EU bế tắc vì không thể ra lệnh cấm dầu Nga

Các nhà ngoại giao EU tiếp tục gặp khó khăn trong việc đàm phán điều khoản gói trừng phạt thứ 6 đối với Moskva, khi nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh lệnh cấm dầu.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất gói trừng phạt trong đó hầu hết các thành viên EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. Nhưng một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Hungary, yêu cầu miễn trừ cho họ không phải áp dụng lệnh cấm hoặc được hỗ trợ để thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào dầu thô của Nga.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố đề xuất vòng trừng phạt thứ 6 của EU, trong đó có lệnh cấm dầu, đã vượt qua "lằn ranh đỏ" đối với nước này. Tuy nhiên các nhà ngoại giao ở Brussels khẳng định các cuộc đàm phán kỹ thuật vẫn tiếp tục. 

203111-18534640
Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất gói trừng phạt trong đó hầu hết các thành viên EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. (Ảnh minh họa)

Các đại sứ châu Âu dự kiến tiếp tục gặp lại hôm 8/5 (giờ địa phương), nhưng với những tranh cãi hiện tại, khả năng gói trừng phạt sẵn sàng trước 9/5 để EU kịp "gửi tín hiệu" tới Nga vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng đã không còn nhiều. 

Trong diễn biến mới nhất, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết nếu vẫn chưa có thỏa thuận nào được đưa ra vào cuối tuần này, ông sẽ triệu tập một cuộc họp ngoại trưởng vào tuần tới.

Bất kỳ quyết định nào về các biện pháp trừng phạt sẽ phải được chính phủ các quốc gia thành viên nhất trí thông qua. Một nhà ngoại giao châu Âu nói với AFP: "Hiện không có sự tắc nghẽn chính trị nào, nhưng cần đảm bảo các nguồn cung cấp thay thế cho các quốc gia phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu Nga. Và điều đó là không dễ dàng".

Vị quan chức này nói thêm: "Đó là những thay đổi mới về cơ sở hạ tầng và công nghệ, không chỉ đòi hỏi sự tài trợ của châu Âu mà còn phải có các thỏa thuận giữa một số quốc gia thành viên. Chúng tôi đang đạt được tiến bộ, nhưng điều đó cần có thời gian".

Chủ tịch EU Ursula von der Leyen trước đó đã thừa nhận "không dễ để thiết lập sự thống nhất" giữa 27 thành viên nhưng nói thêm rằng bà "tự tin" rằng họ có thể nhất trí về một lệnh cấm vận dầu mỏ.

Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã được đề nghị tiếp tục nhập khẩu dầu Nga cho đến cuối năm 2024, nhưng các nước này cũng muốn được giúp đỡ để đảm bảo nguồn cũng dầu mới, cũng như trang bị lại các nhà máy lọc dầu của họ.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, động thái bị Ủy ban châu Âu chỉ trích là "công cụ tống tiền". Bộ trưởng Tài chính Ukraine trong khi đó kêu gọi các bên thực hiện một lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn và ngay lập tức để gây áp lực với các hoạt động của Nga. 

Ngoài châu Âu, Washington cũng đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga. Thông thường Mỹ nhập khẩu khoảng 3% dầu Nga, trong khi EU nhập khẩu khoảng 40%.