Kinh tế Nga không dễ sụp đổ trước những đòn trừng phạt từ phương Tây

Lệnh trừng phạt của phương Tây có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho kinh tế Nga, nhưng rất khó để nền kinh tế của quốc gia này sụp đổ.

Gần như ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào đầu tuần này, Mỹ, EU và các đồng minh đã thống nhất về việc sẽ tung ra các gói trừng phạt kinh tế và cấm vận nặng nề đối với Moscow.

Các biện pháp bao gồm đóng băng tài khoản của các cá nhân và tổ chức có liên hệ với ông Putin, trừng phạt ngân hàng trung ương Nga và thậm chí là loại bỏ một số ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các ngân hàng của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bị SWIFT loại khỏi hệ thống

Mặc dù vậy theo các chuyên gia được phỏng vấn bởi New York Times, nếu Mỹ và các đồng minh không thể đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt ở mức cao nhất với Moscow, thì tác động của việc cấm vận sẽ không thể làm khó được Tổng thống Putin.

Trong hơn một thập kỷ, điện Kremlin đã thận trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm nợ công quốc gia, và yêu cầu ngân hàng trung ương Nga tích trữ lượng tài sản đủ lớn để đảm bảo giá trị của đồng rúp trong trường hợp lạm phát vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Như vậy, các lệnh trừng phạt mới được đưa ra bởi Mỹ và các đồng minh sẽ khó có tác động đáng kể nào đến nền kinh tế Nga hoặc sự ổn định tài chính của nước này, ít nhất là trong vài năm tới.

Việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, mà còn cho các tập đoàn châu Âu sở hữu tài sản ở Nga.

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ, SWIFT chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương thuộc nhóm các nước G10 (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Thụy Điển), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Bỉ. Trong đó, quyền giám sát chính thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ.

Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế, và được hàng nghìn tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia, trong đó có cả Nga, sử dụng.

Tính riêng trong năm 2021, SWIFT đã nhận được trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày. Hàng nghìn tỷ USD đã được giao dịch thông qua hệ thống này mỗi năm. Alexandra Vacroux, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Nga và khu vực Á-Âu thuộc Đại học Harvard (Mỹ), đã ví SWIFT giống như một "mạng xã hội dành cho các ngân hàng" . SWIFT cũng có một đối thủ đáng gờm đó là CIPS (Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới) - được hẫu thuận bởi chính phủ Trung Quốc. Nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga có thể sử dụng CIPS để thực hiện giao dịch trực tiếp với các đối tác. Hiện có 23 ngân hàng Nga là thành viên của hệ thống này.

Dù vẫn có một số lựa chọn thay thế khác, nhưng SWIFT vẫn là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nếu bị SWIFT “cấm cửa”, các ngân hàng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường tài chính trên toàn cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp, cá nhân có tài khoản ngân hàng tại Nga sẽ bị hạn chế trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vay vốn và đầu tư ở nước ngoài. Hiện có khoảng 300 ngân hàng, định chế tài chính của Nga sử dụng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống SWIFT. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin năm 2014 ước tính, việc bị loại khỏi SWIFT sẽ khiến nền kinh tế nước này giảm 5%.

Công ty năng lượng Nga sẽ không thể nhận tiền giao dịch theo phương thức quen thuộc như trước

SWIFT quan trọng đối với Nga chủ yếu vì hệ thống này cho phép các công ty năng lượng của họ nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới. Cùng với các đợt trừng phạt trước đó được phương Tây áp lên nhiều ngân hàng Nga, việc bị loại khỏi SWIFT khiến các công ty xuất khẩu của nước này gần như không thể giao thương với quốc tế.

Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ làm suy yếu khả năng của các quốc gia và tổ chức khác trong việc chi trả cho nguồn năng lượng mua từ Nga, dẫn đến việc giá dầu và khí đốt leo thang. Các chủ nợ cũng sẽ rất khó để lấy lại tiền của họ từ các công ty Nga.

PV (t/h)

https://nghenghiepcuocsong.vn/kinh-te-nga-khong-de-sup-do-truoc-nhung-don-trung-phat-tu-phuong-tay/?fbclid=IwAR3V0ZuZAsCUhtwQW-ur2OCtsHGG_b8vBssDdI0VTyXt4uPdJ0vHqy7OSlc

Bị loại khỏi SWIFT, kinh tế Nga bị ảnh hưởng thế nào? Bị loại khỏi SWIFT, kinh tế Nga bị ảnh hưởng thế nào?
Kinh tế Nga gồng mình trong khủng hoảng kép Kinh tế Nga gồng mình trong khủng hoảng kép

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống