Các nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk đã chính thức yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự trong một bức thư được công bố hôm 23/2.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, lãnh đạo nước Cộng hòa tự xưng Donetsk - Denis Pushilin và lãnh đạo nước Cộng hoà tự xưng Lugansk - Leonid Pasechnik, đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công từ lực lượng vũ trang Ukraine nhằm tránh thương vong cho dân thường và ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Donbass.
"Các yêu cầu bằng văn bản đã được gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin từ Leonid Pasechnik - người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Denis Pushilin - người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Những người đứng đầu các nước cộng hòa này thay mặt cho người dân của họ cảm ơn Tổng thống Nga về quyết định công nhận độc lập cho các quốc gia này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Lãnh đạo nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và lãnh đạo Cộng hòa tự xưng Lugansk đề nghị Nga hỗ trợ quân sự. (Ảnh: TASS) |
"Lời kêu gọi của họ nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình ngày càng xấu đi và các mối đe dọa từ Kiev, công dân của các nước cộng hòa buộc phải rời bỏ nhà và họ đang di tản đến Nga. Trong bối cảnh các lực lượng vũ trang của Ukraine tiếp tục gây hấn, các nước cộng hòa này bị tàn phá về cơ sở hạ tầng dân dụng và công nghiệp, trường học, bệnh viện và nhà trẻ, và nhiều cái chết của dân thường, trong đó có cả trẻ em", ông Dmitry Peskov cho biết.
Bức thư của lãnh đạo các vùng ly khai ở Donbass gưi đến ông Putin cũng cáo buộc Ukraine đang quyết tâm giải quyết xung đột bằng vũ lực, cho rằng Kiev đang nhận được sự hỗ trợ toàn diện, bao gồm cả quân sự, từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
"Trong bối cảnh tình hình hiện tại và để ngăn chặn thương vong dân sự và thảm họa nhân đạo, người đứng đầu hai nước cộng hòa yêu cầu Tổng thống Nga giúp đỡ trong việc đẩy lùi sự tấn công của các lực lượng vũ trang và quân đội Ukraine, phù hợp với các Điều khoản. 3 và 4 của hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Nga và các nước này", ông Peskov cho biết thêm.
Trong diễn biến liên quan đến tình hình Ukraine, hôm 23/2, Ukraine kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc ngăn chặn "kế hoạch gây hấn" của Nga. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói với Đại hội đồng gồm 193 thành viên rằng cuộc xung đột mở rộng ở Ukraine thể hiện "quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều năm".
Ông kêu gọi các bên ngừng bắn và quay lại đối thoại. Dù Đại hội đồng chưa có hành động nào, Mỹ và một số nước hy vọng cuộc họp sẽ cho thấy Nga đang bị quốc tế cô lập liên quan đến vấn đề Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: "Bây giờ là lúc chúng ta hãy cùng nhau cho thấy rằng Nga đang bị cô lập và đơn độc trong các hành động gây hấn của mình".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, "sẽ không ai có thể ngồi ngoài cuộc khủng hoảng này" nếu ông Putin làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. “Ngoại giao tích cực, các thông điệp chính trị mạnh mẽ, các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn và tăng cường sức mạnh cho Ukraine có thể buộc Moskva từ bỏ các kế hoạch gây hấn”, ông nói.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho rằng "không thể thờ ơ với số phận của 4 triệu người Donbass". Đại diện Nga cũng kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại và kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng.
KÔNG ANH - PHƯƠNG ANH (Nguồn: TASS)
Trung Quốc bày tỏ lập trường việc Nga công nhận vùng ly khai Ukraine |
Vì sao đến bây giờ Nga mới công nhận 2 vùng ly khai ở Ukraine? |