Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã gửi thư cho Chủ tịch tập đoàn Intel mời vào Việt Nam. Năm 2005, ngay trong chuyến thăm lần đầu tiên sau chiến tranh của Thủ tướng Việt Nam sang Mỹ, Việt Nam đã hành động quyết liệt.
Ngày 7/11, nguồn tin từ Reuters cho biết, Tập đoàn Intel sẽ gác lại kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD nhằm mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Thông tin về 1 tỷ USD đầu tư mới này được Reuters đề cập đến vào hồi tháng 2/2023, nhưng phía Intel cho biết, họ chưa công bố bất cứ khoản đầu tư mới nào vào Việt Nam.
Trả lời trên báo điện tử Chính phủ ngày 8/11, ông Kim Huat Ooi - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam nói: "Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện đầu tư theo các giai đoạn đã cam kết và vận hành hoạt động sản xuất ổn định".
Intel bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP HCM. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn của tập đoàn rót vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD.
Intel Việt Nam là nhà máy có vị trí quan trọng trong hệ thống các nhà máy lắp ráp kiểm định chip của Intel trên toàn cầu. Hiện tại, nhà máy Intel Việt Nam đang đảm nhiệm sản xuất các sản phẩm vi xử lý Raptor Lake thế hệ mới nhất và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake. Tổng sản lượng của nhà máy tại Việt Nam đang chiếm hơn 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu.
17 năm trước, việc lựa chọn Việt Nam để đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM - assembly and test manufacturing plants) lớn nhất thế giới của Intel là một quá trình tìm kiếm và nỗ lực của cả 2 bên. Trong một báo cáo đánh giá tác động về sự đầu tư của Intel tại Việt Nam của trường Đại học Fulbright Việt Nam, các tác giả đã phỏng vấn những người liên quan để kể lại quá trình này.
Cân nhắc của Intel
Cho đến giữa những năm 2000, Intel vẫn đang tích cực tìm kiếm địa điểm để xây dựng một nhà máy ATM mới.
Một nhà máy tiêu chuẩn lúc bấy giờ có diện tích 23.000 m2, thường mất 5 năm để xây dựng và vận hành ban đầu với 2.000 nhân viên và có khả năng tăng lên khoảng 3.500 nhân viên. Nhà máy mới của Intel dự kiến có diện tích gấp đôi.
Để lựa chọn địa điểm cho một nhà máy quy mô lớn và quan trọng như vậy, là một công ty Mỹ, vấn đề đầu tiên của Intel là quyết định xây dựng nhà máy tại Mỹ hay nước khác. Có một số lý do để đặt nhà máy trong nước như an ninh, điều kiện về môi trường và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây vốn là một quan ngại lớn. Trong khi đó, chi phí lao động thấp luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà máy lắp ráp thâm dụng lao động.
Vào đầu những năm 2000, châu Á là khu vực tâm điểm trong mắt Intel để xây dựng một nhà máy mới. Lý do chính là khu vực này có chi phí cạnh tranh và gần với các khách hàng của Intel. Do nhiều quốc gia đã nhận thức được những lợi ích và tác động tích cực từ bên ngoài của đầu tư nước ngoài, đặc biệt của các doanh nghiệp sản xuất công nghệ hay trình độ cao như Intel, do đó cuộc cạnh tranh thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở nên ngày càng gay gắt.
Nhiều quốc gia đã đặt ra hàng loạt các biện pháp ưu đãi khác nhau như cắt giảm thuế, cung cấp đất có cơ sở hạ tầng miễn phí, tiền điện thấp, hay các chương trình đào tạo cho nhân viên.
Với một danh sách các địa điểm tiềm năng trong tay, nhóm lựa chọn địa điểm của Intel đã cân đo và so sánh những vấn đề kỹ thuật thiết yếu từ logistic và cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, ưu đãi tài chính cho đến khả năng của chuỗi cung ứng cũng như các loại rủi ro.
Ngoài ra, những lợi ích tiềm năng cho nền kinh tế địa phương một khi Intel xây dựng nhà máy ở đó cũng được ước tính. 5 Danh sách cuối cùng của nhóm lựa chọn địa điểm của Intel bao gồm Trung Quốc (Đại Liên), Ấn Độ (Chennai), Thái Lan (Amata Nakorn) và Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
Cuộc cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan
Vào giữa những năm 2000, Việt Nam đã nổi lên thành một ngôi sao đang lên ở châu Á trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài với vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, kế cận các tuyến hàng hải quan trọng qua Biển Đông, có thị trường hơn 80 triệu dân vào thời điểm bấy giờ, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai châu Á (chỉ sau Trung Quốc) và sắp gia nhập WTO.
Mỗi địa điểm trong danh sách lựa chọn cuối cùng đều có những điểm mạnh và điểm yếu.
