Cuộc gặp Mỹ- Triều Tiên: Liệu có \'lật ngược thế cờ\' vào phút chót?

Hai tháng là khoảng thời gian quá ngắn để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un, nhưng lại đủ dài để một tình huống bất ngờ nào đó nổ ra khiến Mỹ-Triều Tiên tiếp tục căng thẳng.

cuoc gap my trieu tien lieu co quotlat nguoc the coquot vao phut chot
Hai tháng chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh có thể là quãng thời gian gây ra những bất đồng.

Thách thức cho cả hai phía

Trong quá khứ, chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào từng gặp người đồng nhiệm Triều Tiên trong thời gian tại chức. Do đó, quyết định có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Tổng thống Donald Trump là một ý tưởng khiến giới phân tích phản ứng một cách thận trọng

Nếu mọi thứ đi theo quỹ đạo tốt và ông Trump thực sự thành công trong tiến trình phi hạt nhân hoá Triều Tiên, ông sẽ rất xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vào năm sau.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong một viễn cảnh khủng hoảng ngoại giao.

Theo chuyên gia Yuki Tatsumi, Trợ lý Chính trị đặc biệt thuộc Đại sứ quán Nhật Bản tại Washington, rất có thể Nhà Trắng đang bước vào một “cái bẫy” mà Triều Tiên vẫn thường xuyên giăng ra cho các đời Tổng thống Mỹ từ những năm 1990.

Thứ nhất, từ bây giờ đến tháng 5 là khoảng thời gian quá ngắn để chuẩn bị nhưng lại quá dài để dễ có thêm những xích mích. Hai nước sẽ có chưa đầy hai tháng để chuẩn bị cho một cuộc họp ở cấp cao nhất về tất cả mọi thứ - từ địa điểm, đến chương trình làm việc và thời gian kéo dài của hội nghị.

Chỉ cần bất đồng đối với bất kỳ vấn đề nào trong số những vấn đề này có thể làm trật bánh những nỗ lực chuẩn bị và ngăn không cho Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra đúng tiến độ, thậm chí là khiến hội nghị bị hủy bỏ.

Thứ hai, chính quyền Trump vẫn hoàn toàn mơ hồ về những gì họ muốn đạt được trong cuộc gặp với chính quyền Kim Jong-un. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng đây sẽ là "cuộc nói chuyện" chứ không phải đàm phán.

Tuy nhiên, ông Kim có thể sẽ đến Hội nghị Thượng đỉnh với tâm thế bắt đầu các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân và có thể bao gồm rất nhiều thứ từ giảm áp lực cho đến gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.

Điều này có thể khiến cho Tổng thống Trump đi chệch hướng khỏi những lập trường mà đội ngũ cố vấn đã chuẩn bị, thậm chí những gì ông nói trong cuộc họp có thể gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra còn cần phải chú ý đến trường hợp Triều Tiên có thể tuyên bố hủy họp một cách bất ngờ.

Theo chuyên gia Yuki Tatsumi, Bình Nhưỡng từng có hành động này trong quá khứ khi thường đồng ý có các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân nhưng đến phút cuối lại bất ngờ rút lui khỏi các thỏa thuận mà không tuyên bố lý do.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên có thể sẽ nắm bắt những bước đi của Nhà Trắng như một cơ hội để rút lại đề xuất của mình về hội nghị thượng đỉnh.

Trong gần 2 tháng tới, chỉ cần có một tuyên bố làm mích lòng trên Twitter của ông Trump cũng là đủ cho Triều Tiên có thể thay đổi ý định và đổ lỗi cho Mỹ khi đã có hành động khiến cho Hội nghị Thượng đỉnh đổ vỡ.

Thậm chí điều này còn làm sứt mẻ quan hệ của Mỹ với Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là Hàn Quốc. Trong đó Seoul sẽ rất không hài lòng nếu nhận thấy Mỹ đã cố tình đạp đổ mọi nỗ lực ngoại giao mà nước này gây dựng thời gian qua.

