Khi nào tài khoản định danh điện tử của công dân bị khóa?

Tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa trong trường hợp chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình.

Bộ Công an vừa hoàn thành xây dựng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Theo dự thảo này, cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID, hoặc đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn để đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử.

Sau khi làm thủ tục, công dân cần kích hoạt tài khoản định danh điện tử trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả cấp tài khoản. Sau thời hạn này, tài khoản định danh điện tử không được kích hoạt, cá nhân, cơ quan, tổ chức phải đến cơ quan công an để kích hoạt.

Khi nào tài khoản định danh điện tử của công dân bị khóa?- Ảnh 1.

Tài khoản định danh mức 2 sẽ tích hợp hàng loạt giấy tờ để sử dụng.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất 6 trường hợp tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa. Một là, khi chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình.

Hai là, khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ.

Ba là, khi chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản dịch vụ đã thỏa thuận với cơ quan cấp tài khoản định danh điện tử.

Bốn là, khi thực hiện xác lập lại hoặc hủy số định danh cá nhân. Năm là, khi chủ thể danh tính điện tử chết.

Sáu là, chủ thể danh tính điện tử không thực hiện đổi mật khẩu trong vòng một tháng kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu đổi mật khẩu.

Về việc khôi phục tài khoản định danh điện tử đã bị khóa, Điều 20 của dự thảo nêu rõ, tài khoản này sẽ được mở nếu chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khôi phục tài khoản định danh điện tử mà trước đó đã yêu cầu khóa.

Khi cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ yêu cầu khôi phục tài khoản định danh điện tử mà trước đó đã yêu cầu khóa; hoặc khi chủ thể danh tính điện tử khắc phục vi phạm và yêu cầu khôi phục tài khoản.

Theo Luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước này chứa danh tính điện tử (số định danh; họ và tên khai sinh; ngày tháng năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay..).

Ngoài ra, căn cước điện tử sẽ lưu trữ thêm thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Hoàng Lam / Báo Giao thông