Israel và Mỹ đã triệu hồi các nhóm đàm phán từ cuộc thương lượng ngừng bắn tại Qatar do Hamas không thể hiện thiện chí vì mục tiêu hòa bình.
Israel và Mỹ rút khỏi đàm phán ngừng bắn ở Gaza
Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff cho biết, Mỹ và Israel đã đồng loạt rút các nhóm đàm phán khỏi vòng thương lượng ngừng bắn tại Gaza được tổ chức ở Qatar, sau khi cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas “thiếu thiện chí” và làm gián đoạn tiến trình hòa giải.
Ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Đông, tuyên bố trên mạng xã hội X rằng: “Dù các bên trung gian đã rất nỗ lực, Hamas không có vẻ gì là phối hợp hay hành động một cách chân thành”.
Ông cho biết Washington sẽ cân nhắc “các phương án thay thế để đưa con tin về nhà và tạo môi trường ổn định hơn cho người dân Gaza".

Một vụ nổ ở biên giới Israel-Gaza ngày 24/7. (Ảnh: Reuters)
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết lý do rút nhóm đàm phán là vì Hamas đã thay đổi các điều khoản quan trọng ngay khi đàm phán có tiến triển. Những thay đổi này liên quan đến việc trao trả con tin, điều kiện rút quân của Israel và lệnh ngừng bắn từng giai đoạn. “Hamas không giữ cam kết và tiếp tục trì hoãn bằng cách điều chỉnh yêu sách,” phía Israel khẳng định
Phản ứng trước tuyên bố này, Hamas cho biết họ “bị bất ngờ” trước lập trường của Mỹ và khẳng định vẫn cam kết theo đuổi tiến trình đàm phán để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Người phát ngôn của Hamas nói với Al Jazeera rằng nhóm “vẫn đang trao đổi tích cực với các bên trung gian và không từ bỏ nỗ lực đạt thỏa thuận”
Trong khi tiến trình chính trị bị đình trệ, tình hình nhân đạo tại Gaza tiếp tục xấu đi nghiêm trọng. Theo thống kê từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức cứu trợ, ít nhất 115 người đã tử vong vì đói và suy dinh dưỡng trong những tuần gần đây. Hàng triệu người dân Gaza đang đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch và thuốc men.
TikTok đối mặt nguy cơ bị cấm tại Mỹ
TikTok có thể sẽ bị đóng cửa tại Mỹ nếu Trung Quốc không phê chuẩn thương vụ bán lại ứng dụng này trước thời hạn do Tổng thống Donald Trump đặt ra, theo cảnh báo của Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
Phát biểu tại một hội nghị ngày 24/7, ông Lutnick cho biết thương vụ mua lại TikTok tại Mỹ đã sẵn sàng, nhưng vẫn cần sự chấp thuận từ phía chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi đã chuẩn bị xong để thực hiện thương vụ này. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không phê chuẩn trong thời gian Tổng thống Trump yêu cầu, thì TikTok sẽ không còn hoạt động ở Mỹ nữa”, Bộ trưởng Lutnick nói.
Trước đó, ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải bán toàn bộ hoạt động tại Mỹ cho một đối tác nội địa nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Hạn chót cho việc này là trong vài tuần tới.
TikTok hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ và là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trong giới trẻ. Nếu bị cấm, điều này có thể tạo ra cú sốc lớn đối với ngành công nghệ và thị trường quảng cáo số tại Mỹ.
Starlink của Elon Musk gặp sự cố
RT đưa tin, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink do SpaceX vận hành đã gặp sự cố gián đoạn lớn trên toàn cầu vào ngày 24/7, ảnh hưởng đến người dùng tại nhiều quốc gia.
Theo dữ liệu từ trang DownDetector, các báo cáo mất kết nối xuất hiện từ khoảng 10 giờ sáng GMT, với mức độ ảnh hưởng lan rộng từ Mỹ, châu Âu tới châu Á.
Trong một tuyên bố chính thức, công ty SpaceX – đơn vị vận hành Starlink đã xác nhận sự cố trên nền tảng mạng xã hội X và cho biết đang nỗ lực khắc phục. Nguyên nhân cụ thể chưa được công bố.
Đây được xem là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk đi vào hoạt động chính thức.