Đường sắt đô thị và câu chuyện chuyển đổi “phương tiện xanh”

Những ngày này, người dân Hà Nội vẫn đang háo hức trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã thu hút hơn 393.000 lượt hành khách đi tàu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân tích cực lựa chọn tham gia loại hình phương tiện giao thông mới, hiện đại, chứng tỏ cần sớm chuyển đổi “phương tiện xanh”. Có như vậy người dân mới sớm quen với việc sử dụng phương tiện công cộng, “quên dần” thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.

Đường sắt đô thị và câu chuyện chuyển đổi “phương tiện xanh” -0
Người dân chờ trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao).

Khách đi tàu đường sắt đô thị mỗi ngày một tăng

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trong ngày 8/8, ngày đầu khai thác thương mại với 170 lượt tàu vận hành, có 37.244 hành khách tham gia trải nghiệm. Đến ngày 14/8, con số khách đi tàu tăng lên 44.280 người. Đáng chú ý, vào các ngày nghỉ cuối tuần, lượng hành khách đi tàu tăng đột biến. Như ngày thứ bảy (10/8) có 66.087 người dân đi tàu; ngay chủ nhật (11/8), metro Nhổn - ga Hà Nội đón 100.515 hành khách đi tàu. Đây là con số kỷ lục.

Tính chung trong 7 ngày khai thác, metro Nhổn - ga Hà Nội đón 393.168 hành khách đi tàu. Nếu so sánh hai tuyến đường sắt đô thị đã được đưa vào vận hành, khai thác thương mại trong vòng 7 ngày, metro Nhổn - ga Hà Nội có lượng khách đi tàu cao hơn nhiều lần so với tuyến Cát Linh - Hà Đông (chỉ có 165.824 hành khách đi tàu).

Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội. Trong 3 tháng đầu, sẽ thực hiện giờ mở tuyến 5h30, giờ đóng tuyến 22h, giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Về giá vé, vé lượt (vé chặng) đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày là 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng phổ thông 200.000 đồng, ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể 140.000 đồng/tháng. Ngoài ra, thực hiện chính sách vé miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 07 của HĐND TP Hà Nội, metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật.

Đường sắt đô thị là "xương sống"

Nhìn vào số liệu thống kê gần đây của các loại hình phương tiện vận tải công cộng, nhiều chuyên gia có chung nhận định, Hà Nội đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ngoài các số liệu đường sắt đô thị nhắc tới ở trên, hiện Hà Nội có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và thành phố.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh, xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại ra chứ không thể lùi. Tuy nhiên, để xe công cộng tốt phải có bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, kể cả các trạm nạp pin, điện.

Chia sẻ thêm vấn đề chuyển đổi phương tiện xanh tại buổi tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó" diễn ra vào ngày 15/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Trong đó, việc rất quan trọng cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm và ùn tắc đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Hà Nội thấy rằng, việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất, tích cực tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.

“Cũng cần tính toán cơ chế, nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô", ông Hải chia sẻ đồng thời cho biết thêm, Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội đã đưa vào quy hoạch Thủ đô nội dung kết nối toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân.

Được biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn, với gần 7 triệu môtô, xe máy, 1,1 triệu ôtô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.

 https://cand.com.vn/Giao-thong/duong-sat-do-thi-va-cau-chuyen-chuyen-doi-phuong-tien-xanh-i740657/

Nhật Uyên / CAND