Báo cáo của Fulbright cho biết, ông Blain Trendler, lãnh đạo bộ phận lựa chọn và phát triển địa điểm đầu tư toàn cầu nhận xét: Ấn Độ có tình hình chính trị không rõ ràng, Thái Lan bị nguy cơ thiên tai, còn các ưu đãi và miễn giảm của Trung Quốc thì không bằng so với Việt Nam.
Ngoài ra, có ít nhất hai lý do khác giải thích tại sao TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam đã vượt qua các vị trí tên tuổi khác để chiến thắng trong cuộc đua lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy ATM của Intel.
Đầu tiên, môi trường vĩ mô ổn định về chính trị và kinh tế là một điểm cộng rất lớn của Việt Nam. Đã có nhiều thành tựu quan trọng được ghi nhận kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, đặc biệt từ khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương năm 2001.
Thứ hai, những cam kết mạnh mẽ và hành động quyết liệt của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là của TP. Hồ Chí Minh, cho thấy rằng bất kỳ vấn đề nào phát sinh trước và trong khi nhà máy ATM hoạt động đều sẽ được giải quyết kịp thời và hiệu quả.
Việt Nam hành động quyết liệt
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã gửi thư cho Chủ tịch tập đoàn Intel trong chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, mời tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới này vào Việt Nam.
Năm 2005, ngay trong chuyến thăm lần đầu tiên sau chiến tranh của Thủ tướng Việt Nam sang Mỹ, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm mời gọi Intel vào Việt Nam khi thành phần phái đoàn bao gồm cả những lãnh đạo cao nhất của TP. Hồ Chí Minh, những người quyết tâm theo đuổi cơ hội và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Intel.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Quản lý (cũng là Trưởng Ban đầu tiên) của Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (Khu CNC) cho biết: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để thể hiện cam kết của mình. Khi ở California, chúng tôi được biết vị Chủ tịch của Intel đang đi công tác ở Washington D.C. Vì vậy chúng tôi quyết định ngay bay sang Thủ đô để gặp ông ấy”.
Ông Brian Krzanich, cựu Tổng Giám đốc tập đoàn Intel, trước đây là Phó Chủ tịch phụ trách Khối Chế tạo, Lắp ráp và Kiểm định, nói: “Từ ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi đã nhận được thái độ tiếp đón với câu hỏi như ‘Chúng tôi có thể làm gì cho quý vị?’ Phía Việt Nam thực sự mong muốn chúng tôi và chúng tôi nhận thấy vị Trưởng ban quản lý Khu CNC là một người có thể trả lời các câu hỏi của chúng tôi và có khả năng giải quyết vướng mắc nếu phát sinh”.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt, nếu chính phủ Việt Nam không có những biện pháp ưu đãi miễn giảm và các điều kiện thuận lợi, chắc chắn Intel sẽ không lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, quá trình đàm phán giữa Intel và Việt Nam cũng hoàn toàn không phải là một cuộc du ngoạn xuôi chèo mát mái. Đã có rất nhiều cuộc họp, thảo luận và đàm phán giữa Intel với các cơ quan cấp trung ương cũng như địa phương, tiến hành tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hàng loạt các vấn đề mới phát sinh đối với Việt Nam mà chưa có tiền lệ trước đây như ưu đãi, năng lượng, thuê đất hay đầu tư ra hay vào Việt Nam, khiến cho các cuộc đàm phán gần như lâm vào bế tắc.
Tuy nhiên, cả hai phía đã nỗ lực để tìm ra giải pháp, tạo dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác tương lai có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của IPV.
Ông Phạm Chánh Trực kể lại: “Đã diễn ra nhiều vòng đàm phán rất gian nan. Tôi nhớ là nhiều khi tôi phải bước ra khỏi phòng làm việc để điện thoại trực tiếp cho Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng [khi đó phụ trách chỉ đạo đàm phán liên quan tới dự án] để xin ý kiến chấp thuận vì tôi biết rất rõ là những vấn đề như vậy khó có thể giải quyết được ở cấp địa phương hay cả cấp bộ trong khi đòi hỏi phải có ý kiến giải quyết liền. Ngược lại nếu chúng tôi phải hỏi ý kiến theo đúng quy trình thủ tục thì chắc hắn các cuộc đàm phán sẽ thất bại”.
Và năm 2006, nhà máy Intel bắt đầu được xây dựng từ bãi đất trống. Tháng 11/2006, Intel thông báo mở rộng quy mô nhà máy ATM gấp ba lần lên 46.000 mét vuông cũng như tăng tổng mức đầu tư lên 1,04 tỷ USD tại lễ công bố và tiếp nhận giấy phép điều chỉnh đầu tư. Nhà máy ATM được đặt tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước.