Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Khó có bất ngờ

Sáng 10/7, cử tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu để chọn ra những gương mặt mới cho Thượng viện. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước "Mặt trời mọc" vừa hứng chịu cú sốc khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị sát hại trong lúc đang phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản hôm 8/7.

Phát biểu với các phóng viên sau đó, Thủ tướng Kishida Fumio cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử "tự do và công bằng".

Mục tiêu của Thủ tướng Kishida Fumio, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, trong cuộc bầu cử này là giúp liên minh cầm quyền duy trì thế đa số ở Thượng viện. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài 70 ghế ở Thượng viện chưa tới thời điểm phải bầu lại, liên minh cầm quyền cần phải giành thêm 55 ghế trong cuộc bầu cử này. Theo giới phân tích, đây là mục tiêu khá khiêm tốn và liên minh cầm quyền có thể sẽ hoàn thành mục tiêu này một cách dễ dàng, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ dành cho LDP và nội các của Thủ tướng Kishida Fumio đều đang khá cao, trong khi phe đối lập đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

japan.jpg -0

Một điểm bỏ phiếu ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Trao đổi với báo giới trước thềm bầu cử, ông Yu Uchiyama, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Tokyo, đánh giá: "Thủ tướng Kishida Fumio đặt mục tiêu duy trì thế đa số của liên minh cầm quyền ở thượng viện sau cuộc bầu cử này. Điều này có nghĩa ngoài 70 ghế ở thượng viện chưa tới thời điểm phải bầu lại, gồm 56 ghế của LDP và 14 ghế của đảng Công minh, liên minh cầm quyền cần phải giành thêm 55 ghế trong cuộc bầu cử này".

Giáo sư Yu Uchiyama nhận định, liên minh cầm quyền gần như chắc chắn sẽ giành được thế đa số ở thượng viện sau cuộc bầu cử. Thậm chí, nhiều khả năng LDP và đảng Công minh sẽ giành hơn 50% trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại.

Kết quả thăm dò dư luận do các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản thực hiện sau khi chiến dịch tranh cử Thượng viện bắt đầu vào ngày 22/6 đều cho thấy liên minh cầm quyền có thể sẽ giành đa số ghế ở Thượng viện sau cuộc bầu cử này. Thậm chí, kết quả thăm dò dư luận hồi đầu tuần của các hãng tin Kyodo và Jiji Press còn cho thấy riêng LDP có thể giành tới hơn 60 trong tổng số 125 ghế được bầu lại lần này, tăng ít nhất 5 ghế so với trước bầu cử, trong khi đảng Công minh có thể sẽ giữ nguyên số ghế có trước bầu cử.

Về phía phe đối lập, đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDPJ) có thể gặp khó khăn trong việc duy trì 23 ghế có trước bầu cử, còn đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) có thể giữ nguyên số ghế. Trong khi đó, đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) có thể mất một nửa số ghế. Ở chiều ngược lại, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP), một đảng có trụ sở chính ở Osaka và đang nổi lên như lực lượng cải cách có khả năng thay thế LDP, có thể sẽ giành thêm một số lượng ghế đáng kể so với trước bầu cử.

Với việc liên minh cầm quyền có thể dễ dàng duy trì thế đa số ở Thượng viện, vấn đề mà giới phân tích quan tâm nhất trong cuộc bầu cử năm nay là liệu phe ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp có thể giành được thế đa số 2/3 (tức là ít nhất 166 ghế trong tổng số 248 ghế) ở Thượng viện sau bầu cử hay không.

Đây là điều kiện tiên quyết để Thủ tướng Kishida Fumio khởi động tiến trình sửa đổi Hiến pháp ở quốc hội sau khi phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã giành thế đa số 2/3 ở hạ viện trong cuộc bầu cử năm ngoái. Trong cương lĩnh tranh cử năm nay, LDP đặt mục tiêu "cập nhật" Hiến pháp, vốn chưa được sửa đổi kể từ khi ban hành vào năm 1946, một phần để làm rõ hơn tình trạng pháp lý của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong văn bản này.

Trong số 123 ghế ở thượng viện chưa tới thời điểm bầu lại, có 84 ghế do các nghị sỹ thuộc phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Họ thuộc về 4 đảng, gồm LDP, đảng Công minh, JIP và DPFP cùng với nghị sỹ độc lập Seiko Hashimoto. Vì vậy, để có được thế đa số 2/3 ở Thượng viện, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp cần giành được ít nhất 82 ghế trong cuộc bầu cử này.

Theo các phương tiện truyền thông và nhiều dự báo khác, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đang đứng trước cơ hội rất lớn để giành được số ghế trên. Nếu các lực lượng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp giành được thế đa số 2/3 ở thượng viện, điều đó sẽ mở ra cơ hội rất lớn để Thủ tướng Kishida Fumio trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản có thể tiến hành sửa đổi Hiến pháp.

Về tương lai của chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio sau cuộc bầu cử Thượng viện, Giáo sư Yu Uchiyama nhận định, nếu liên minh cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, nhiều khả năng Thủ tướng Kishida Fumio sẽ tái đắc cử chức Chủ tịch LDP vào năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có một chính quyền tương đối ổn định ở Nhật Bản trong vòng 3 năm tới. Cũng theo Giáo sư Yu Uchiyama, thời gian tới, có vẻ như chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumiio sẽ trở nên ổn định và vì vậy, sẽ có tỷ lệ ủng hộ tương đối cao. Trong lịch sử, đây là chính quyền thứ 3 duy trì được tỷ lệ ủng hộ tương đối cao sau khi nhậm chức sau các chính quyền của các Thủ tướng Koizumi Junichiro và Shinzo Abe. Nếu theo tiền lệ đó, nhiều khả năng chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio sẽ tồn tại trong thời gian dài.

Nhận định về phe đối lập, Giáo sư Yu Uchiyama cho rằng, nếu không có tiến bộ trong hợp tác giữa các đảng đối lập, họ không thể thay thế chính quyền hiện nay. Đó là bởi chừng nào còn có quá nhiều đảng đối lập vốn đang chia rẽ và bất đồng quan điểm thì họ không thể đánh bại được LDP. Vì vậy, để thay thế chính quyền hiện nay đòi hỏi phải có một đảng hoặc các đảng đối lập mạnh. Theo Giáo sư Yu Uchiyama, trong số các đảng đối lập hiện nay, JIP đang tăng cường ảnh hưởng của mình, trong khi DPFP đang có xu hướng xích lại gần liên minh cầm quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc sự hợp tác giữa các đảng đối lập đang suy yếu. Ông dự báo rằng thế áp đảo của LDP vẫn sẽ được duy trì trong tương lai.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bau-cu-thuong-vien-nhat-ban-kho-co-bat-ngo-i659955/

Khổng Hà / Công an nhân dân