Triển vọng

cuoc gap my trieu tien lieu co quotlat nguoc the coquot vao phut chot
Triều Tiên diễu hành quân sự.

Ngay cả khi Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim dẫn đến một thỏa thuận về các bước tiến tới phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, vẫn không có gì đảm bảo cho cuộc khủng hoảng này đã đi đến bước cuối cùng.

Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1992. Hai năm sau đó, Washington và Bình Nhưỡng đã ký được thỏa thuận khung về vấn đề này.

Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân, tháo dỡ các lò phản ứng và vẫn là một thành viên của NPT. Đổi lại, Mỹ đồng ý cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên xây dựng các lò phản ứng phục vụ cho điện hạt nhân dân dụng và bắt đầu các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa hai nước.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã chấm dứt vào năm 2003, khi Mỹ chuyển sang lập trường đối đầu với Triều Tiên sau các đánh giá tình báo cho thấy, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Đồng thời Triều Tiên cũng tuyên bố một lần nữa rằng, họ sẽ rút khỏi NPT.

Ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Trump có thể giành được một chiến thắng ngoại giao lớn bằng cách đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, vẫn còn đó nguy cơ là Bình Nhưỡng sẽ vi phạm thỏa thuận.

Với những lý do trên, dù giới quan sát cho rằng, thoả thuận giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un có thể sẽ mang đến ủng hộ nhiệt tình của thế giới khi giảm bớt sự lo ngại về cuộc xung đột quân sự tại bán đảo Triều Tiên, nhưng con đường hòa bình phía trước vẫn còn xa xăm và nhiều rủi ro.

“Chúng ta đang trên đường đến một giải pháp ngoại giao, và nếu hai bên thể hiện sự nghiêm túc, sẽ vẫn còn rất nhiều việc để làm.

Một Hội nghị Thượng đỉnh là một bước đi táo bạo nhưng đòi hỏi phải chuẩn bị cẩn thận để đảm bảo rằng đây là sự khởi đầu, chứ không phải là sư kết thúc cho một tiến trình ngoại giao mới chớm nở”, Kingston Reif từ Hiệp hội kiểm soát vũ khí nói về triển vọng cuộc gặp.

Trong một quan điểm lạc quan hơn, chuyên gia nghiên cứu Jenny Town từ Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn tại Đại học Johns Hopkins, nói: "Đây là một cơ hội lớn nếu được các bên xử lý phù hợp. Một Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Mỹ-Triều Tiên tạo ra tiềm năng cho những động thái táo bạo từ cả hai bên".

Trong khi chuyên gia về an ninh quốc gia Mieke Eoyang từ trung tâm phân tích Third Way cho rằng bằng bất cứ giá nào, Tổng thống Trump cũng phải gặp mặt ông Kim Jong-un. " Ông Trump hoàn toàn phải chấp nhận đề nghị gặp ông Kim. Sẽ là vô trách nhiệm nếu ông ấy từ chối nó", học giả này khẳng định.

cuoc gap my trieu tien lieu co quotlat nguoc the coquot vao phut chot Singapore bị lộ tuồn rượu mạnh cho Triều Tiên

Một bản dự thảo bị rò rỉ của báo cáo Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định 2 công ty Singapore đã vi phạm lệnh trừng ...

cuoc gap my trieu tien lieu co quotlat nguoc the coquot vao phut chot Bất ngờ lý do thành phố của Nga có thể là "chủ nhà" cho cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều

So với Bàn Môn Điếm, Mông Cổ hay Bắc Kinh, chỉ có thành phố của Nga mới là địa điểm hợp lý nhất cho cuộc ...

cuoc gap my trieu tien lieu co quotlat nguoc the coquot vao phut chot Mỹ tuyên bố đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán, Triều Tiên vẫn một mực im lặng

Nhà Trắng cho biết họ kỳ vọng vào một cuộc gặp gỡ “chưa từng có” giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều ...

/ Người đưa tin