Leo thang cuộc chiến thuế quan, Mỹ được và mất gì?

Mức thuế 145% của ông Trump áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc có hiệu lực trong bối cảnh nhiều quốc gia khác nhận tin vui được hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng áp thuế trong vòng 90 ngày đối với hàng chục quốc gia trên thế giới khiến thị trường chứng khoán lập tức tăng vọt, bất chấp căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 10/4, chứng khoán Mỹ giảm khi Nhà Trắng tiếp tục công bố mức thuế bổ sung 20% mà ông Trump đã áp đặt trước đó với Trung Quốc. Việc Mỹ tiếp tục áp thuế trả đũa lên Trung Quốc làm trầm trọng cuộc khủng hoảng kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. (Ảnh: Shutterstock)

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. (Ảnh: Shutterstock)

Động thái mới nhất của ông Trump

Hôm 9/4, ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong vòng 90 ngày đối với gần 60 quốc gia và thành viên Liên minh châu Âu. Thuế quan được tùy chỉnh cho từng quốc gia và tương ứng với quy mô thặng dư thương mại của họ với Mỹ.

Trái ngược với động thái trên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn giữ nguyên mức tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và thậm chí nâng mức thuế này lên lên 145% vào cuối ngày 10/4. Lý do tiếp tục áp thuế lên Trung Quốc được xác định do vai trò của Bắc Kinh trong việc cung cấp fentanyl và tiền chất fentanyl cho Washington.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết căng thẳng Mỹ - Trung tạo ra nguy cơ suy giảm mạnh mẽ trong thương mại song phương.

Bà Okonjo-Iweala nói: "Dự báo sơ bộ của chúng tôi cho thấy số lượng hàng hóa thương mại giữa hai nền kinh tế này có thể giảm tới 80%".

Tại sự kiện của Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố phương pháp chỉ định và điều chỉnh thuế quan của ông dựa trên "bản năng hơn bất cứ điều gì khác". Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận một số nhà đầu tư lo sợ về sự hỗn loạn kinh tế và các quốc gia đang xếp hàng chờ đợi kinh doanh với chính quyền của ông.

Ông Trump nói: "Chúng tôi có nhiều hơn 75 quốc gia và tất cả họ đều muốn đến Mỹ đàm phán. Tôi nghĩ Mỹ có thể thu về cổ tức trước thời điểm cuối năm. Tôi đã tạm dừng thuế quan đối ứng trong vòng 90 ngày cho những quốc gia không trả đũa, vì tôi từng nói với họ: 'Nếu bạn trả đũa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi'. Và đó chính là những gì tôi làm với Trung Quốc, bởi vì họ trả đũa nước Mỹ".

Chiến sách thuế quan của ông Trump chống lại Trung Quốc có thể đẩy Bắc Kinh vào bàn đàm phán trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Một thỏa thuận có thể thực hiện với từng bên trong số họ và với Trung Quốc. Chúng sẽ là những giao dịch công bằng, tôi chỉ muốn công bằng. Tuy nhiên, họ không công bằng với Mỹ".

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc ước tính đạt 582,4 tỷ USD vào năm 2024. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc đạt tổng cộng 143,5 tỷ USD.

Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đạt tổng cộng 438,9 tỷ USD. Kết quả, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc nằm ở mức 295,4 tỷ USD vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng 5,8% (16,3 tỷ USD) so với năm 2023.

Vào đầu năm 2023, Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Vào đầu năm 2023, Trung Quốc không còn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, sau Mexico và Canada. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ dần hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 13,3% lượng nhập khẩu của Mỹ vào năm 2024, giảm từ mức đỉnh 21,6% vào năm 2017.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một trong những nhà cung cấp sản phẩm máy giặt, TV và quần áo hàng đầu cho Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ ước tính các thiết bị cơ khí (chủ yếu là sản phẩm công nghệ tầm thấp đến tầm trung) chiếm 46,4% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc vào năm 2022.

Cùng với đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu thiết bị nông nghiệp, chip máy tính và nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Mỹ.

Mỹ có thể hưởng lợi theo cách nào?

Ông Trump từ lâu khẳng định thuế quan có thể làm giảm thâm hụt thương mại và đưa sản xuất nước ngoài trở lại Mỹ. Ông cũng cho biết điều này sẽ mở đường cho việc cắt giảm thuế quan trong tương lai.

Năm 1979, gần 20 triệu người Mỹ kiếm sống bằng nghề sản xuất. Ngày nay, con số đó chỉ gần bằng 12,5 triệu người. Trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ vẫn giữ vững vị trí nhà sản xuất xe cơ giới, máy bay và thép.

Người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin Quốc tế, ông Vincent Vicard cho biết: “Sự cạnh tranh của nước ngoài và tăng năng suất đã thu hẹp tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ. Thật khó để nói chính xác ông Trump muốn gì. Một phần của kế hoạch thuế quan là tăng doanh thu để cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy ngành công nghiệp".

Ông Vicard thông tin thêm: “Một số ngành công nghiệp như ô tô và thép có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh nước ngoài thấp hơn. Tuy nhiên, hàng hóa trung gian của họ vẫn phải đối mặt với mức giá cao".

Thuế quan gây tổn hại cho Mỹ?

Trong khi Tổng thống Trump hy vọng chính sách thuế quan của mình sẽ làm xói mòn thặng dư thương mại của Trung Quốc thì Bắc Kinh lại hưởng lợi từ những lợi thế cạnh tranh cố thủ. Theo chuyên gia kinh tế Brian Coulton của Fitch Ratings, sự thống trị trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc sẽ không dễ dàng mất đi.

Ông Coulton nói: “Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng mạng lưới hậu cần và cơ sở hạ tầng tuyệt vời, tập trung xung quanh lĩnh vực sản xuất quan trọng. Cách làm việc của họ mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc".

Chi phí tiền lương cho mỗi giờ sản xuất ở Mỹ là khoảng 30 USD, trong khi ở Trung Quốc là khoảng 12 USD. Nói cách khác, chi phí lao động ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Ông Coulton nói thêm với Al Jazeera rằng nhiều công ty "điện tử và kỹ thuật số" của Mỹ khi tiếp xúc với vòng thuế quan mới nhất của ông Trump sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, Apple đang gặp rủi ro cao.

"Đây là những ngành công nghiệp nhập khẩu hàng hóa trung gian từ Trung Quốc. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ thu về chi phí cao hơn thông qua tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hay chuyển chúng cho người tiêu dùng", ông Coulton cho hay.

Ông Coulton dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ tăng lên trên 4% trong năm nay, từ mức 2,8 ở thời điểm hiện tại và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng chậm lại.

Trong cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump với Trung Quốc vào năm 2018, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung ước tính có 245.000 việc làm ở Mỹ bị mất. Ông Coulton tuyên bố: "Thuế quan của Trump rất ấn tượng, chúng sẽ là cú sốc đối với nền kinh tế Mỹ".

Kông Anh / VTC News