Nhật báo Trung Quốc China Daily thống kê "những thành quả bước đầu" của Sáng kiến Vành đai và con đường do ông Tập Cận Bình đề xuất.
Theo Trung Quốc, tính đến 27/3, có 125 quốc gia và 29 tổ chức ký kết 173 thoả thuận hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Năm nội dung được Sáng kiến ưu tiên gồm chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân. Dưới đây là 20 dự án được báo Trung Quốc đánh giá là nổi bật theo Sáng kiến.
Các công nhân thi công đường hầm số 1 dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ngày 20/3. Ảnh: Xinhua |
Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dài 142 km hiện đang trong quá trình xây dựng. Đây là dự án nhằm kết nối thủ đô Jakarta với Bandung, thành phố lớn thứ ba của Indonesia, sau khi Bắc Kinh và Jakarta ký thoả thuận thành lập đơn vị liên doanh xây dựng và vận hành tuyến đường này tháng 10/2015.
Jakarta-Bandung là tuyến đường sắt nước ngoài đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ và thiết bị đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc. Đơn vị xây dựng và vận hành tuyến đường gồm Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) China và PT Wijaya Karya Tbk, đơn vị nhà nước của Indonesia. Công trình được tài trợ chủ yếu bằng các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á có tốc độ dự kiến tối đa 350 km/h, được cho là sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa Jakarta với Bandung xuống còn 45 phút.
Một chuyến tàu dừng ở ga Abuja, Nigeria ngày 26/7/2016. Ảnh: Xinhua |
Tuyến đường sắt Abuja-Kaduna là hạng mục đầu tiên trong dự án khôi phục và cải tạo tuyến đường sắt Lagos-Kano với tổng chiều dài 1126 km. Đây là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn đầu tiên ở Nigeria và Tây Phi, khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 26/7/2016.
Đường sắt Abuja-Kaduna dài 186,5 km do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Trung Quốc (CCECC) thực hiện. Trung Quốc xem đây tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ngoài áp dụng hoàn toàn tiêu chuẩn đường sắt của nước này. Tính đến 11/1 năm nay, có 1,23 triệu hành khách được vận chuyển qua tuyến đường.
Một chuyến tàu vào ga Lebu ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia ngày 1/1/2018. Ảnh: Xinhua |
Đường sắt Ethiopia-Djibouti là tuyến đường sắt điện khí hoá đầu tiên ở Đông Phi được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc và sử dụng thiết bị của nước này. Tuyến đường chính thức hoạt động từ tháng 1 năm ngoái.
Dự án có tổng chiều dài 751,7 km, tốc độ tàu đạt 120 km/h, 45 nhà ga với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD, do Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) và Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công. Đây cũng là dự án nước ngoài đầu tiên được hoàn chỉnh bởi chuỗi doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuyến đường sắt rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng Djibouti đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia xuống còn chưa đầy 12 giờ so với khoảng thời gian ba ngày như trước đây.
Lễ thông xe qua hầm Boten, bắc Lào thuộc dự án đường sắt Trung Quốc-Lào ngày 21/3. Ảnh: Xinhua |
Tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào có tổng chiều dài 414 km nối Boten, thị trấn phía bắc Lào nối tây nam Trung Quốc với thủ đô Vientiane, Lào với tốc độ tàu dự kiến đạt 160 km/h.
Tuyến đường sắt chở khách và hàng hoá bắt đầu xây dựng tháng 12/2016 theo tiêu chuẩn quản lý, kỹ thuật của Trung Quốc dự kiến sẽ khánh thành tháng 12/2021.
Dự án được kỳ vọng đưa quốc gia Đông Nam Á không giáp biển trở thành một trung tâm liên kết trên bộ của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thành phố cảng Colombo đang được xây dựng ở Sri Lanka, ảnh chụp ngày 22/4. Ảnh: Xinhua |
Công trình thành phố cảng Colombo do Trung Quốc tài trợ được xem là dự án hợp tác lớn nhất giữa Trung Quốc và Sri Lanka theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Dự án đã hoàn thành việc cải tạo 269 ha đất vào tháng 1 năm nay, dự kiến hoàn thành xây dựng cấu trúc thuỷ điện vào giữa năm và các cơ sở hạ tầng khác cũng được hoàn thiện vào khoảng tháng 7/2020. Trung Quốc cho hay đang xúc tiến các kế hoạch đầu tư cho dự án.
Bắc Kinh tuyên bố dự án có tổng trị giá 1,4 tỷ USD sẽ mang lại 83.000 việc làm cho người dân địa phương trong vòng 20 năm.
Ngày 10/8/2016, Công ty Vận tải biển COSCO (Hong Kong) thuộc Tập đoàn Vận tải biển COSCO Trung Quốc trở thành cổ đông lớn của cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp.
Tàu vận tải của COSCO cập cảng Piraeus, Hy Lạp ngày 26/2. Ảnh: Xinhua |
Công ty dự kiến đầu tư 322,8 triệu USD cho việc mở rộng nhà điều hành cảng biển, sửa chữa cầu tàu và khu để xe nhiều tầng tại bến tàu vào cảng. Trung Quốc xem cảng Piraeus là điểm kết nối quan trọng trong Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, đồng thời cho biết đây là một trong những cảng container phát triển nhanh nhất thế giới những năm gần đây.
Ảnh chụp bến tàu cảng Zeebrugge, Bỉ ngày 15/10/2018. Ảnh: Xinhua |
Ngày 22/1/2019, Tập đoàn Vận tải biển COSCO Trung Quốc cũng đã ký thoả thuận mua lại bến tàu Zeebrugge CSP, cảng Zeebrugge, Bỉ trong vòng 50 năm.
Đây là cảng nước sâu tự nhiên và là cảng biển lớn thứ hai ở Bỉ, có vai trò kết nối đường bộ và đường sắt khắp châu Âu. Bắc Kinh dự kiến đây sẽ là trung tâm chính ở Bắc Âu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, còn cảng Piraeus ở Hy Lạp sẽ là trung tâm phía nam của Sáng kiến.
Cảng đa năng Doraleh. Ảnh: CRI |
Cảng đa năng Doraleh ở Djibouti được xây dựng bởi Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung Quốc (CSCEC) và một phần thuộc sở hữu, vận hành bởi DP World và Tập đoàn Thương gia Trung Quốc. Đây là dự án thuỷ lực đầu tiên của CSCEC ở châu Phi được khai trương vào 24/5/2017.
Tổng giá trị đầu tư cho cảng này là 421,7 triệu USD, với công xuất 7,08 triệu tấn/năm. Tất cả các bến tàu của cảng đa năng Doraleh đều kết nối với đường sắt Addis Ababa-Djibouti, được cho là góp phần thúc đẩy kinh tế của quốc gia không giáp biển Ethiopia.
Khu thương mại tự do quốc tế Djibouti (DIFTZ) trong lễ khánh thành ngày 9/12/2018. Ảnh: Xinhua |
Khu thương mại tự do quốc tế Djibouti (DIFTZ) do Trung Quốc tài trợ bắt đầu xây dựng tháng 1/2017 và khai trương ngày 5/7/2018 với tổng diện tích 48,2 km2. Khu thương mại được vận hành bởi liên doanh các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc gồm Tập đoàn Thương gia Trung Quốc, Tập đoàn Cảng Đại Liên, Cảng Djibouti và cơ quản quản lý khu vực thương mại tự do.
Trung Quốc cho hay hơn 20 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, hậu cần, chế biến đã đăng ký với FTZ ngay khi cơ sở hạ tầng giai đoạn đầu 6 km2 được cơ bản hoàn thiện.
Bắc Kinh tham vọng đưa DIFTZ trở thành một ngã ba quan trọng nối liền các quốc gia châu Phi khác tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời biến Djibouti, quốc gia nhỏ ở đông bắc châu Phi thành một trung tâm hậu cần hàng hải nối liền châu Phi, châu Á và châu Âu.
Tàu container ở cảng Muara ngày 17/4/2015. Ảnh: Xinhua |
Cảng Muara không chỉ là tuyến thương mại quốc tế chính của Brunei mà còn là nơi có bến tàu container lớn nhất vương quốc Đông Nam Á này.
Tháng 2/2017, bến container của cảng này đã được bàn giao cho Công ty Cảng Muara Sdn Bhd, liên doanh được thành lập bởi Tập đoàn Cảng vịnh Beibu, Trung Quốc và Công ty Darussalam Asset của Brunei. Đây là một phần của kế hoạch xây dựng Hành lang kinh tế Quảng Tây - Brunei.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, bến container cảng Muara đã xử lý 93.257 TEUs (đơn vị tính sức chứa hàng hóa thường được sử dụng để mô tả năng lực của tàu container và bến container), tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đoạn CC4 cầu Temburong nhìn từ trên cao. Ảnh: CCTV |
Bắc Kinh tuyên bố cầu vượt biển Temburong sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Brunei, đồng thời là cây cầu vượt biển dài nhất nước này với tổng chiều dài 30 km. Công trình dự kiến khai trương vào cuối tháng 11 năm nay.
Đoạn CC4 thuộc dự án với chiều dài 11,8 km được thi công bởi Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung Quốc (CSCEC). Khoảng 11,6 km thuộc đoạn cầu này sẽ băng qua vùng đầm lầy ngập mặn thuộc Khu bảo tồn rừng Labu, Brunei.
CSCEC cho hay đã thiết lập một bộ quy trình an toàn và hệ thống đánh giá xây dựng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng.
Cảng Gwardar ngày 24/3/2018. Ảnh: Xinhua |
Bắc Kinh tuyên bố đã góp phần biến cảng Gwadar của Pakistan từ một làng chài hẻo lánh, kém phát triển ở biển Arab thành một bến cảng có đầy đủ chức năng, gồm trung tâm thương mại và khu vực tự do (FZ).
Cảng được khai trương ngày 13/11/2016 và vận hành bởi Công ty Cảng nước ngoài Trung Quốc (COPHC) từ năm 2013. Đây là dự án đầu tiên của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan theo Sáng kiến vành đai và Con đường.
Theo COPHC, khu vực tự do ở cảng Gwardar đã thu hút hàng chục công ty và doanh nghiệp khác nhau gồm khách sạn, ngân hàng, hậu cần, thực phẩm, thép, chế biển thuỷ sản và tài nguyên tái tạo.
Công trường xây dựng cầu Peljesac, nam Croatia ngày 19/4. Ảnh: Xinhua |
Trung Quốc cũng tuyên bố cầu Peljesac là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất Croatia,được thiết kế nối đất liền của Croatia với quận cực nam thành phố Dubrovnik, Neretva. Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc thắng thầu cho giai đoạn xây dựng đầu tiên của cầu Peljesac và các con đường kết nối tới cầu này tháng 1/2018.
Hợp đồng trị giá 485 triệu USD cũng sẽ được tài trợ một phần bởi các quỹ của Liên minh châu Âu (EU). Cầu Peljesac dài khoảng 2,4 km và cao 55 m.
Công trường xây dựng cầu Padma ở Bangladesh ngày 21/2. Ảnh: Xinhua |
Cầu Padma dài 10 km và rộng 25m sẽ được xây dựng trên sông Padma, một trong ba con sông lớn ở Bangladesh. Tháng 6/2016, Tập đoàn cầu đường sắt Trung Quốc đã trúng thầu hợp đồng trị giá 1,55 tỷ USD, chịu trách nhiệm xây dựng cấu trúc cốt lõi của cây cầu này.
Đây là dự án cầu nước ngoài có tổng chi phí lớn nhất thực hiện bởi công ty Trung Quốc từ trước tới nay, theo các số liệu của nước này.
Cầu dự kiến rút ngắn thời gian di chuyển giữa thủ đô Dhaka của Bangladesh với thành phố Khulna ở phía nam từ 13 tiếng xuống còn ba tiếng.
Một góc trang trại gió Punta Siera, ngoại ô thành phố Ovalle, Chile ngày 24/8/2018. Ảnh: Xinhua |
Trang trại gió Punta Sierra ở Chile với 32 tuabin bên bờ biển đã bắt đầu đi vào hoạt động từ 4/2/2018. Đây là trang trại gió đầu tiên đầu tiên mà Trung Quốc đầu tư vào quốc gia Nam Mỹ. Dự án trị giá 150 triệu USD được tài trợ và xây dựng bởi Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc (CSPIC) có công suất lắp đặt 82 MW. Bắc Kinh dự kiến công trình có thể đáp ứng nhu cầu điện cho 130.000 hộ dân và giảm phát thải carbon 157.000 tấn/năm.
Nằm trên bán đảo Yamal của Nga ở Bắc Cực, dự án khí tự nhiên hoá lỏng Yamal được cho là đạt công suất tối đa với ba dây chuyền sản xuất, mỗi dây chuyền đạt 5,5 triệu tấn/năm.
Đây là dự án lớn nhất thế giới tại Vòng Bắc Cực và là dự án hợp tác năng lượng lớn đầu tiên ở Nga sau khi Sáng kiến Vành đai và Con đường được đề xuất.
Công trình thuộc sở hữu của Novatek, Nga (50,1%), Total, Pháp (20%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (20%) và Quỹ Con đường Tơ lụa Trung Quốc (9,9%).
Dự án nhà máy thủy điện Isimba ở Uganda. Ảnh: Xinhua |
Nhà máy thuỷ điện Isimba ở Uganda đã hoàn thành quá trình xây dựng vào 21/3 năm nay. Dự án trị giá 568 triệu USD với 85% khoản vay ưu đãi do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp và phần còn lại do Uganda tài trợ.
Công trình được xây dựng bởi Tập đoàn Điện Nước Quốc tế Trung Quốc, có công suất 183 MW, là nhà máy điện lớn thứ ba ở Uganda, góp phần nâng công suất điện của cả nước này từ 984 MW lên 1167 MW.
Bắc Kinh kỳ vọng Isimba góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện bị cho là ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế của Uganda. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2015 và tuyên bố tạo việc làm cho 3.000 công nhân.
Các kỹ sư xây dựng tại nhà máy Kali Uyuni ngày 20/4/2017. Ảnh: Xinhua |
Nhà máy Kali Uyuni 350KTPA ở Bolivia, được xây dựng bởi Công ty Kỹ thuật Xây dựng CAMC Trung Quốc, bắt đầu hoạt động vào 7/10/2018. Thống kê của Trung Quốc cho thấy đây là nhà máy kali lớn thứ ba ở Nam Mỹ, cũng là nhà máy kali đầu tiên của Bolivia. Công ty Kỹ thuật xây dựng CAMC Trung Quốc trúng thầu dự án tháng 5/2015 với trị giá 170 triệu USD.
Khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus. Ảnh: Xinhua |
Khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus nằm cách Minsk 25 km với diện tích 91,5 km2, là khu vực kinh tế đặc biệt đầu tiên ở Belarus.
Báo Trung Quốc cho hay khu công nghiệp đang nỗ lực gia tăng thu hút đầu tư toàn cầu và tính đến cuối tháng hai năm nay, có 43 công ty đã đăng ký đầu tư, trong đó 26 công ty Trung Quốc, 10 công ty Belarus và 7 công ty từ các quốc gia khác, trong đó có Nga và Mỹ. Tổng giá trị đầu tư đến nay đạt hơn 1 tỷ USD.
Một tuyến đường ở Khu hợp tác kinh tế và thương mại Suez tháng 12/2018. Ảnh: Xinhua |
Khu hợp tác kinh tế và thương mại Suez Trung Quốc - Ai Cập, nằm ở quận Ain Sokhna, tỉnh Suez phía đông thủ đô Cairo.
Khu hợp tác chính thức được xây dựng hơn một thập kỷ trước, điều hành bởi Công ty TNHH Đầu tư TEDA Trung Quốc - châu Phi, tuyên bố đã thu hút gần 80 doanh nghiệp với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 3.500 người và tạo ra 30.000 cơ hội việc làm thông qua các ngành công nghiệp tại đây.
Tháng 2 năm nay, có 8 doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào khu vực này với tổng vốn 200 triệu USD.
Mai Lâm (Theo China Daily)
Ông Tập không khoan thứ cho tham nhũng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định các dự án của Vành đai và Con đường phải minh bạch về tài chính và không tha thứ ... |
Những biến chuyển của Sáng kiến Vành đai và Con đường
Sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc khởi xướng năm 2013 đã chứng kiến nhiều thay đổi, từ tên gọi cho tới cách huy động ... |