Con hổ Leng (Kỳ 41)

Tài có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim kêu, vượn hú trong những cánh rừng già. Tài chìm đắm trong tiếng gió chạy trên tán lá rì rào, tiếng suối chảy lúc như thở, như than, lúc như cười, như khóc.

con ho leng ky 41 Con hổ Leng (Kỳ 40)
con ho leng ky 41 Con hổ Leng (Kỳ 39)
con ho leng ky 41 Con hổ Leng (Kỳ 38)

Cho đến bây giờ, ông Tài cũng không biết đích xác được quê quán, gốc gác mình ở đâu và càng không biết cha mẹ đẻ của mình là ai.

Chỉ biết rằng, ông lớn lên trong gia đình người Mường ở huyện Ðà Bắc, tỉnh Hòa Bình, có bố là Lý Văn Tòng và mẹ là Ðinh Thị Khuyến. Bố mẹ ông là người buôn bè và quanh năm suốt tháng ngược xuôi trên sông Ðà. Khi ông 10 tuổi, ông được nghe một người em gái của bố kể lại một cách sơ lược rằng, ông Lý Văn Tòng, lấy đến ba lần vợ mà không có con. Một thầy mo của bản làm lễ hỏi Trời và được mách rằng, số ông Tòng không thể có con nối dõi, bởi lẽ kiếp trước, ông Tòng là đồ tể, chuyên nghề mổ trâu. Và Trời cũng mách bảo qua thầy mo rằng, ông Tòng phải kiếm lấy một đứa con nuôi, nhưng đứa con nuôi này cũng không thể có khả năng sinh con… Nếu tìm được đứa con nuôi như vậy thì sau này khi lấy đời vợ thứ tư, ông sẽ có con trai.

Nghe thầy mo phán vậy, ông Tòng bèn cho người đi tìm mua một đứa bé trai, nhưng lại phải biết chắc chắn là sau này nó không thể có con. Ðể tìm một đứa trẻ như vậy thật là mò kim đáy bể. Ông Tòng về Hà Nội, gặp một ông bác sĩ quen biết ở nhà thương Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Ðức sau này), đưa ra yêu cầu. Lúc đầu, ông bác sĩ từ chối vì như vậy là thất đức. Nhưng vì ông Tòng năn nỉ quá và lại đưa ra cái giá là trả công cho ông hai lạng vàng nên ông đồng ý. Mất nửa năm tìm kiếm, ông bác sĩ đã tìm được cho ông Tòng một thằng bé 6 tuổi, nhưng bị bệnh quai bị và di chứng để lại là teo hết tinh hoàn. Cái giá để mua thằng bé là một lạng vàng. Gia đình nhà này cũng rất nghèo, nên khi có người đến mua con với giá một lạng vàng thì họ bán luôn. Gia đình này có đông con, bán đi một đứa, mà lại là đứa coi như tàn phế, không đẻ con, thì cũng coi như rũ đi được một gánh nợ.

con ho leng ky 41
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Là người từng trải và cũng rất ranh ma, ông Tòng đã bỏ thêm tiền thuê người mua thằng bé theo kiểu bắc cầu. Ông nhờ người Hà Nội đứng ra mua nó rồi bán lại cho một người ở Hà Ðông. Người ở Hà Ðông lại bán cho một người ở Sơn Tây, rồi ông mua lại của người đó. Sở dĩ ông làm như vậy là muốn để sau nay không ai tìm được đứa trẻ và ngược lại, nó cũng không tìm được về nơi cũ nữa.

