Con hổ Leng (Kỳ 42)

Lần đầu tiên trong đời, Tài hiểu được cảm giác có người thân là thế nào. Huy cũng hiểu nỗi lòng của Tài và thực sự, trong những ngày qua, anh đã được nghe đám thợ kể về Tài, được chứng kiến cách sống, cách cư xử của Tài, nên anh rất quý và thương.

con ho leng ky 42 Con hổ Leng (Kỳ 41)
con ho leng ky 42 Con hổ Leng (Kỳ 40)
con ho leng ky 42 Con hổ Leng (Kỳ 39)

Giữa năm 1953, một biến cố lớn xảy ra đối với Lý Văn Tài. Khi ấy anh 16 tuổi.

Lúc ấy, vào tháng 9 là đang chính mùa mưa lũ ở Tây Bắc. Trời mưa ngày này qua ngày khác. Những khe suối vào mùa khô chỉ nhảy vài ba bước là qua, thì bây giờ nước đổ cuồn cuộn…

Ở dòng suối Nậm Ma, một nhánh nhỏ đổ ra sông Ðà, có một nơi khu nước quẩn mà Tài biết vào mùa lũ, lũ cá lăng hay về đó kiếm mồi. Cá lăng sông Ðà có những con nặng hàng chục cân và có khi mất cả nửa ngày mới lôi được chúng lên. Tài có một bộ đồ câu có một không hai. Dây câu là dây dù mà anh kiếm được từ dù thả hàng của quân Pháp thả xuống căn cứ Nà Sản, lưỡi câu là đoạn thép thông nóng súng trường… Với cuộn dây dù và chiếc lưỡi câu này, đã có lần Tài câu được cá lăng gần năm mươi cân, còn cá trên dưới chục cân thì không thể nào nhớ được. Cá lăng sông Ðà, món ngon nhất là xẻ thịt vuông vắn như bao diêm, ướp riềng mẻ, nướng than hoa…

Tài ra suối và khi đang loay hoay móc con rết to như chiếc đũa cả đánh cơm, dài cả gang tay vào lưỡi câu thì chợt thấy trong dòng nước đang đổ cuồn cuộn có một cánh tay giơ lên chới với. “Có người chết đuối” - Tài chỉ thoáng nghĩ như vậy rồi anh tụt quần, lao ra dòng suối. Chỉ vài cái sải tay, Tài đã túm được người bị nạn. Ðó là một người còn trẻ, nhưng mặc quần áo bộ đội, trên người đeo chiếc xà cột da… Lúc này, người đó đã no nước, và không còn biết gì nữa. Tài lựa dòng nước, dìu anh ta vào bờ. Thấy anh bộ đội không còn thở được nữa, Tài bèn túm chân anh, đứng lên tảng đá, dốc xuống… Nước trong bụng anh chảy ộc ra, rồi Tài hà hơi thổi ngạt, cách này cũng là do cánh thợ sơn tràng truyền dạy cho nhau. Vừa thổi vào miệng anh, vừa lấy tay ấn ngực theo nhịp thở, sau khoảng dăm lần thì anh bộ đội đã thở lại. Anh bộ đội được cứu sống nhưng lại bị thương khá nặng. Dòng nước lũ quật anh vào đá, làm gãy chân và gãy ba xương sườn…

Tài cõng anh bộ đội về lán và cùng anh em sơn tràng cấp cứu cho anh. Anh bộ đội tỉnh lại, việc đầu tiên là anh hỏi chiếc xà cột. Khi Tài đưa chiếc xà cột ra, anh mừng lắm và bảo mở ra… Trong đó có một ống nứa nhỏ được gắn xi vẫn còn nguyên vẹn. Anh bộ đội ôm chiếc xà cột vào lòng như sợ mất… Tài cùng anh em sơn tràng lấy lá thuốc giã ra, bó chân cho anh bộ đội. Một ngày sau, khi đã húp được bát cháo, anh bộ đội mới hỏi về người đã cứu mình. Khi mọi người nói là Tài, anh cứ ôm Tài vào lòng... Rồi anh kể vắn tắt cho mọi người biết rằng anh là cán bộ quân báo của Ðại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308 sau này). Anh có nhiệm vụ chuyển về Ðại đoàn một báo cáo quan trọng về địch tình ở Ðiện Biên Phủ. Dọc đường đi, anh cùng hai chiến sĩ nữa bị lạc rừng, một người bị rắn độc cắn chết, anh và một người nữa bị lũ cuốn… Rồi anh nhờ Tài chạy đến Sở Chỉ huy của Ðại đoàn đang đóng quân cách đó hơn năm chục cây số báo tin. Anh viết mấy chữ vào mảnh giấy chỉ to như bao thuốc lá, cho vào ông nứa nhỏ, nút kín lại, lấy giấy dán lại bên ngoài và có đánh đấu. Anh dặn Tài: “Em mang đến đơn vị đóng quân ở bản Luống và chỉ yêu cầu được gặp chỉ huy cao nhất. Nếu ai đó nói không cho thì cứ bảo rằng họ phải nói với chỉ huy là người của tổ QB 5 xin gặp có việc khẩn. Khi gặp rồi, mới được đưa ống nứa này”.

Với hai ống cơm lam và một gói muối ớt, Tài băng rừng chạy đến bản Luống. Chặng đường ấy, trong mùa mưa bình thường đã phải đi mất hai, thậm chí ba ngày. Nhưng Tài đi và chạy chỉ mất đúng một ngày. Khi những người lính vệ binh canh gác ở bản Luống dẫn Tài tới ông Ðại đoàn phó, ông mở ống nứa Tài đưa cho và rồi ông ôm lấy Tài “Cám ơn cháu… Cám ơn cháu!”. Ông lắp bắp nói thế rồi reo to: “Thằng Huy vẫn sống… Còn sống”. Rồi ông đọc cho Tài nghe một đoạn mà anh cán bộ quân báo tên là Huy đã viết: “Anh thanh niên này tên là Tài, đã cứu mạng tôi. Ðề nghị thủ trưởng khen thưởng”.

con ho leng ky 42
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ông Ðại đoàn phó hỏi chuyện Tài đã cứu Huy thế nào, Tài thực thà thuật lại. Ông nghe chăm chú và khá ngạc nhiên về tài bơi lội của anh. Ông hỏi Tài biết bơi từ khi nào, ở đâu, anh thực thà kể lại là biết bơi từ khi theo bố mẹ đi buôn bè và đối với anh, nước lũ sông Ðà anh cũng chẳng sợ, chứ đừng nói là lũ ở suối. Tất nhiên, khi bị lũ cuốn, để thoát chết thì không chỉ là bơi giỏi, mà quan trọng là phải biết giữ bình tĩnh và biết lựa theo dòng nước. “Chống lại nước lũ thì không được. Nhưng dùng dòng nước lũ để thoát khỏi vùng nguy hiểm thì có thể được” - Nghe Tài kết luận như vậy, ông Ðại đoàn phó vỗ vai anh và thốt lên: “Giỏi, giỏi lắm. Tại sao một anh thợ sơn tràng lại có thể nói được như vậy nhỉ”. Rồi ông hỏi Tài: “Cháu thích được thưởng gì”. Tài nói ngay, không chút đắn đo: “Chú thưởng cho cháu được đi bộ đội ạ”. Ông Ðại đoàn phó cười tươi rói: “Chú sẽ thưởng cho cháu như thế. Bây giờ cháu ngủ đi một giấc cho lại sức, rồi dẫn anh em về gặp đồng chí Huy. Sau đó cháu trở lại đây. Chú sẽ nhận cháu váo bộ đội”.

Nghe ông nói thế, Tài quên hết mệt mỏi, anh bảo: “Cháu biết anh ấy đang rất muốn gặp các chú để giao tài liệu quan trọng. Cháu đưa các chú đi ngay. Cháu đi rừng quen rồi, như thế này đã ăn thua gì?”.

Ông Ðại đoàn phó liền sai dọn cơm cho Tài ăn, rồi cho anh một gói đường viên, một hộp bánh bích quy, một hộp kẹo sôcôla - tất cả đều là của lính Pháp - Và Tài cùng với bốn người nữa lên đường ngay, trong đó có một anh y sĩ.

Phải mất gần hai ngày, đoàn người mới về đến nơi. Nhận tài liệu từ Huy xong, khám vết thương, anh tổ trưởng thấy không thể đưa Huy về được vì không thể cáng anh đi trong đường rừng lầy lội và mưa gió bất thường, nhất là phải băng qua hàng chục con suối. Vì vậy, anh tổ trưởng quyết định để Huy ở lại và giao cho Tài chăm sóc. Anh cũng tuyên bố với tất cả anh em sơn tràng là Tài đã được nhập ngũ và trở thành bộ đội. Nay giao nhiệm vụ cho Tài chăm sóc, bảo vệ cán bộ Huy. Khi nào Huy khỏe hẳn, đi được bình thường thì Tài sẽ đưa anh về đơn vị hoặc sẽ có người về đón, tùy theo tình hình của mặt trận. Họ cũng để lại cho Huy một khẩu súng tiểu liên Mat, kèm theo hai hộp đạn và một ít thuốc kháng sinh.

Ðược mấy ngày sau, trời tạnh ráo, đám thợ sơn tràng quyết định chuyển sang khu rừng khác để đốn gỗ. Không thể mang Huy theo được, vậy là họ để Tài và Huy ở lại trong một khu rừng già vắt muỗi nhiều vô kể và chẳng mấy đêm không có tiếng hổ gầm ngay đầu lán. Họ để lại cho Tài và Huy một chiếc nồi gang nhỏ, hai chục cân gạo nếp, dăm cân gạo tẻ, muối, một lít dầu hỏa và thêm ít đồ lặt vặt khác.

Khi họ đi, Huy rất lo lắng về cuộc sống của hai người. Nhưng Tài thì lại coi mọi khó khăn như là trò đùa. Anh thu xếp cuộc sống mới cho Huy và mình rất khéo và cực kỳ chu đáo. Với số gạo ít ỏi, anh hầu như chỉ dành cho Huy, còn mình thì ăn bằng đủ thứ củ, quả mà lấy được trong rừng… Thực phẩm thì không thiếu vì ngày nào anh cũng bẫy, bắn được gà rừng, lợn cỏ và câu được cá. Huy hết sức khâm phục sự tháo vát của Tài và trong những ngày ở bên nhau, anh thực sự thích Tài, coi như em và Tài cũng coi như Huy như người anh trai. Là người thiếu thốn tình cảm từ bé, nên khi Huy bảo: “Từ nay, em sẽ là em trai của anh nhé?”, thì Tài gục đầu vào lòng Huy và khóc rũ rượi… Lần đầu tiên trong đời, Tài hiểu được cảm giác có người thân là thế nào. Huy cũng hiểu nỗi lòng của Tài và thực sự, trong những ngày qua, anh đã được nghe đám thợ kể về Tài, được chứng kiến cách sống, cách cư xử của Tài, nên anh rất quý và thương. Huy là chàng trai gốc Hà Nội, nhà ở phố Hàng Ngang. Anh đã học hết tú tài toàn phần và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19 tháng 8. Rồi Huy tham gia tự vệ thành và khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra thì anh là lính trinh sát của Trung đoàn Thủ đô. Là người học cao, nói tiếng Pháp giỏi, nên Huy được đưa vào bộ phận quân báo của Trung đoàn. Khi Ðại đoàn Quân Tiên Phong tức Ðại đoàn 308 được thành lập, Huy về quân báo Ðại đoàn.

