Nhiều người nghèo hàng chục năm sống nhờ ao hồ ở Phnom Penh mất chỗ ở và sinh kế vì các dự án lấp đất xây căn hộ, trung tâm thương mại.
Một thanh niên đánh cá trên hồ Boeung Tompoun hồi tháng 2, cạnh công trường san lấp cát. Ảnh: Enric Catala. |
Gia đình Lay Sremeth sống trên một dải đất hẹp cạnh hồ Boeung Tompoun ở Phnom Penh suốt 30 năm. Họ kiếm sống nhờ câu cá và trồng lúa nước ven hồ. Nhưng khi chính quyền cho phép lấp một phần hồ 10 năm trước để xây dựng trung tâm thương mại và căn hộ, họ mất kế sinh nhai.
Giờ đây, khi một tổ hợp thương mại khổng lồ đang được xây dựng ngay cạnh những ngôi nhà gỗ và mái tôn của cộng đồng hơn 60 hộ dân, họ có nguy cơ mất luôn chỗ ở, khi xóm của họ thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa.
"Khi chúng tôi chuyển tới đây, khu này toàn là đất trống. Chúng tôi có thể kiếm sống dễ dàng và kiếm đủ lương thực. Nhưng giờ chúng tôi phải vào nhà máy làm việc, lái xe tuk tuk và đi mua thức ăn", Lay Sremeth nói. "Chúng tôi đã sống ở đây rất lâu rồi nhưng vẫn không an tâm vì không có quyền cư trú và biết rằng có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào".
Theo Tổ chức bảo tồn Chim hoang và Đất ngập nước quốc tế (WWT), người Campuchia phụ thuộc nhiều vào ao hồ và đất ngập nước, với một nửa dân số kiếm sống dựa vào nguồn lúa gạo và thủy sản trên những khu vực này. Nhưng khi bất động sản phát triển nhanh trong 15 năm qua, khoảng một nửa khu vực đất ngập nước đã biến mất.
Thủ đô Phnom Penh là nơi dễ nhận thấy nhất, với 15 trong số 25 ao hồ bị lấp hoàn toàn, một số bị lấp một phần để cải tạo cơ sở hạ tầng, theo tổ chức quyền đất đai Sahmakum Teang Tnaut (STT).
"Những người sống dựa vào sông nước rất dễ bị tổn thương, bởi họ ít có khả năng được cấp đất hoặc bồi thường khi bị giải phóng mặt bằng", Isaac Daniels, cố vấn của STT nói. "Nhiều hộ dân sống ở đó hàng thập kỷ đã trở thành nạn nhân của phát triển thiếu quy hoạch".
Các nhà chức trách cho rằng việc cải tạo các ao hồ, khu ngập nước này là cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố.
"Một số điểm cần di dời để lấy đất phát triển", Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, nói. "Bất kỳ ai là cư dân hợp pháp và đã cư trú trong một thời gian nhất định đều có thể đăng ký quyền cư trú. Đó là quy trình và chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận sau khi xác minh".
Máy bơm cát vào hồ Boeung Tompoun hồi tháng 2. Ảnh: Enric Catala. |
Phnom Penh nằm bên bờ sông Tonle Sap, Mekong và Bassac nên rất dễ bị ngập lụt, đặc biệt trong mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 10. Việc lấp hồ càng làm trầm trọng thêm vấn đề thoát nước của thành phố và dường như được thực hiện mà không đánh giá đầy đủ tác động môi trường, theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Mỹ (IPCC) dự đoán các quốc gia Đông Nam Á sẽ hứng chịu lượng mưa lớn hơn do nhiệt độ cao hơn, làm tăng nguy cơ lũ lụt. Nguy cơ này càng trầm trọng hơn khi các khu đất ngập nước và ao hồ bị lấp để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, Diane Archer, nghiên cứu viên Viện Môi trường Stockholm ở Bangkok, nhận định.
Ao hồ giúp giảm và làm chậm dòng chảy, là chìa khóa để phòng chống lũ, Archer nói. Chúng cũng thúc đẩy nhiều lợi ích khác như tái tạo nước ngầm, làm mát và tăng chất lượng không khí.
"Thực tế về biến đổi khí hậu là chúng ta nên có tầm nhìn dài hạn trong phát triển đô thị. Bảo tồn các vùng đất ngập nước hiện tại dễ hơn là cố gắng biến chúng thành đất xây dựng", cô nói.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Môi trường Neth Pheaktra cho hay các nhà chức trách đã đánh giá các tác động môi trường cần thiết với Boeung Tompoun và những khu vực cần san lấp khác.
Một phần hồ Boeung Tompoun bị lấp cát, trở thành "hồ nước khô" khi nhìn từ trên cao, nằm giữa thủ đô và cạnh các thửa ruộng hoa súng. Ảnh: Enric Catala. |
Khoảng 13 khu dân cư bị ảnh hưởng khi 2.600 hecta hồ Beoung Tompoun bị lấp, theo STT. Cách nhà Lay Sremeth vài cây số, gia đình Khut Chandara và khoảng 380 hộ dân khác đang đầy hy vọng được ở lại, dù không thể trồng trọt hay đánh bắt thủy sản nữa.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hứa cấp giấy sử dụng đất cho họ trong chiến dịch tranh cử năm ngoái và các nhân viên địa chính cũng đã tới đo đạc. "Chúng tôi rất vui vì cuối cùng sẽ được cấp giấy tờ. Có giấy tờ rồi, chúng tôi sẽ không bị đuổi và có thể xây nhà kiên cố hơn, an toàn hơn và an tâm hơn", Chandara nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
‘Rừng bê tông’ - cơn ác mộng quy hoạch đô thị mất kiểm soát
“Rừng bê tông” là hậu quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát tại nhiều thành phố lớn ở châu Á, nơi các ... |