Động thái mới nhất của Nga cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đã mất niềm tin vào các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở vùng Donbass, miền đông Ukraine - một bước đi có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện với Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. |
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk
Hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào tháng 4/2014 sau khi lực lượng thân Nga giành quyền kiểm soát các văn phòng chính quyền địa phương.
DPR và LPR - nằm ở khu vực giáp với Nga ở phía Đông của Ukraine - là nơi sinh sống của hơn 3 triệu người, phần lớn dân cư nói tiếng Nga. Moskva bắt đầu hỗ trợ 2 khu vực này sau khi phong trào cách mạng Maidan dẫn đến việc lật đổ chính quyền thân Nga của Ukraine vào tháng 2/2014.
Trong 8 năm qua, Nga không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở các vùng lãnh thổ này bằng nhiều biện pháp. Hàng năm, DPR và LPR đều nhận được các khoản tài trợ nhân đạo, tài chính, và quân sự từ điện Kremlin. Hôm 21/2, các quan chức Nga cho biết nước này đã cấp hộ chiếu và quyền công dân cho khoảng 800.000 người ở Donetsk và Lugansk.
Các thỏa thuận Minsk không hiệu quả
Sau 5 tháng xung đột khiến hơn 2.600 người thiệt mạng, Ukraine và phe ly khai đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn Minsk I gồm 12 điểm ở thủ đô Belarus vào tháng 9/2014. Các điều khoản bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng.
Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ do cả 2 bên cùng vi phạm.
Đến tháng 2/2015, đại diện của Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và lãnh đạo hai khu vực ly khai thân Nga ý thỏa thuận Minsk II gồm 13 điểm.
Các thỏa thuận ngừng bắn tạo điều kiện để phe ly khai kiểm soát các khu vực hành chính ở Donetsk và Lugansk - tương đương với khoảng 1/3 lãnh thổ Ukraine - được phân định bởi giới tuyến kiểm soát kiên cố với quân đội Ukraine.
Chính quyền Ukraine gọi các khu vực này là "lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời" và theo tinh thần của Minsk, cuối cùng Kiev sẽ lấy lại quyền kiểm soát tại đây. Nhưng cả Kiev và phe ly khai đều không thực hiện được các điều khoản của thỏa thuận, khiến tình trạng của các vùng lãnh thổ này luôn ở trong tình trạng lấp lửng.
Nga mất hy vọng vào giải pháp ngoại giao
Trong quá khứ, Nga không công nhận DPR và LPR mà chỉ gián tiếp tác động đến khu vực này. Đối với Moskva, Donbass là yếu tố quan trọng để tác động đến các quyết định về chính sách đối ngoại lớn, trong đó có việc điện Kremlin đã nhiều lần yêu cầu phương Tây không để Ukraine gia nhập NATO và kêu gọi khối này dừng mở rộng về phía Đông.
Tuy nhiên, động thái mới nhất của Nga cho thấy Tổng thống Putin đã mất niềm tin vào các nỗ lực ngoại giao gần đây nhằm ngăn chặn xung đột ở Ukraine.
(Ảnh minh hoạ: Reuters) |
Trước mắt, việc Nga công nhận DPR và LPR có thể sẽ dẫn đến 2 hệ quả chính.
Thứ nhất là sự sụp đổ của các thỏa thuận Minsk, kéo theo đó là hy vọng về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Kết quả này đã được báo hiệu vào ngày 21/2 - trước khi tuyên bố của Moskva được đưa ra - một loạt quan chức cấp cao Nga nói rằng không có triển vọng nào cho các thỏa thuận hòa bình, vì vậy Moskva cần phải tiến hành biện pháp khác.
Thứ hai, điện Kremlin sẽ có lý do để gửi quân đội và thiết bị quân sự của Nga vào các vùng phía Đông Ukraine. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện giữa Moskva và Kiev.
Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn sẽ xuất hiện trong tương lai: Các lực lượng ly khai đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine. Trong khi đó, Nga không nói rõ liệu họ có thừa nhận chủ quyền của DPR và LPR đối với vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Kiev hay không.
Hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào tháng 4/2014. (Ảnh: Reuters) |
Phương Tây sẽ phản ứng ra sao?
NATO và EU đã cảnh báo rằng việc công nhận các khu vực ly khai sẽ khiến căng thẳng Nga-Ukraine leo thang nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu cho biết việc này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga.
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng hành động công nhận DPR và LPR thể hiện “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời đi ngược với luật pháp quốc tế.
Dù vậy, đến nay Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác vẫn giữ nguyên khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt lớn nhằm vào Nga sẽ được triển khai trong trường hợp nước này tấn công quân sự vào Ukraine. Hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào về biện pháp đối phó với trường hợp Nga công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng.