Vẫn chỉ là con số âm

Để hiện thực hóa quyết tâm về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% số biên chế của tất cả các đơn vị.

van chi la con so am Tinh giản \'công bộc\'
van chi la con so am Ám ảnh biên chế

Tuy nhiên trên thực tế, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng được kì vọng. Cũng không khó để lý giải bởi chưa bao giờ tinh giản biên chế là việc dễ dàng. Chỉ giảm một người trong một cơ quan cũng khó, bởi đằng sau họ là một gia đình, là vấn đề số phận của con người cụ thể.

van chi la con so am
Ảnh minh họa.

Vì vậy, cắt ai, giảm ai là điều rất thận trọng. Không thể cắt giảm bừa bãi, cơ học. Thế nên mới có chuyện, nhiều bộ ngành địa phương khá đủng đỉnh trong công cuộc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Thậm chí, càng hô hào tinh giản biên chế thì biên chế lại càng phình to. Và kết quả của tinh giản lại là con số âm.

Vì sao biên chế không giảm. Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, cơ cấu tổ chức bộ máy của chúng ta có nhiều vấn đề, đó là lý do biên chế cứ thế tăng tịnh tiến bất chấp lệnh phải tinh giản biên chế của Bộ Chính trị.

Cụ thể: Trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, còn số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Đó là lý do khiến đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).

Chuyện vượt biên chế không chỉ xảy ra ở các bộ, ngành mà nhiều địa phương cũng không hề kém cạnh. Theo đó, có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong đó, có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như :Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa tới 45,68%, Bạc Liêu đến 51,46%...

Thi nhau thành lập đơn vị mới, chẳng kém cạnh trong việc xin thêm biên chế, đó là lý do từ năm 2015 đến ngày 31/12/2016, mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người.

Đáng nói là con số tăng này sẽ không dừng lại, vì thời điểm hiện tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế, như các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Đầu vào tăng như vậy, còn giảm biên chế thì được thực hiện ra sao? Bộ Nội vụ cho biết, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 (năm 2015 và năm 2016) là 17.694 người; trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 731 người; các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%). So với mục tiêu giảm ít nhất 3,34% biên chế trong hai năm đầu thực hiện Nghị quyết 39 thì còn xa mới đạt.

Điều đáng phải lưu tâm đó là con số 17.694 người được tinh giản kia liệu đã đúng đối tượng? Bởi Nghị định 108 của Chính phủ quy định rõ các trường hợp phải tinh giản biên chế nhưng thực tế, những người đã được tinh giản hầu hết sắp đến tuổi nghỉ hưu được vận động nghỉ sớm hơn một vài năm và thậm chí cả người nghỉ hưu cũng được tính là tinh giản…

Có đến 90,21% tổng số biên chế được tinh giản từ 2007 - 2011 thuộc đối tượng hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Cũng có nghĩa là, những cán bộ kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”, “đến công sở mà không biết mình làm gì” không đưa ra khỏi bộ máy được bao nhiêu!

Lý giải nguyên nhân khiến cho việc tinh giản biên chế không đạt yêu cầu đề ra, lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận, tâm lý ngại va chạm, nể nang, muốn giữ ổn định tổ chức biên chế của cơ quan cho đỡ phức tạp nên chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch, biện pháp thực hiện phù hợp, tích cực.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện không đúng chính sách tinh giản biên chế. Thế nên, đến thời điểm này, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn không có đề án tổng thể về sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đến năm 2021, không có phương án ngay từ đầu nên không có kế hoạch cụ thể về số lượng người cũng như không xác định được ai trong diện phải tinh giản, ai sẽ được giữ lại.

Trong khi đó Đề án vị trí việc làm - một giải pháp được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì hiện nay trở thành tấm “lá chắn” cho việc trì hoãn tinh giản biên chế.

Để công cuộc tinh giản biên chế không vỡ trận, Bộ Nội vụ nêu rõ: Từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 1,5% đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Các cơ quan chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3%. Tuy nhiên, với tốc độ và sự quyết tâm như cũ liệu công cuộc tinh giản có đạt được mục tiêu đề ra như kỳ vọng?

Đưa ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, “cần phải phân cấp, phân quyền cho cơ quan, đơn vị địa phương, phân cấp để ai làm sai, người đó chịu trách nhiệm chứ không phải khi làm sai “lôi” hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm. Bộ chỉ thẩm tra hậu kiểm.

Chính phủ, bộ, ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm là chưa đủ, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho rằng, nhất thiết phải đẩy nhanh xác định vị trí việc làm.

Phải đi theo quy trình từ chức năng đến nhiệm vụ, từ nhiệm vụ đến việc làm, và từ việc làm đẻ ra lao động. Đặc biệt phải khoán biên chế, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không để tình trạng xâu xé bầu sữa ngân sách bằng việc tăng biên chế một cách vô tội vạ như hiện nay.

Đặc biệt, phải có chế tài làm thế nào đó khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ khi mà người ta lợi dụng vị trí để trục lợi.

Theo đó trong công tác cán bộ phải rõ từng khâu một, từ giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, thừa cán bộ hay không cũng có những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Có như vậy biên chế mới không phình to và công cuộc giảm biên chế chẳng gian nan như hiện nay.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/van-chi-la-con-so-am-378729

/ Nguyên Khánh/daidoanket.vn