Mất đúng một tháng rưỡi thì chân của Huy lành và đi lại được, tuy còn tập tễnh. Và cũng lúc này, thời tiết đã vào mùa hanh khô, nên việc đi lại dễ dàng hơn. Huy quyết định trở về đơn vị. Phải mất hai ngày anh mới dìu được Huy ra ngoài đường lớn và vào một bản người Thái. Với số bạc dành dụm được, Tài thuê một con ngựa và một người đi cùng để giúp đỡ. Hơn nửa tháng sau, Huy về đến đơn vị, lúc này, Ðại đoàn đã đến Tuần Giáo để chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Từ đó, Tài được nhận vào đơn vị quân báo của Ðại đoàn và làm liên lạc viên. Mặc dù Huy và các chỉ huy rất muốn giữ Tài ở lại để đào tạo, nhưng vì lý lịch của Tài chẳng có gì rõ ràng, cho nên kết thúc Ðiện Biên, Tài được chuyển về một trung đoàn bộ binh và làm công vụ cho Trung đoàn trưởng.

Và cũng lúc này, Huy được điều đi nhận nhiệm vụ khác, đó là tham gia dòng người di cư vào Nam để làm tình báo. Trước ngày lên đường, Huy gặp Tài. Anh đưa cho Tài chiếc đồng hồ Vile để làm kỷ niệm, bảo: “Em ạ. Anh cũng đã nói nhiều với chỉ huy rồi. Ai cũng quý em, thương em. Nhưng quân báo là đơn vị đặc biệt, nên tuyển chọn cũng đặc biệt lắm. Mà em thì mọi thứ chẳng có gì rõ ràng. Ðến chính em cũng chẳng biết gốc gác mình là ở đâu. Vừa rồi, đơn vị có cho người đi xác minh về em, khi hỏi ông Lý Văn Tòng thì ông ấy cũng chỉ nói là nhờ người mua em từ một gia đình ở Sơn Tây. Nhưng gia đình đó là như thế nào thì chả ai biết. Vì người mua em về cho ông Tòng đã chết. Vì lý lịch của em không rõ ràng cho nên em sẽ không thể ở lại quân báo lâu dài được. Ở trong bộ đội, người ta coi trọng lý lịch lắm. Anh là con nhà tư sản nên cũng hay bị cấp trên nghi ngờ là tư tưởng không vững vàng. Sau này hết chiến tranh, em đừng ở bộ đội nữa…”. Nghe Huy nói như thế thì Tài hoang mang vô cùng, nhưng rồi anh lại nhớ tới lời dạy về số mệnh của người thầy Ðinh Công Toản nên anh bình tĩnh và tặc lưỡi, mặc kệ cho số phận.

Anh em chia tay, Huy đi vào Nam và từ đó, Tài bặt tin tức người anh kết nghĩa.

Làm công vụ được vài tháng, người ta lại điều anh về một tiểu đoàn chuyên đi làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Lai Châu. Là người có biệt tài về luồn rừng, trèo đèo, lội suối, nên hễ nơi nào khó khăn nhất, gian khổ nhất thì Tài được giao cho đi trinh sát… cho nên chỉ huy tiểu đoàn cũng rất quý anh. Ðến năm 1958, lực lượng Công an vũ trang được thành lập, tiểu đoàn tiễu phỉ của Tài chuyển thành công an vũ trang và năm 1959, Tài được biên chế vào Ðồn Công an Mường Mun, quản lý địa bàn 4 xã vùng biên giới giáp Lào và Trung Quốc của huyện Mường Báng. Tài được đưa vào đội công tác cơ sở.

Ở đơn vị, Tài chơi rất thân với Ðội trưởng Vũ Minh Tâm. Nếu như Tài là người cục mịch, ít nói, tính nết cẩn thận, tỉ mỉ, đôi lúc như đàn bà thì Tâm lại là người hào hoa phóng khoáng. Anh cao đến 1,76m, là cầu thủ bóng chuyền giỏi nhất đồn, vũ thuật cũng chẳng kém ai. Ðã thế, Tâm lại biết vẽ, biết đánh đàn bầu và hát chèo rất “màu”. Những đêm liên hoan văn nghệ giữa anh em công an với thanh niên Mường Mun, bao giờ Tâm cũng là người nổi nhất. Nghe Tâm hát những làn điệu chèo như đào liễu, quân tử vu dịch, sắp chênh, con tò vò... nhiều cô gái Hà Nhì, Thái đã bật khóc. Mê tiếng đàn bầu của Tâm, nhiều anh trai bản đến nhờ anh dạy đàn. Những đêm trăng, cả Mường Mun đi chỗ nào cũng văng vẳng tiếng đàn bầu.

Kể cũng lạ, hai người với hai tính cách khác hẳn nhau mà lại gắn bó với nhau như hình với bóng. Có Tâm bên cạnh, Tài luôn thấy mình thư thái và cảm thấy trẻ trung hơn. Anh chăm sóc Tâm như thể người chị chăm em. Sáng nào Tài cũng phải gấp chăn màn cho Tâm vì anh vốn tính xuề xòa, nên chăn chẳng mấy khi vuông góc theo đúng điều lệnh. Quần áo Tâm rách, cũng Tài vá, thậm chí anh giặt cả quần áo cho Tâm. Ngược lại, ở cạnh Tài, Tâm thấy vững chãi yên tâm hơn.

Ðồn Mường Mun nằm cách bản Mun gần năm cây số. Vì là lính trinh sát, lại được giao quản lý địa bàn Mường Mun nên Tài và Tâm thuộc từng nhà, từng người trong bản. Bản Mun có nhiều cô gái đẹp nhưng đẹp đến rực rỡ, đến mê hồn người thì chỉ có một người, đó là Pờ Thị Sáo, cô gái người Hà Nhì. Ngày ấy, người ta nói rằng nếu đến tỉnh Yên Sơn mà chưa đến huyện Mường Báng thì chưa gọi là đến Hưng Sơn. Ðến Mường Báng mà chưa đến Mường Mun thì cũng chưa đến huyện. Mà đến Mường Mun, nếu không gặp cô Sáo thì cũng coi là chưa đến.

Tuy ở chốn rừng núi nhưng Sáo có sắc đẹp đến kỳ lạ. Nhiều cô gái thường chỉ có những nét đẹp riêng nhưng ở Sáo có vẻ đẹp đến hoàn hảo từ vóc dáng đến đôi mắt, cặp môi, hàm răng, mái tóc... Ðã thế, Sáo lại múa đẹp, hát hay và có duyên. Chả thế mà cả đồn công an vũ trang mê Sáo, từ thượng úy đồn trưởng đến đồng chí quản trị trưởng đã ngót năm chục tuổi có vợ và năm con.

Anh đồn trưởng là người Vĩnh Phú, đi bộ đội từ năm 1949 thấy rằng, nếu cứ để tình trạng cả đồn đều mê Sáo và nhiều anh tìm cách tán tỉnh cô thì ắt sẽ xảy ra chuyện mất đoàn kết trong đơn vị. Chính vì vậy, để ngăn ngừa hậu họa anh là người đầu tiên đưa ra một quy định bất thành văn: Cô Sáo là người thân của cả đồn, vì thế cấm anh nào được đặt vấn đề tán tỉnh, yêu đương. Cô Sáo yêu trai bản, lấy trai bản thì được, nhưng với anh em công an thì không. Sáng kiến của đồn trưởng được anh em nhiệt liệt hoan nghênh vì ai cũng muốn Sáo là của mình. Nhưng có quy định kia, tất cả phải đứng xa mà chiêm ngưỡng là công bằng nhất. Ðơn vị vừa đoàn kết mà lại tránh được tiếng “yêu đương bất chính!”.

Nhưng có hai người ở đồn bất chấp lệnh của đồn trưởng đó là Tâm và Tài. So với mọi người thì Tài và Tâm có lợi thế hơn vì đó là địa bàn các anh quản lý và bố Sáo là Bí thư Chi bộ, anh trai Sáo là Trưởng Công an xã, vì vậy việc hai người có mặt ở nhà Sáo là chuyện thường tình. Nhưng trong hai người thì rõ ràng Tâm được Sáo thích hơn. Mặc dù chơi thân với nhau nhưng trong chuyện này, cả Tâm và Tài đều cố giấu nhau. Tài thì lờ mờ hiểu rằng Tâm đã chiếm được trái tim của Sáo, còn Tâm thì cũng biết rằng Tài mê Sáo nhưng đành yêu thầm nhớ trộm không dám tỏ tình với Sáo.

