- EU không đảm bảo an ninh năng lượng cho Hungary
- EU miễn trừ Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận dầu Nga
- Hungary "quay xe" với EU khi chấp nhận thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu mỏ Nga sẽ tạo ra một cú sốc giống như "bom hạt nhân" giáng xuống nền kinh tế nước này.
SkyNews hôm nay (6/5) dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này có thể phủ quyết kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga mà EU đang tính toán, khẳng định một động thái như vậy sẽ tạo ra cú sốc giống như "bom hạt nhân" với nền kinh tế Hungary.
Hungary nhập khẩu 65% nhu cầu dầu mỏ, bao gồm cả các sản phẩm tinh chế, từ Nga. Thủ tướng Orban nói sẽ cần 5 năm và một khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy lọc dầu cùng đường ống để có thể giảm phụ thuộc vào dầu mỏ do Moscow cung cấp.
"Chúng tôi biết chính xác những gì chúng tôi cần. Trước hết chúng tôi cần 5 năm để hoàn thành toàn bộ quá trình này…, một năm đến một năm rưỡi là không đủ", Thủ tướng Orban nói.
Theo lời nhà lãnh đạo Hungary, EU cũng cần cân nhắc xem liệu một khoản đầu tư khổng lồ về hạ tầng để từ bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga có phải là một quyết định khôn ngoan, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine có thể sớm kết thúc, và giá năng lượng đang tăng cao.
EU nhập khẩu 3 - 3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách Nga năm 2021.
Từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, EU đã áp 5 vòng trừng phạt chống Nga. Các biện pháp này gây tổn hại nền kinh tế Nga, song được cho là không mang lại hiệu quả như khối mong muốn. EU hiện đang tính toán áp vòng trừng phạt thứ 6, với việc cấm vận dầu mỏ là nội dung chủ đạo.
Truyền thông phương Tây loan báo, EU đã ban bố một kế hoạch cho phép Hungary, Czech và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu của Nga đến giữa hoặc cuối năm 2024. Trong khi đó, các thành viên còn lại phải ngừng mua dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng.
Hôm 5/5, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói rằng khối gần đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6 với Nga do chiến sự Ukraine, bao gồm lệnh cấm nhập dầu. "Tôi hy vọng họ đạt thỏa thuận. Họ đã gần đạt được rồi. Và chúng ta cần thỏa thuận này vì vẫn phải gây thêm áp lực kinh tế và tài chính đối với Nga", ông này nói.