhằm thay thế tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K trong tương lai.
Máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Yak-141. Ảnh: Wikipedia.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov hồi tháng 11 xác nhận nước này đang thiết kế dòng tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) hoàn toàn mới. Dòng máy bay này có thể được phát triển từ mẫu Yak-38 và Yak-141 ra đời dưới thời Liên Xô, nhằm thay thế tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K trong biên chế hải quân Nga hiện nay và cạnh tranh với mẫu F-35B của Mỹ, Sputnik đưa tin.
Phiên bản Yak-38 được biên chế vào năm 1976, nhanh chóng trở thành mẫu VTOL được sản xuất nhiều nhất của Moscow với tổng cộng 231 chiếc. Chúng được triển khai trên hạm đội gồm 4 tàu tuần dương mang máy bay Đề án 1143 của hải quân Liên Xô.
Tuy nhiên, phi công hải quân Liên Xô không hề ưa thích loại máy bay này do tỷ lệ tai nạn quá cao, khiến hàng chục chiếc bị phá hủy hoặc phải vứt bỏ. Những chiếc Yak-38 được sử dụng nhiều nhất cũng chỉ tích lũy được 40 giờ bay/năm trên các tàu sân bay Liên Xô.
"Tính năng chiến đấu của Yak-38 cũng rất kém. Loại tiêm kích này không được trang bị radar, khiến nó chỉ có thể tác chiến trong tầm gần dưới sự hỗ trợ của dẫn đường mặt đất hoặc tàu chiến. Việc sử dụng Yak-38 với vai trò là cường kích cũng không hiệu quả, khi bán kính chiến đấu của nó trong chế độ VTOL chỉ đạt 195 km", nhà phân tích Vadim Saranov cho biết.
Quá trình sản xuất Yak-38 chấm dứt vào năm 1989. Chúng dần bị loại bỏ trong thập niên 1990, những chiếc cuối cùng bị hải quân Nga loại biên vào năm 2004.
Thiết kế sử dụng động cơ đẩy riêng như F-35 và Yak-141 chiếm nhiều không gian bên trong máy bay, giảm tải trọng vũ khí và tầm hoạt động. Ngược lại, việc trích luồng xả của động cơ như chiếc Harrier lại không bảo đảm lực đẩy, giới hạn đáng kể khả năng cơ động và bay siêu thanh.
Dự án siêu tiêm kích F-35 cũng là lời cảnh báo với Nga về chi phí phát triển một mẫu máy bay VTOL mới. Mẫu tiêm kích sở hữu tính năng tương đồng với mẫu F-35B sẽ tạo ra hàng loạt yêu cầu thiết kế, bao gồm thu nhỏ thiết bị điện tử, hệ thống vũ khí và khung thân mới để đáp ứng hoạt động VTOL.
Động cơ sẽ là vấn đề lớn nhất nếu Nga muốn phát triển dòng VTOL mới. Hãng phát triển động cơ cho Yak-38 và Yak-141 đã ngừng hoạt động từ lâu. Dù tài liệu thiết kế vẫn còn tồn tại, những chuyên gia có kinh nghiệm chế tạo linh kiện cũng không còn làm việc hoặc đã qua đời, khiến Moscow không thể tái khởi động việc sản xuất chúng. Điều này khiến Nga phải nghiên cứu động cơ từ đầu, quá trình rất tốn kém và mất thời gian.
Moscow đã đưa ra một số dấu hiệu về tương lai của không quân hải quân Nga. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến khởi đóng siêu tàu sân bay Đề án 23000E "Shtorm" trong giai đoạn 2025-2030, đồng thời nhận bàn giao hai tàu đổ bộ hạng nặng lớp Priboy trước năm 2030. Đây sẽ là những nền tảng phù hợp nhất cho dự án VTOL được nước này ấp ủ.
Mỹ khoe siêu tiêm kích F-35 có thể giúp phát hiện, diệt ICBM Lầu Năm Góc công bố kết quả thử nghiệm hiệp đồng giữa tiêm kích F-35 và lá chắn tên lửa Mỹ, không lâu sau vụ ... |
Tiêm kích F-35 Israel đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trước Mỹ Phi đội 9 tiêm kích tàng hình F-35I của Israel được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, sớm nhất trên thế giới. |
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ rơi phần cánh khi tham gia huấn luyện Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ đã rơi mất một phần cánh trước trong đợt huấn luyện thường kỳ ở ngoài khơi biển Nhật Bản, ... |