Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Cuộc xung đột kéo dài với Nga đang kéo theo những hệ lụy kinh tế khó lòng bù đắp được đối với Ukraine. Sau thời gian dài sống bằng nguồn viện trợ và những khoản trái phiếu phát hành khẩn cấp, Ukraine đang đứng trước nguy cơ “vỡ nợ”, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn hoặc sẽ khiến họ rơi vào cuộc khủng hoảng lâu dài.

1. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, với GDP giảm 30,3% vào năm 2022. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 26,6% và nợ công đạt xấp xỉ 78% GDP vào cuối năm 2022. Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) đã phải duy trì chính sách lãi suất cao để chống lạm phát, điều này càng hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Tính đến giữa năm 2023, tổng nợ công của Ukraine ở mức khoảng 125 tỷ USD, trong đó nợ nước ngoài chiếm một phần đáng kể. Các chủ nợ lớn bao gồm các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB, cũng như các tổ chức cho vay song phương như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Việc trả khoản nợ này đòi hỏi dự trữ ngoại tệ đáng kể, vốn đang chịu áp lực do doanh thu xuất khẩu giảm và chi tiêu quân sự tăng.

Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ -0
Các đối tác châu Âu tăng cường tài trợ vẫn không đủ để giúp Ukraine trang trải nợ nần.

Ngày 1/7/2024, tờ Economists đăng bài cho biết Ukraine sắp vỡ nợ do mất khả năng thanh toán những khoản nợ lớn đang tới gần. Theo bài báo thì các chủ nợ của Ukraine đã đồng ý hoãn trả nợ trước đó trong 2 năm. Tuy nhiên, lệnh hoãn thanh toán cho các chủ trái phiếu nước ngoài tư nhân sẽ kết thúc vào ngày 1/8 tới đây và đó chính là thời khắc vỡ nợ ở quốc gia nay. Nếu Ukraine vỡ nợ, điều này có thể làm suy yếu lòng tin của nhà đầu tư và sẽ là thảm họa cho quá trình phục hồi sau chiến tranh của Ukraine. Điều này có khả năng làm phức tạp thêm khả năng tiếp cận thị trường tài chính trong tương lai của Ukraine.

Cũng theo tờ Economics, Chính phủ Ukraine đã đề xuất một thỏa thuận với các chủ nợ của mình, theo đó sẽ giảm nợ của nước này xuống 60% giá trị hiện tại, trong khi các chủ nợ cho rằng 22% là hợp lý hơn. IMF, vốn chủ yếu được cấp vốn từ các nước phương Tây, đang ủng hộ Ukraine thì muốn đạt được thỏa thuận với Ukraine về việc xóa nợ, nhưng một thỏa thuận như thế với phần lớn các nhà đầu tư tư nhân là gần như không thể. Do đó, Ukraine cần một giải pháp tổng thể hơn để đối phó với nguy cơ vỡ nợ này.

2. Điểm mấu chốt để Ukraine không vỡ nợ ngay lúc này là những khoản hỗ trợ khẩn cấp. Mặc dù các đồng minh đã quyên góp số tiền lớn, nhưng phần lớn được thực hiện dưới hình thức vũ khí và tài trợ có mục tiêu thay vì tiền mặt. EU là nhà tài trợ lớn nhất với khoản vay 38 tỷ USD trong 3 năm tới nhưng cũng không thể rút ra để trả nợ ngay lập tức được.

Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ -0
Trái phiếu chiến tranh là lựa chọn tốt nhất cho Ukraine trong suốt thời gian qua.

Ước tính, Ukraine cần thêm 9,5 tỷ USD Mỹ trong năm nay để tài trợ cho các nỗ lực phục hồi quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, xây dựng lại nhà ở, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ số và công nghệ thông tin. Bộ Tài chính Ukraine đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ trái phiếu Euro về việc tái cấu trúc hay cụ thể là xóa một phần nợ nhằm giảm đi một phần gánh nặng.

Theo IMF, Ukraine sẽ đủ khả năng chi trả nợ nếu thực hiện tái cấu trúc triệt để. Nhưng, các chủ trái phiếu nghi ngờ nhận định này khi IMF cũng phải tìm cách xóa nợ cho Ukraine. Nếu không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc, Ukraine sẽ có 2 lựa chọn: sắp xếp gia hạn lệnh hoãn trả nợ hoặc vỡ nợ. Sự nghi ngờ của các nhà đầu tư tư nhân không chỉ cho thấy triển vọng tài chính của Ukraine không hề tốt mà còn bởi thực tế đối với những chủ nợ cho vay đối với một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh thì nó chỉ khả quan nếu như họ thắng.

3. Trong khi chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ chiến trường hoặc những nhà tài trợ thì cơ hội duy nhất của Ukraine là tìm cách giảm nợ hoặc tái cơ cấu từ các chủ nợ quốc tế. Năm 2020, Ukraine đã đàm phán thành công thỏa thuận tái cơ cấu nợ với các trái chủ, trong đó bao gồm việc gia hạn thời gian đáo hạn và giảm thanh toán lãi trái phiếu. Các biện pháp như vậy có thể mang lại sự cứu trợ ngắn hạn bằng cách giảm nghĩa vụ trả nợ ngay lập tức. Tiến sĩ Anders Aslund, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng việc tiếp tục tái cơ cấu nợ là rất quan trọng. Ông lưu ý: “Trong những trường hợp đặc biệt, các chủ nợ của Ukraine nên sẵn sàng xem xét một đợt tái cơ cấu khác để mang lại không gian thở cho nền kinh tế”.

