Nếu những đề nghị hiện nay của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ thất bại thì cấm vận sẽ là điều khó tránh và có thể gây tổn hại không thể sửa chữa cho mối quan hệ song phương vốn đã nhiều rạn nứt.
Nếu những đề nghị hiện nay của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ thất bại thì cấm vận sẽ là điều khó tránh và có thể gây tổn hại không thể sửa chữa cho mối quan hệ song phương vốn đã nhiều rạn nứt.
Cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã tàn phá mối quan hệ giữa Ankara và Washington. Và theo đánh giá của cây viết Enea Gjoza trên tạp chí National Interest, mọi thứ sắp tới đây có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Thổ Nhĩ Kỳ xem thường các đe dọa cấm vận của Mỹ và việc dừng thương vụ F-35. Hiện Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một bước có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho các quan hệ giữa Mỹ với một đồng minh NATO.
Enea Gjoza chỉ ra rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không hủy hợp đồng S-400 là thất bại mới nhất trong một chuỗi dài các thất bại của cấm vận Mỹ. Nhiều nhà hoạch định chính sách coi cấm vận là một giải pháp "khử trùng" cho những tranh cãi về chính trị. Tuy nhiên, cấm vận hiếm khi hiệu quả khi các lợi ích cốt lõi của quốc gia mục tiêu lâm nguy, thay vào đó càng khiến cho quan hệ trở nên căng thẳng và đối đầu gia tăng.
Mỹ có những quan ngại về S-400: Hệ thống này không tương thích với mạng lưới phòng không của NATO, và nó có thể giúp Nga theo dấu chiến cơ F-35 trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện ra các điểm yếu. Bên cạnh đó, triển vọng một thành viên NATO phát triển quan hệ chiến lược gắn bó hơn với Nga làm dấy lên nhiều câu hỏi về các cam kết của nước này với liên minh. Ngoài ra còn là vấn đề lợi ích khi đảm bảo hợp đồng cho công nghiệp quốc phòng của Mỹ, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump.
Washington đã gây áp lực mạnh để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400. Trong trang tiêu điểm hiếm hoi trên báo The New York Times, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng có uy tín cảnh báo sẽ áp những đòn trừng phạt "đánh mạnh vào kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ - làm chao đảo các thị trường quốc tế, [và] ngăn cản đầu tư trực tiếp nước ngoài".
Theo Đạo luật CAATSA (Đạo luật Chống kẻ thù của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt), cấm vận là bắt buộc nhằm vào bất kỳ nước nào dính đến hợp đồng vũ khí lớn với Nga, với việc Tổng thống được yêu cầu chọn 5 trong số 12 loại hình phạt khác nhau. Chính quyền có thể giảm nhẹ cú giáng bằng cách nhắm vào các hãng liên quan đến quân đội, nhưng bất kỳ một lệnh cấm vận nào cũng sẽ khiến thị trường tổn thương và tăng trưởng bị ảnh hưởng.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đủ khả năng chịu được trừng phạt mới. Đồng Lira của nước này đã giảm giá trị tới 40% trong vòng 2 năm qua; nền kinh tế đã suy yếu; và một giai đoạn suy thoái kéo dài dường như đang chờ ở phía trước.
Các cấm vận trước đó của Mỹ liên quan vụ mục sư Andrew Brunson dù rất khiêm tốn đã chứng tỏ nguy hiểm cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng đang bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vì tranh cãi về quyền năng lượng ở đảo Cyprus.
Tuy nhiên, với người Thổ, S-400 thỏa mãn nhiều nhu cầu quan trọng. Hệ thống này rẻ hơn so với Patriot của Mỹ, lại đảm bảo phòng không toàn diện hơn, và vượt trội trong tiêu diệt cả tên lửa lẫn máy bay. Không như Patriot, S-400 được thiết kế để đấu với chiến cơ phương Tây vốn phổ biến trong chính lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, một tính toán quan trọng đối với một chính phủ vốn vẫn chưa quên cuộc đảo chính năm 2016, trong đó các phi công của Không lực Thổ ném bom cả quốc hội lẫn dinh tổng thống.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn kinh tế, đe dọa cấm vận vẫn không làm nước này thay đổi lập trường. Đây cũng là điểm chung ở nhiều nước bị trừng phạt vì những gì họ coi là lợi ích cốt lõi.
Các biện pháp cứng rắn vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014 đã thất bại trong việc buộc Moscow trả lại bán đảo này và chấm dứt hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraina. Tương tự, Iran không nhượng bộ về chương trình tên lửa hoặc dừng hỗ trợ cho các nhóm ủy nhiệm dù cấm vận khiến GDP của nước này thu hẹp 6% trong năm nay. Và, đường ống Nord Stream 2 kết nối giữa Đức và Nga dường như vẫn đang tiến về phía trước bất chấp Mỹ dọa xử phạt các công ty liên quan.
Ngay cả trong trường hợp được coi là điển hình về thành công cấm vận như trừng phạt của Liên Hợp Quốc khiến Iran phải đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015, thì sự đau đớn về kinh tế khiến Tehran phải ngồi vào bàn thương lượng thực chất còn là do tình trạng giảm giá dầu toàn cầu cùng năng lực quản ký kinh tế yếu kém.
Những gì cấm vận đạt được chỉ là khiến quốc gia mục tiêu nổi giận và tiến trình tìm ra giải pháp ngoại giao càng khó khăn. Nhiều thập niên cấm vận nhằm vào Triều Tiên, Cuba hay Iraq thời Saddam Hussein đều không dẫn tới hòa giải, mà thay vào đó khiến cho quan hệ của họ với Mỹ luôn ở trạng thái thù địch.
Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 là một phản ứng thích hợp của Mỹ trước thương vụ S-400, nhưng nhắm đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vì một quyết định mua sắm quốc phòng là không tương xứng. Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ nhìn nhận theo cách đó. Áp cấm vận nhiều khả năng còn kích động thù địch và trả đũa, trong khi càng đẩy Ankara tiến lại gần Nga hoặc các nước đối địch với Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ mới đây ám chỉ một phản ứng có thể bao gồm tước quyền tiếp cận của Mỹ với căn cứ không quân Incirlik hoặc mở một cuộc tấn công vào người Kurd đồng minh của Mỹ ở Syria.
Tổng thống Tump tỏ tín hiệu ông không muốn áp cấm vận, và mới đây đã tham vấn các thượng nghị sĩ về "tính linh hoạt" của các biện pháp đáp trả theo đạo luật CAATSA nhằm tìm ra một giải pháp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện cho chính quyền, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã đề xuất một thỏa thuận với Ankara, theo đó sẽ hủy trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt S-400. Nếu đề nghị này thất bại, thì Mỹ sẽ triển khai cấm vận và điều này có thể sẽ gây ra những tổn hại không thể sữa chữa cho mối quan hệ song phương vốn đã có quá nhiều rạn nứt.
Thanh Hảo