Chuyên gia "mổ xẻ" ba phương án xây dựng sân bay Long Thành

Dự án xây dựng sân bay Long Thành dự kiến sẽ bắt đầu được giao đất từ tháng 6/2020 nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về các phương án được đưa ra.

Chuyên gia hàng không-PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, cả 3 phương án xây dựng sân bay Long Thành mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đều không khả thi.

Phân tích về phương án thứ 2 về việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, điều đáng lo ngại là năng lực tài chính của ACV. "Trước đây, ACV chưa bao giờ tự bỏ tiền ra để xây dựng bất kỳ một sân bay nào. Vậy thì đối với Long Thành, việc họ nói sẽ đảm bảo về kinh nghiệm và tài chính để thực hiện liệu có chính xác và khả thi?", ông Tống đặt câu hỏi.

"Dự án sây bay Long Thành từng được dự kiến triển khai với mục đích thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, đến nay, các ý kiến đều thống nhất không thể khai tử sân bay này được. Vì thế việc xây Long Thành chỉ là để hỗ trợ Tân Sơn Nhất. Nhưng nếu để hỗ trợ sân bay Tân Sơn Nhất thì đã có sân bay Cần Thơ", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống tiếp tục phân tích.

Ngoài ra, theo PGS Tống, nhược điểm của việc giao ACV đầu tư khai thác sân bay Long Thành là các quy định của Luật Đấu thầu buộc dự án này phải đưa ra đấu thầu quốc tế. Hiện nay Quốc hội mới có thẩm quyền giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác cảng hàng không Long Thành mà không qua đấu thầu. Ngoài ra, phương án này có thể gây rủi ro tài chính cho đơn vị quản lý cảng trong trường hợp sân bay thực tế khai thác không được như tính toán của phương án tài chính.

Cũng theo chuyên gia hàng không, hai phương án còn lại cũng không nên áp dụng để xây dựng sân bay Long Thành. "Vay vốn ODA sẽ làm tăng nợ công trong khi sử dụng nhà đầu tư hay doanh nghiệp tư nhân sẽ nảy sinh các vấn đề về an ninh, lợi ích nhóm", ông Tống nói.

 Quy hoạch sân bay Long Thành.

Bình luận về ba phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời gian qua phương án vay vốn ODA đã bộc lộ kém hiệu quả, không chỉ làm tăng nợ công mà kèm theo nhiều ràng buộc khiến chi phí dự án đội lên, do vậy Chính phủ không nên lựa chọn hình thức đầu tư này.

TS Long nhấn mạnh, phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là hiệu quả, minh bạch nhất, cần được áp dụng tại các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần quy định hợp đồng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình, không đội giá. Chuyên gia này đề nghị xem xét kỹ phương án giao cho ACV làm chủ đầu tư xây dựng sân bay vì không có sự cạnh tranh. Ông đánh giá, có thể đẩy nhanh tiến độ đấu thầu nhưng không nên vì lý do thời gian gấp rút mà phải chỉ định thầu.

Trước đó, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Sân bay quốc tế Long Thành (5000 ha). Mặt bằng giành cho giai đoạn 1 của dự án cần được bàn giao trong khoảng từ tháng 6 – 8/2020 để triển khai các hạng mục san lấp và triển khai xây dựng các nhà ga.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng Đồng Nai mới kiểm đếm hoàn chỉnh được 276/455 hộ gia đình, còn 179 trường hợp chưa kiểm đếm được do phát sinh thêm thửa đất không có trong hồ sơ kiểm kê, chủ hộ không đến, đi vắng, không xác định được chủ sử dụng đất, mua bán, cho tặng bằng giấy tờ viết tay...

UBND tỉnh phải điều chỉnh mở rộng phạm vi GPMB từ 1.165 ha lên 1.810 ha, tăng thêm 645 ha so với trước để đáp ứng đủ diện tích xây dựng các công trình giai đoạn 1. 

Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khi bàn giao mặt bằng phần đất giai đoạn 1 cần rà phá bom mìn ngay và làm tổng thể toàn bộ diện tích. Kinh phí để thực hiện rà phá bom mìn khoảng 130 tỷ đồng. Theo tính toán, việc thực hiện đền bù và bàn giao đất ở cho người dân sẽ diễn ra trong năm 2020.

Cảng hàng không Long Thành được đầu tư theo phương án nào?
Ý kiến trái chiều về 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành
Nhà ga sân bay Long Thành sẽ có thác nước, sân vườn

/ vtc.vn