Ukraine cần tiếp tục và có thể tăng cường hỗ trợ tài chính từ các đối tác quốc tế. Quỹ mở rộng năm 2022 của IMF đã cung cấp 5 tỷ USD cho Ukraine. Số tiền này rất quan trọng để hỗ trợ ngân sách chính phủ nhằm duy trì hoạt động bình thường. Các gói viện trợ bổ sung từ EU và Mỹ cũng rất cần thiết. Ông Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế phải tăng cường hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Quy mô của cuộc khủng hoảng đòi hỏi sự hỗ trợ chưa từng có".

Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ -0
Các nhà tài trợ cho Ukraine cũng đang đau đầu tìm giải pháp.

4. Bên cạnh đó thì cải cách cơ cấu để nâng cao hiệu quả kinh tế và quản trị đất nước cũng rất quan trọng. Ukraine đã đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như cải cách ngành năng lượng và các biện pháp chống tham nhũng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Cải cách có thể thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế. Bà Elena Rybak, nhà kinh tế học của Trường Kinh tế Kiev, lập luận: "Sự bền vững lâu dài phụ thuộc vào những cải cách sâu rộng. Cải thiện môi trường kinh doanh và tính độc lập của cơ quan tư pháp sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư”.

Đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu có thể giúp ổn định nền kinh tế. Nông nghiệp vẫn là một lĩnh vực thế mạnh của Ukraine nhưng có tiềm năng về công nghệ thông tin và các dịch vụ khác. Những nỗ lực duy trì và mở các tuyến thương mại mới, đặc biệt là thông qua thị trường EU, là rất quan trọng. Ông Mykola Horbachov, Chủ tịch Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine tuyên bố: "Chúng tôi cần đảm bảo các tuyến xuất khẩu không bị gián đoạn và khám phá các thị trường mới. Điều này sẽ mang lại nguồn ngoại tệ rất cần thiết".

Những điều chỉnh này sẽ đảm bảo giữ được uy tín của Ukraine trong mắt các chủ nợ và nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là với các nước EU và G7, những nhà tài trợ chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hiện nay. Ông Yuriy Gorodnichenko, giáo sư kinh tế tại UC Berkeley, nói: “Các bảo đảm quốc tế có thể giảm đáng kể phí bảo hiểm rủi ro, khiến việc vay mượn trở nên hợp lý hơn đối với Ukraine”.

5. Để hiểu Ukraine có thể giải quyết tình trạng khó khăn hiện tại như thế nào, sẽ rất hữu ích nếu nhìn vào các quốc gia khác đã phải đối mặt với những thách thức tương tự. Ví dụ, trong quá khứ, Argentina đã trải qua nhiều lần tái cơ cấu và kinh nghiệm của nước này mang lại những bài học quý giá trong đàm phán và cải cách kinh tế. Nếu Ukraine thành công trong việc đảm bảo một đợt tái cơ cấu nợ khác, cùng với việc tăng cường hỗ trợ tài chính và cải cách kinh tế thành công, nước này có thể ổn định nền kinh tế. Điều này sẽ liên quan đến việc giảm chi phí trả nợ, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu.

Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ -0
Cuộc xung đột với Nga khiến nền kinh tế Ukraine kiệt quệ.

Nếu Ukraine chỉ thành công một phần trong nỗ lực của mình - nhận được một số khoản giảm nợ nhưng không đủ hỗ trợ tài chính hoặc không thực hiện được những cải cách quan trọng - thì nước này có thể phải đối mặt với căng thẳng kinh tế kéo dài. Kịch bản này sẽ liên quan đến chi phí trả nợ tiếp tục cao, tốc độ phục hồi kinh tế chậm và các cuộc khủng hoảng thanh khoản định kỳ tiềm ẩn.

Trong trường hợp xấu nhất, Ukraine có thể không đảm bảo được việc giảm nợ và hỗ trợ tài chính đầy đủ, dẫn đến vỡ nợ. Điều này sẽ có những tác động nghiêm trọng, bao gồm mất khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, suy thoái kinh tế hơn nữa và tiềm ẩn bất ổn xã hội. Đáng buồn là đó cũng chính là những gì đang diễn ra tại Argentina, quốc gia từng giàu có bậc nhất Nam Mỹ hơn 20 năm trước.

Nguy cơ vỡ nợ vẫn là mối lo ngại lớn đối với Ukraine, nhưng với các biện pháp chiến lược, sẽ có những con đường để quản lý và giảm thiểu rủi ro này. Đảm bảo giảm nợ, tăng cường hỗ trợ tài chính quốc tế, thực hiện cải cách cơ cấu, thúc đẩy xuất khẩu và tận dụng các bảo lãnh quốc tế đều là những thành phần quan trọng của một chiến lược toàn diện. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ rất quan trọng trong việc giúp Ukraine vượt qua thời điểm đầy thử thách này và đảm bảo sự ổn định kinh tế lâu dài. Nhưng, có một điểm mà không nhà kinh tế nào có thể bỏ qua đó là: Ukraine cân phải kết thúc sớm cuộc chiến tranh mà mình đang mắc phải.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/ukraine-doi-mat-voi-nguy-co-vo-no-i737601/

Tử Uyên / antg.cand.com.vn