Chích máu đầu ngón tay cứu đột quỵ: Cứu người hay rước họa?

Mẹo chữa đột quỵ bằng cách chích máu ở đầu ngón tay và dái tai đang lan truyền trên mạng, được bác sĩ cảnh báo là hành động nguy hiểm, sai lầm nghiêm trọng.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện bài viết hướng dẫn cách cấp cứu người bị đột quỵ bằng cách dùng kim chích máu ở mười đầu ngón tay và dái tai. Phương pháp này được mô tả chi tiết với lời khẳng định rằng nếu thực hiện đủ các bước, từ hơ kim khử trùng, chích máu đầu ngón tay đến kéo tai và chích dái tai, người bệnh sẽ “tỉnh lại sau vài phút”. Nhiều người chia sẻ với niềm tin đây là bí quyết cứu người “truyền đời”, đặc biệt trong tình huống không kịp gọi cấp cứu.

Không dừng lại ở đó, bài viết còn nhấn mạnh bệnh nhân đột quỵ tuyệt đối không được di chuyển ngay. Theo lập luận của người viết, việc đưa đi cấp cứu có thể khiến “mạch máu não vỡ tung” vì xe rung lắc. Thậm chí, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện sau khi hoàn toàn hồi phục tại chỗ.

Giới chuyên môn khẳng định những thông tin trên hoàn toàn sai lệch, phản khoa học và cực kỳ nguy hiểm nếu thực hiện theo.

Thông tin lan truyền trên mạng gây xôn xao. (Ảnh chụp màn hình)

Thông tin lan truyền trên mạng gây xôn xao. (Ảnh chụp màn hình)

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội), khẳng định không có bất kỳ bằng chứng y học nào ủng hộ phương pháp “chích máu cứu đột quỵ”.

 

Theo ông Mạnh, đột quỵ là tình trạng khẩn cấp, trong đó thời gian đóng vai trò quyết định sự sống còn. Việc chậm trễ đưa đến bệnh viện có thể khiến bệnh nhân đánh mất “giờ vàng” điều trị – khoảng thời gian quý giá để tái thông mạch máu và giảm thiểu tổn thương não.

Bác sĩ nhấn mạnh, hành động chích máu đầu ngón tay hay dái tai hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị đột quỵ. Ngược lại, nếu bệnh nhân đang được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết – một loại thuốc giúp tan cục máu đông, việc châm chích không đúng cách có thể gây chảy máu nghiêm trọng, khó kiểm soát, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong điều trị đột quỵ, câu nói “thời gian là não” không phải là khẩu hiệu. Mỗi phút trôi qua có thể khiến hơn 1,9 triệu tế bào thần kinh bị tổn thương. Nếu bệnh nhân được đưa đến viện và điều trị tái tưới máu trong vòng 90 phút từ lúc khởi phát, cơ hội hồi phục là rất cao. Thậm chí, một người có thể trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường nếu được can thiệp đúng lúc.

Thực tế cho thấy không ít người bệnh đến viện trễ vì người thân áp dụng các mẹo truyền miệng như chích máu đầu ngón tay, bôi vôi chân tay hay cố giữ bệnh nhân nằm yên tại chỗ “cho tự khỏi”. Những quan niệm sai lầm này khiến bệnh nhân mất thời gian vàng để can thiệp y tế, làm giảm cơ hội sống sót hoặc phải chịu di chứng nặng nề.

Nhiều trường hợp

Nhiều trường hợp "rước hoạ" vì nghe theo mách bảo từ mạng xã hội. (Ảnh: BSCC)

Theo các bác sĩ, trong mọi tình huống nghi ngờ đột quỵ, điều đầu tiên cần làm là gọi cấp cứu 115, giữ người bệnh ở tư thế an toàn, theo dõi hô hấp và tuyệt đối không tự ý can thiệp bằng mẹo truyền miệng. Nếu bệnh nhân ngưng thở hoặc ngưng tim, cần được hỗ trợ hô hấp nhân tạo hoặc ép tim theo hướng dẫn sơ cứu chuẩn. Mọi xử trí đều phải dựa trên nền tảng khoa học, không thể làm theo cảm tính.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển, việc tiếp cận thông tin y tế là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần phân biệt rõ giữa kiến thức chuyên môn và thông tin chưa được kiểm chứng. Những “mẹo” lan truyền với vẻ ngoài đơn giản, dễ thực hiện nhưng nếu không đúng bản chất bệnh lý, có thể vô tình cướp đi cơ hội sống sót của người thân.

https://vtcnews.vn/chich-mau-dau-ngon-tay-cuu-dot-quy-cuu-nguoi-hay-ruoc-hoa-ar956265.html

Như Loan / VTC News