Cuộc đời gian truân của đại thi hào Nguyễn Du

Sinh ra trong gia đình quan lại giàu có, Nguyễn Du sớm mồ côi cha mẹ, phải trải qua những năm tháng loạn lạc, bần hàn dưới thời Lê - Trịnh.

Theo Gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền, Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long, Hà Nội. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775), quê ở xã Tiên Điền, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từng làm quan đến chức Tể tướng dưới triều Lê; mẹ tên Trần Thị Tần, quê Kinh Bắc, Bắc Ninh.

Là con của gia đình quan lại, Nguyễn Du sớm phải từ bỏ cuộc sống giàu sang. Năm 10-13 tuổi, ông lần lượt mồ côi cha mẹ, phải đến ở với người anh cả khác mẹ Nguyễn Khản, hơn 31 tuổi, là đại quan dưới triều chúa Trịnh. Năm 1780, khi Trịnh Tông lên ngôi, Nguyễn Khản được cử làm Thượng thư Bộ lại và Tham tụng, quân lính phe kiêu binh không phục, kéo đến phá nhà khiến ông phải cải trang trốn lên Sơn Tây rồi trở về quê Hà Tĩnh. Anh em Nguyễn Du từ đây chia ly.

2232 tuong nguyen du 2639 1601140823
Tượng Nguyễn Du cao 1,5 m làm bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông tại Khu di tích Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ảnh: Đức Hùng

Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tú tài, được cử làm quan dưới triều Lê ở Thái Nguyên. Ông lấy vợ tên Đoàn Thị Huệ, người huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Năm 1789, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh tan quân Thanh, Nguyễn Du định đi theo vua Lê Chiêu Thống (1766-1793) song không kịp, đành đến quê vợ ở Thái Bình sống ẩn dật. Quãng thời gian này kéo dài 10 năm, ông từng bị quân Tây Sơn bắt giữ ba tháng, chịu cảnh mất con, sống bần hàn, phải về quê cha xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ làm nhà ở.

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu ở Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi vua Gia Long thống nhất giang sơn vào năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Du được gọi ra làm quan, lần lượt giữ các chức Tri huyện, tri phủ ở Hưng Yên, Hà Tây, giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương...

Thời gian làm quan ở Huế, Nguyễn Du sống cuộc đời bình dị ở xóm dệt vải làng Vạn Xuân thuộc phường Kim Long bên dòng sông Bạch Yến, một nhánh sông Hương. "Nguyễn Du có bản lý lịch rất phức tạp song vua vẫn trọng dụng. Nếu xưa kia, Gia Long không tin tưởng ông thì có lẽ đã không có truyện Kiều ra đời", nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nói.

Theo Chính sử triều Nguyễn, năm Kỷ Mão 1819, vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi đã cử Nguyễn Du, khi ấy đang giữ chức Hữu tham tri Bộ Lễ làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Khi chưa kịp lên đường đi xứ sang nhà Thanh theo lệnh vua, ông bị ốm nặng rồi mất vì bệnh dịch tả vào ngày 10/8 năm Canh Thìn 1820, thọ 55 tuổi. Nguyễn Du được chôn cất ở cánh đồng Bàu Đá, thuộc hậu thôn làng Kim Long, tổng Kim Long, nay là huyện Hương Trà.

Bốn năm sau ngày mất, năm 1824, con trai của Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng đã vào kinh đô Huế làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

2228 thuy kieu 5669 1601140823
Tranh sơn dầu về nhân vật Thúy Kiều được treo tại khuôn viên khu di tích Nguyễn Du trong dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 ngày mất. Ảnh: Đức Hùng

Nguyễn Du để lại cho hậu thế nhiều áng văn chương bất hủ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm như: Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Truyện Kiều... Trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều, có tên là Đoạn trường tân thanh, với 3.254 câu thơ lục bát. Tác phẩm mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc thời nhà Minh, kể về cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì biến cố gia đình phải bán mình chuộc cha, chịu nhiều đắng cay.

Truyện Kiều ngoài phản ánh sự bất công của chế độ phong kiến còn đề cao tình yêu, khát vọng công lý và ca ngợi vẻ đẹp của con người. Mối tình Kim Trọng - Thúy Kiều được xem như là bài ca đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi, đưa vào sách giáo khoa, là cảm hứng sáng tác cho nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, ra đời nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa như: trò Kiều, chèo Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều...

Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Tại hội thảo khoa học "Tiếng Việt trong Truyện Kiều" hôm 25/9 ở Hà Tĩnh, giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều Học Việt Nam, nói: "Nguyễn Du đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị mới, trước và sau ông chưa ai sánh được. Trải qua 200 năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong truyện Kiều ngày càng tỏa rạng, sâu lắng, là của cải, giá trị, kho báu để khẳng định sự trường tồn".

Tối 26/9, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh. Buổi lễ nhằm ghi nhớ công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của đại thi hào đối với nền văn hóa của Việt Nam và nhân loại.

Đức Hùng - Võ Thạnh

Phim về cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du Phim về cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du
Du lịch văn hóa, bước đột phá trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du Du lịch văn hóa, bước đột phá trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du

/ vnexpress.net