Vu Lan: Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc... 

Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc... 

Vậy là một mùa Vu Lan nữa lại đến. Tôi không biết nguồn gốc do đâu lại có ngày này, tôi cũng không phải theo đạo Phật, nhưng tôi lại rất thích ý nghĩa của ngày này...

Hạnh phúc nhất cho những ai còn mẹ.

vu lan ai con me xin dung lam me khoc

"Mẹ" - bất chợt tôi nhận ra rằng thiêng liêng nhất cho những người hằng ngày còn được í a sử dụng danh từ đó. Bất chợt tôi cũng hiểu được ý nghĩa màu trắng của bông hoa hồng mà tôi đã thắc mắc không biết bao lần mỗi mùa Vu Lan trước. Kỳ nhỉ, sao có người cài hoa màu đỏ, người khác lại hoa màu trắng?

Màu trắng vốn tượng trưng cho những điều thật thanh cao, thật đẹp, giản đơn mà sâu sắc và màu trắng của bông hồng cài áo cũng thế. Vẫn đẹp đến lạ lùng, đến se sắt, đến tê lòng...

Vu Lan, ngày những người con hướng suy tư của mình về quá khứ, ngày thể hiện đạo làm con với đấng sinh thành. Bôn ba đường đời xét cho cùng dẫu ai đó có vị trí nào trong xã hội chăng nữa, mùa vu lan về, lại trở nên nhỏ nhoi, bé bỏng chạy đến bên mẹ, hoài niệm về mẹ.

Giữa dòng đời đầy toán tính, bon chen, đầy ghen ghét, đố kỵ, ích kỉ, thù hằn, Vu Lan như một khoảnh khắc những người con được trở về, đối điện với lòng mình đúng nghĩa hơn.

Không có người mẹ nghèo, không có người mẹ xấu, trong tôi chỉ có mẹ hiền, mẹ nhân từ, mẹ sớm hôm tần tảo, mẹ giàu ắp tình thương.

Và mùa vu lan lặng lẽ đi về... Dẫu âm thầm cài một cành hồng trắng Giữa bao bộn bề giờ dẫu không còn mẹ Con vẫn sẽ mỉm cười, và thầm gọi... mẹ ơi.

Bạn ơi! Hãy cài lên áo mình bông hoa đỏ biết ơn, để giữ lòng mình luôn ấm, luôn bên mẹ...

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, Đừng để buồn, vương mắt mẹ nghe không...

Vu Lan, hay còn gọi là Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu.

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Ngày xá tội vong nhân cũng có nguồn gốc từ lễ Vu Lan, nhưng một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

Tín ngưỡng bình dân cho rằng ngày xá tội vong nhân là ngày bọn quỷ sứ Diêm Vương tạm tha cho tội nhân về cõi dương ăn lễ cúng của người sống rồi sau đó sẽ bắt trở về cõi âm, cho nên người xưa bày ra hủ tục đốt vàng mã vào rằm tháng bảy.

Theo quan niệm của người Việt thì cứ vào ngày rằm tháng bảy Âm, mỗi gia đình lại bày cỗ cơm, cháo, giấy tiền… mời những cô hồn (ma đói) không nơi thờ phụng về nhận. Nên dân gian có câu: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng bảy".

Ở một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 hàng tháng âm lịch, để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Tại Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.

Ý nghĩa lễ Bông hồng cài áo "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".

(Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)