Về nhà ông Tòng, đứa bé được làm giấy khai tên họ mới là Lý Văn Tài. Tài không được đi học, mặc dù nhà ông Tòng không thiếu tiền. Hai năm sau, khi Tài 8 tuổi thì ông Tòng lấy vợ lần thứ 4 và quả nhiên, đúng 10 tháng sau khi cưới thì ông Tòng có con trai. Nhưng từ khi có đứa hương khói, thì số phận của Tài vốn đã chẳng ra gì nay lại càng cơ cực. Ông Tòng muốn tống khứ Tài đi nên giao cho một người em họ, là tay thợ sơn tràng, quanh năm suốt tháng đi chặt cây xẻ gỗ trong rừng. mà đi theo thợ sơn tràng, không chết vì sốt rét, vì thú dữ, vì rắn độc, vì ngã núi, vì lũ cuốn thì lớn lên cũng chết vì nghiện hút… Người em họ biết thừa ý đồ thâm độc của ông Tòng, nhưng vì được trả giá 5 lạng bạc trắng nên cũng đồng ý, thế là mới 9 tuổi đầu, cậu bé Tài đã phải theo đám sơn tràng lặn lội vào những vùng rừng thiêng nước độc. Tài được giao đun nước, pha trà hoặc tiêm thuốc phiện cho ông chú nghiện ngập. Nhưng số Tài cũng còn may là ông chú họ ấy lại động lòng trắc ẩn và chăm sóc Tài khá tử tế. Trong đám thợ sơn tràng ấy có một người tên là Ðinh Công Toản, làm nhân viên ghi chép sổ sách là người rất mê đọc sách, mặc dù anh ta chỉ mới đi học chữ được hai năm. Trong cái hòm của Toản mang theo, lúc nào cũng có bộ “Tam Quốc Chí”, “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm” và cuốn “Văn Ðàn Bảo Giám”. Vì thương Tài có hoàn cảnh éo le và rất ngoan lại tháo vát, nên anh đã dạy chữ cho Tài, dạy cả làm toán. Tài học rất sáng dạ, đến mức những người thợ sơn tràng gọi Tài là “thần đồng”. Chỉ sau một năm học chữ, Tài đã đọc được “Truyện Kiều” và thuộc lòng, Tài đọc “Tam Quốc Chí” và nhớ vanh vách nhiều đoạn… Không chỉ được học chữ, Tài còn được học võ, bắn nỏ và trở thành tay thợ săn cừ khôi, khét tiếng cả vùng Sơn La, Hòa Bình.

Trong đám thợ sơn tràng, Tài cũng là người có cách sống rất khác mọi người.

Thợ sơn tràng cũng như phu đãi vàng, ngoài giờ làm quần quật, làm quên cả mạng sống, họ chỉ còn biết giết thời giờ bằng đánh tổ tôm, tài bàn, sóc đĩa và hút thuốc phiện. Riêng Tài thì chẳng hiểu sao, Tài không thể nào hút được thuốc phiện. Còn về đánh bạc, mặc dù cũng đã có vài lần thử, nhưng tài cũng không thể nào đánh bạc được. Ngồi hầu mấy người đánh tổ tôm, tài bàn đã lâu, Tài chỉ thuộc mặt quân và biết chơi gọi là, còn nói về chia bài thì Tài chia rất điêu luyện người chơi bài giỏi cung không thể chia được bài như Tài. Mà chẳng hiểu sao chia bài là vậy nhưng Tài không có hứng thú với bài bạc, mà chỉ mê đi săn và mê rừng!

Tài có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim kêu, vượn hú trong những cánh rừng già. Tài chìm đắm trong tiếng gió chạy trên tán lá rì rào, tiếng suối chảy lúc như thở, như than, lúc như cười, như khóc. Tài có nuôi một con chó tên là Cun. Sở dĩ nó có tên này là vì Tài mua được nó ở chân dốc Cun. Con Cun là con chó săn giỏi và hầu như không rời anh nửa bước. Nó được lên ngủ cùng anh trong những đêm đông giá rét. Còn đám thợ sơn tràng thì mỉa mai mà rằng: “Ðúng là thằng này chỉ có ngủ với chó”.

Biết mình không có khả năng làm đàn ông, nhưng chẳng hiểu sao, Tài không bận tâm về việc đó. Có lẽ chính là do Ðinh Công Toản đã dạy cho anh biết thế nào số mệnh và con người phải biết sống, làm việc, cư xử theo số mệnh của mình. Hết thảy các loại biểu hiện của vận mệnh con người, bao gồm: họa và phúc, trắc trở hay suôn sẻ, giàu và nghèo, cát và hung, thọ mệnh hay chết yểu… không có một điều gì là không phải kết quả của nhân quả báo ứng thiện ác. Vì vậy, vận mệnh của con người là do Thần Phật chủ trì, dựa theo thiên lý hay quy luật của vũ trụ mà đưa ra an bài. Mệnh là thể hiện của quy luật của vũ trụ hoặc phép tắc của vũ trụ trong quá trình sinh mệnh của con người. Có một câu anh thuộc lòng, là “Ðoán mệnh không bằng chấp nhận số mệnh, chấp nhận số mệnh không bằng tu mệnh”.

Mặc dù còn ít tuổi, nhưng làm gì Tài cũng tâm niệm như vậy.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới