Trong quá trình tác nghiệp, nhóm PV Báo Lao Động đã tiếp cận được hàng trăm doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến cố định nhưng “trá hình” bằng cách sử dụng xe “dù”, bến “cóc” để qua mặt cơ quan chức năng và trốn thuế.
Nhà xe Queen cafe đón khách.
Trong đó, tuyến vận tải hành khách Hà Nội - Nghệ An có tới 34 nhà xe với 50 lượt chạy mỗi ngày; tuyến Hà Nội - Thanh Hóa có 57 nhà xe với 80 lượt chạy mỗi ngày; tuyến Thái Bình - Hà Nội có 16 nhà xe với 20 lượt chạy mỗi ngày... và đặc biệt là tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sơn La có 25 nhà xe với trên 100 lượt chạy mỗi ngày. Chỉ một bài toán đơn giản cũng có thể thấy Nhà nước đang thất thu nhiều tỉ đồng mỗi ngày.
Điểm mặt “ông lớn” mở bến “cóc”, chạy xe “dù”
Nhiều tháng trời rong ruổi tại các bến “cóc”, xe “dù” ở thủ đô đi khắp các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nhóm PV chúng tôi ghi nhận được hàng trăm nhà xe ngang nhiên mở bến “cóc”, chạy xe “dù”, trong đó có cả những nhà xe chạy tuyến cố định cũng ngang nhiên sai phạm.
Điển hình trong số này phải kể đến Queen Cafe VIP - Cty TNHH du lịch Nữ Hoàng (địa chỉ 208 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Để hợp thức hóa hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa, nhà xe này sử dụng chính văn phòng của mình là bến “cóc” đón trả khách. Sau đó, sử dụng các xe ôtô loại 45 chỗ dưới dạng xe hợp đồng du lịch vận chuyển hành khách theo tuyến Hà Nội - Sa Pa với giá 220.000 đồng/người/lượt. Mỗi ngày nhà xe này có 3 chuyến cố định chạy Hà Nội - Sa Pa vào 7h, 13h30 và 22h.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, vào 21h35 ngày 14.3.2018, tại văn phòng của Queen Cafe VIP tại số 208 Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Rất nhiều hành khách có mặt chuẩn bị cho chuyến đi, việc mua bán vé diễn ra ngay tại văn phòng. Lúc này, văn phòng nhà xe có khoảng 30 khách đã chờ sẵn. Đến 21h40, chiếc xe 29B-122.07 của nhà xe này bắt đầu di chuyển đến trước cửa văn phòng đón khách. Hàng hóa được nhân viên nhà xe sắp xếp xuống khoang hầm, khoảng 22h thì chiếc xe bắt đầu xuất bến chở theo gần 40 hành khách trên hành trình từ Hà Nội - Sa Pa. Điều đặc biệt, vé xe mà hành khách phải bỏ tiền ra mua trực tiếp với giá 220.000 đồng/người thực chất được nhà xe này hợp thức hóa chỉ bằng một phiếu thu.
Tương tự như nhà xe Queen Cafe VIP, hãng xe Cố Hương - Cty du lịch Hoàng Lâm cũng trốn thuế bằng cách lập bến “cóc”, chạy xe “dù” tuyến Hà Nội - Huế - Quảng Bình. Không khó để chúng tôi tiếp cận nhà xe này, chỉ cần đến số 33 Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm) vào lúc 18h, 19h và 20h hằng ngày, những khách có nhu cầu đi Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế sẽ dễ dàng mua được vé ngay. Hoạt động bán vé khá công khai, người mua người bán tấp nập.
Trong vai hành khách có nhu cầu đến Quảng Bình, khoảng 19h15, nhóm PV chúng tôi dễ dàng tiếp cận và trực tiếp mua vé tại số 33 Nguyễn Hoàng với giá 200.000 đồng. Người phụ nữ bán vé cho biết, các cậu cứ đi đâu thì đi, khoảng 19h45 là có xe đi liền. Đến giờ đi, chúng tôi có mặt, lúc này trước cửa văn phòng nhà xe số 33 Nguyễn Hoàng đã có khoảng 30 khách đi xe. Chiếc xe BKS 29B-606.48 của nhà xe này cũng đổ ngay trước cửa, nhân viên nhà xe lên xếp khách và chuẩn bị cho chuyến đi. Khoảng gần 8h chiếc xe xuất bến…
Thêm một nhà xe nữa núp bóng xe chạy hợp đồng để vận chuyển hành khách được nhóm PV Báo Lao Động phát hiện, đó là nhà xe Interbusline - Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên. Đây là nhà xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa, chủ yếu hoạt động vào các khung giờ 7h, 7h30, 13h30, 21h30 và 22h30 hằng ngày. Giá vé được niêm yết công khai trên các trang mạng cũng như tổng đài nhà xe này dao động từ 250.000 đến 680.000 đồng/người/lượt. Cụ thể, xe Hà Nội - Sa Pa giường nằm cabin chuyến 7h sáng và 22h30 giá 680.000 đồng; còn giường đơn là 320.000 đồng/ 9 giường đầu tiên tầng 1 và 250.000 đồng đối với các giường còn lại.
Interbusline có trụ sở tại 110 A Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đó là căn nhà 2 tầng, được trang trí, quảng cáo hết sức công khai, hoạt động cấp phiếu (bán vé - PV) diễn ra trực tiếp tại văn phòng này. Khách hàng đi xe chỉ cần gọi điện vào tổng đài 19001137 hoặc đặt vé qua Web “Interbusline.com”. Điều đặc biệt, nhà xe này không trực tiếp bán vé mà “lách luật” bằng cách cấp phiếu theo kiểu Tour Voucher cho khách hàng. Lượng khách ở đây khá lớn và hình thức hoạt động khách hàng cũng hết sức tinh vi.
Ghi nhận của Báo Lao Động vào 21h ngày 14.3.2018, chiếc xe BKS 29B-611.84 của Interbusline đỗ ngay trước cửa văn phòng số 110A Trần Nhật Duật để đón khách. Mặc dù chưa đến giờ chạy nhưng đã có khoảng 25 khách đi xe đợi sẵn ở đây. Đến sát giờ chạy, khoảng 40 khách hàng lên xe, nhà xe trực tiếp xếp ghế cho khách ngay tại trước cửa văn phòng này, hoạt động nhộn nhịp, công khai, ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để lách luật, Interbusline còn sử dụng các xe mang BKS của nước CHDCND Lào chuyên chở khách. Cụ thể, Interbusline có 5 xe BKS của nước CHDCND Lào bao gồm 2 xe giường nằm cabin BKS 1529 và 3496; 2 xe giường nằm đơn BKS 1522 và 3440, cùng 1 xe ghế mềm BKS 1517. Tất cả các xe này đều phục vụ việc chở khách chạy tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa. Bên cạnh đó, Interbusline còn có 8 xe BKS Việt Nam chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa gồm: 29B-162.99, 29B-603.93, 29B-604.10, 29B-171.94, 29B-606.69, 29B-609.96, 29B-606.41, 29B-611.84. Các xe của Interbusline hoàn toàn không đăng ký chạy tuyến cố định nhưng tổ chức bắt khách tại bến “cóc” ở 110A Trần Nhật Duật.
Cũng theo tìm hiểu của Báo Lao Động, vừa qua, chiếc xe BKS 29B-605.72 của Interbusline gây tai nạn tại Km số 54 cao tốc Hà Nội - Lào Cai (địa phận tỉnh Phú Thọ) khiến nhiều người bị thương. Qua điều tra, lực lượng công an xác định chiếc xe này chở theo người nước ngoài và đã hết đăng kiểm, xe chạy hợp đồng nhưng lại gom khách và vận chuyển khách tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa.
Bất chấp quy định của pháp luật
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 40.730 xe hợp đồng, trong đó có 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, 15.890 xe chạy Grap, Uber, số còn lại là xe hợp đồng trên 9 chỗ. Trong khi đó, số xe chạy tuyến cố định được đăng ký là 1.013 xe. Như vậy, lượng xe chạy tuyến cố định của TP.Hà Nội so với thực tế hiện nay chỉ bằng một nửa. Nếu làm một phép tính nhanh thì đẽ dàng nhận thấy số xe chạy tuyến cố định núp bóng xe chạy hợp đồng ngang bằng với số xe chạy tuyến cố định được cấp phép. Điều đó cũng có nghĩa ngân sách nhà nước đã mất đi đúng một nửa, ngang bằng với lượng xe chạy tuyến cố định.
Mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe đội lốt xe chạy tuyến cố định xuất phát từ các bến “cóc” (chủ yếu là bãi đất trống và văn phòng - PV) đi khắp các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhưng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền địa phương thì không hay biết, cũng có thể “nhắm mắt làm ngơ”?.
Ở bài này, chúng tôi xin được chỉ ra hàng loạt những nhà xe chạy tuyến cố định núp bóng xe chạy hợp đồng như nhà xe Bình Minh Limoushin, XE Việt Nam, Xuân Khiêm Limoushin; Tú Tài Limoushin, Đức Trung, Quang Thắng, Mạnh Chiến chuyên tuyến Hà Nội - Ninh Bình; các nhà xe Phúc Lộc Thọ, XE Việt Nam; Long Giang, Duy Cường, Đặng Phùng, Lê Hùng Dũng, Bình An, Tấn Hưng Limoushin, Tâm Duấn Limoushin, Giao Thủy Limoushin, Trường Sơn, Havana Limoushin, Thiên Việt chuyên tuyến Hà Nội - Nam Định; nhà xe Thiên Hà Limoushin, Anh Tú, Hồng Vinh Limoushin, Sao Nghệ Limoushin, Anh Thắng, Phương Nguyên Limoushin, Hoàng Anh, Đại Lợi, Tuấn Việt, Anh Dũng chuyên tuyến Nghệ An - Hà Nội; nhà xe Vân Anh Limoushin, Đại Nam Limoushin, Asia Trang Ngân Limoushin, Vĩnh Quang Limoushin, Anh Khoa, Hoa Dũng Limoushin, Hoàng Đông Limoushin, Tuấn Phương, Hào Hương chuyên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội; nhà xe XE Việt Nam, Phúc Lộc Thọ Limoushin, Long Giang Limoushin, Vĩnh Thịnh Limoushin, Đức Linh Limoushin, Hà Thì, Mai Sứ, Trung Sơn, Thiên Trường chuyên tuyến Hà Nội - Thái Bình; nhà xe Newsta Limoushin, Minh Anh VIP Limoushin, Halan Limoushin, Hoa Mai SEDONA chuyên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; nhà xe Inter Bus Line; Sa Pa Luxury, New Enjoy Limoushin, Pumpkin Limoushin, Green Bus, Sa Pa Express, Hưng Thành, Queen Café, Golder House, Eco Sapa, Hygo Travel, Trường Thành Limoushin, Azura Sapa Limoushin... chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa....
Cũng trong bài này, chúng tôi chưa thể đề cập hết những nhà xe chạy tuyến cố định trá hình bằng xe chạy hợp đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng. Vậy các nhà xe còn lại là ai và họ gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền bao nhiêu?, mời độc giả báo Lao Động đón đọc kỳ tiếp theo…
“Luật ngầm” xe dù bến cóc và lợi ích nhóm giữa Thủ đô: Lộng hành, bất chấp quy định pháp luật
Trong quá trình tác nghiệp, nhóm PV Báo Lao Động đã phát hiện hàng chục nhà xe “núp bóng” các doanh nghiệp dịch vụ vận ... |
Từ ngày 1/6 phí đậu ôtô ở TP HCM tăng ít nhất năm lần
Ôtô đỗ dưới lòng đường phải trả 25.000-40.000 đồng cho một giờ và được tính lũy tiến theo giờ, không theo lượt như trước đây. |
Lần đầu xử phạt tài xế dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT
Công an quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) lần đầu tiên ra Quyết định xử phạt đối với tài xế dừng xe quá 5 phút tại ... |