Còn Tài, anh cũng rất thích Sáo, nhưng anh biết mình bị bệnh tật từ nhỏ như thế nên cũng chỉ là “phải lòng”, là “ tương tư” mà thôi.

Cho tới một ngày Tài và Tâm xuống bản. Tài thì bận việc họp bàn mở lớp học cho các cháu còn Tâm thì đi huấn luyện võ cho anh em công an viên. Ðến trưa, không thấy Tâm về ăn cơm và cũng không thấy cả Sáo nữa, Tài giật mình. Anh lẳng lặng đi ra suối Leng tìm. Qua bản một đoạn khá xa, Tài bỗng nghe thấy tiếng cười rúc rích vọng ra từ sau những tảng đá to như gian nhà. Anh khẽ khàng đến gần và khi thấy những bộ quân phục cùng bộ váy áo ướt đang phơi trên đá thì Tài thấy trong lòng buồn vô hạn. Anh bỏ về và phải mất gần chục ngày sau, Tài luôn như bị mất thăng bằng. Nhưng rồi khi cơn xốc qua đi thì Tài thấy phải có trách nhiệm bảo vệ cho tình yêu của hai người. Anh luôn tạo điều kiện để Tâm và Sáo gặp nhau và tìm cách lảng tránh gặp Sáo khi không cần thiết. Tâm hiểu tình cảm của Tài nên anh rất thương Tài.

Thế rồi Ðồn Công an vũ trang Mường Mun được cử năm cán bộ chiến sĩ đi B. Tâm là người xung phong đầu tiên, vì theo những yêu cầu về chọn người đi B Tâm có đầy đủ những phẩm chất đó. Một ngày trước khi rời Mường Mun, Tâm kéo Tài ra suối tâm sự. Lúc đầu Tâm nói với Tài những chuyện không đâu, mãi sau Tâm mới lấy hết can đảm thú thật:

- Tài ạ, tao đi B chuyến này, không biết sẽ sống chết ra sao, nhưng tao có việc này nhờ cậy mày. Tao và Sáo có quan hệ với nhau, mày biết rồi đấy. Con gái ở đây yêu đương thoải mái chứ không giữ gìn như ở dưới xuôi. Vì thế... vì thế... Sáo đã có mang. Ðược hai tháng rồi... tao khuyên Sáo uống lá rừng cho ra thai nhưng Sáo không đồng ý. Cô ấy muốn có con với cán bộ công an. Tao đi rồi việc này chắc sẽ vỡ lở. Sáo thì sẽ mang tiếng chửa hoang, nhưng đồn mình còn tai tiếng hơn. Nếu tao không đi B, tao sẽ xin cưới Sáo rồi muốn ra sao thì ra. Tao biết chuyện này lộ ra ảnh hưởng tới đồn lắm. Cấp trên đang đề nghị tặng thưởng huân chương cho đồn. Nếu vướng chuyện... chắc xôi hỏng bỏng không mất. Tao không muốn nhân dân coi khinh cán bộ công an và tao càng không muốn Sáo sinh ra đứa con không có bố, trong khi nó xứng đáng được tự hào về bố nó. Tao đi B, nếu chết thì phải chịu, nhưng nếu còn sống, thế nào tao cũng về Mường Mun.

Tài thở dài, anh hiểu nỗi khó xử của bạn:

- Mày cứ yên tâm mà đi. Tao hứa với mày là sẽ thu xếp chuyện này ổn thỏa. Sáo sinh con, tao sẽ giúp đỡ. Chỉ mong mày đừng có bỏ rơi cô ấy. Mày có dám thề với tao không?

Tâm rút phắt con dao găm ra, kê ngón tay út lên hòn đá cuội:

- Tao xin thề với mày.

Dứt lời, Tâm chặt phăng một đốt ngón tay út. Tài nhủn cả người, anh vội xé áo may ô băng cho Tâm, còn đốt ngón tay anh đem về cho vào lọ cồn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới