Nga cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ

Quan chức Nga cho rằng Washington đang có những bước đi có thể dẫn đến đối đầu trực diện với Moskva khi gửi các bệ phóng rocket cho Kiev.

Cảnh báo của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đưa ra hôm 1/6 khi ông đề cập tới thông tin Mỹ quyết định cung cấp nhiều bệ phóng đa tên lửa HIMARS cho Ukraine.

Ông Sergey Ryabkov cho rằng, việc Washington trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga. 

Nga cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ  - 1

Việc Mỹ cung cấp khí tài hạng nặng dấy lên nhiều lo ngại về đối đầu Moskva - Washington gia tăng. (Ảnh: Reuters)

Washington tuyên bố hệ thống vũ khí cung cấp cho Kiev sẽ không cho phép các lực lượng Ukraine tấn công Nga, đồng thời phủ nhận kịch bản mà trong đó Nga coi Mỹ là bên trong cuộc xung đột. 

"Chúng tôi không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho phép Ukraine tấn công Nga từ bên trong Ukraine. Tổng thống Joe Biden nói rất rõ ràng về điều đó. Chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham chiến", Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield cho biết.

Tuy nhiên, ông Sergey Ryabkov không đồng tình với lập luận này của Mỹ, cho rằng động thái của Washington đang khiến cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn.

Theo ông Sergey Ryabkov, trong nhiều năm Mỹ không làm gì để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine. Ông chỉ ra rằng Washington đã ngăn cản nỗ lực cuối cùng của Moscow trong việc đàm phán một thỏa thuận ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết những lo ngại của Nga về sự mở rộng của NATO ở châu Âu.

Thứ trưởng Sergey Ryabkov nhấn mạnh, việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine về cơ bản không làm thay đổi tình hình mà chỉ làm tăng thêm rủi ro. 

Phát biểu trước truyền thông ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói nước này sẽ không viện trợ cho Ukraine các hệ thống tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Nga. Tuyên bố này được đưa ra khi xuất hiện thông tin cho thấy Washington sẽ gửi các hệ thống pháo phản lực (MLRS) đến Ukraine.

Mỹ và đồng minh đang tích cực viện trợ mạnh mẽ quân sự, cung cấp khí tài để Ukraine đối phó với Nga. Đến nay, Washington đã "bơm" cho Ukraine 14 tỷ USD, trong khi mới đây chính quyền Tổng thống Joe Biden chính thức thông qua khoản trợ cấp bổ sung trị giá 40 tỷ USD cho Kiev. Mỹ cũng đóng vai trò đầu tàu, đứng ra vận động trợ giúp quân sự cho Kiev, với sự tham gia của 40 nước.

Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO về việc gửi vũ khí cho Ukraine. Tuyền thông phương Tây lo ngại Moskva sẽ đáp trả nếu các hệ thống pháo viện trợ cho Kiev được sử dụng để tấn vào công lãnh thổ Nga.

 
KÔNG ANH / VTC News