- Mong muốn hạ lãi suất xuống 1% của ông Trump có khả thi?
- Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ lãi suất đang được kỳ vọng phát huy vai trò hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều bất định, từ xung đột địa chính trị, giá dầu, giá vàng khó đoán định... đến chính sách tiền tệ toàn cầu thiếu nhất quán, thì việc NHNN điều hành chính sách lãi suất theo hướng linh hoạt, thận trọng và định hướng ổn định vĩ mô là một bước đi đúng đắn, có tính chiến lược rõ ràng.
Việc giữ mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý thể hiện sự nhạy bén trong nhận diện thời điểm, cân đối hài hòa giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng. Đây không phải là bài toán dễ, bởi nếu lãi suất hạ quá mạnh, sẽ gây sức ép lên tỷ giá, khiến dòng vốn ngoại có thể rút đi, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Ngược lại, nếu duy trì lãi suất cao, khu vực kinh tế tư nhân, vốn được xem là động lực chính của tăng trưởng nội địa, sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.
Tôi đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngân hàng, không chỉ hạ lãi suất trên giấy tờ, mà đã chủ động tái cấu trúc danh mục tín dụng, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả huy động vốn để tạo dư địa thực chất cho việc giảm lãi suất. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành Ngân hàng đã thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt thị trường, góp phần phát huy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Ông dự báo xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm? Diễn biến lãi suất sẽ tác động như thế nào tới thị trường?
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay là một mục tiêu rất tham vọng, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cản trở như lạm phát dai dẳng ở các nền kinh tế lớn, chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng và nhu cầu tiêu dùng thế giới chưa hồi phục mạnh. Trong bối cảnh đó, lãi suất thấp chắc chắn là một “bệ phóng” quan trọng, thúc đẩy sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất không phải là “chiếc đũa thần” duy nhất.
Tôi cho rằng, xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm 2025 sẽ được duy trì ở mức thấp hợp lý, miễn là các điều kiện vĩ mô như lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Điều quan trọng nữa là chính sách lãi suất thấp phải đi kèm với cơ chế phân bổ vốn hiệu quả, tức là dòng vốn cần “chảy” đúng vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, giáo dục - những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng và việc làm bền vững. Nếu dòng vốn này bị lệch hướng vào bất động sản chưa đủ điều kiện, chứng khoán tăng nóng, hay các tài sản đầu cơ khác sẽ làm mất hiệu lực của chính sách tiền tệ và tạo ra rủi ro tài chính trong tương lai.
Ngoài ra, để đạt được tăng trưởng kinh tế cao, còn cần một môi trường đầu tư ổn định, cải cách thể chế mạnh mẽ, hạ tầng số đồng bộ. Chính sách tiền tệ chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi được phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và cải cách hành chính.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, ông nhìn nhận thế nào về rủi ro tín dụng và định hướng điều hành sắp tới?
Việc mặt bằng lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ quanh mức 6,23%/năm, thấp nhất trong nhiều năm, cho thấy dư địa của chính sách tiền tệ đã được khai thác khá triệt để. Tuy nhiên, dư địa để giảm thêm trong thời gian còn lại của năm là rất hạn chế và cần thận trọng bởi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang bị thu hẹp, có thể gây áp lực lên tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp và dự trữ ngoại hối. Chưa kể nợ xấu có xu hướng tăng, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro ảnh hưởng đến chi phí tài chính.
Một điểm rất đáng lưu ý là khi lãi suất duy trì ở mức thấp quá lâu sẽ tiềm ẩn ba loại rủi ro lớn. Thứ nhất là nguy cơ giảm chất lượng tài sản tín dụng nếu các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn cho vay. Thứ hai là dòng vốn có thể bị đẩy vào các lĩnh vực rủi ro cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Và thứ ba là khi doanh nghiệp trông chờ vào vốn vay giá rẻ, họ sẽ trì hoãn cải cách nội lực, lệ thuộc vào vay nợ thay vì đổi mới sáng tạo.
Tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay chính sách lãi suất cần được điều hành theo hướng ổn định, linh hoạt và thận trọng. Trọng tâm chính là kiểm soát chất lượng tín dụng và khuyến khích tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên.y
Xin cảm ơn ông!
https://thoibaonganhang.vn/duy-tri-lai-suat-o-muc-thap-qua-lau-se-tiem-an-rui-ro-167836.html