Sắp đến rằm tháng Giêng nhưng tủ lạnh của nhiều gia đình vẫn chứa nhiều thực phẩm mua từ trước Tết. Bác sĩ dinh dưỡng đã đưa ra khuyến cáo về nguy cơ ngộ độc đến từ việc sử dụng đồ ăn để lâu.
Đứng bần thần trước tủ lạnh chứa nhiều loại thực phẩm lưu từ trước Tết, chị Nguyễn Kim Khánh (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Không còn tâm lý tích trữ, nhưng Tết là phải đủ nguyên liệu làm cỗ thắp hương mỗi ngày nên tôi vẫn phải mua với số lượng bằng một nửa năm trước. Vừa mua xong thì lại được biếu giò, thịt đà điểu, cá hồi, chưa kể 5 chiếc bánh chưng... nên tủ lại ngập thức ăn. Mới hôm qua, tôi vừa phải bỏ đi chiếc giò me vì mở ra thấy hơi nhớt bề mặt".
Chuẩn bị đến rằm tháng Giêng, chị Khánh băn khoăn nên lấy đồ trong tủ ra chế biến hay mua đồ tươi mới. Đồ trong tủ vẫn nhiều nhưng toàn thì thà giò chả. "Cũng chán lắm rồi, bỏ đi thì tiếc mà giữ lại không biết lúc nào mới ăn tới", người phụ nữ này chia sẻ.
Tủ lạnh của nhiều gia đình lưu nhiều thực phẩm mua từ trước Tết (ảnh minh họa).
Còn gia đình anh Trần Thanh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa xảy ra tranh giữa các thành viên về việc giữ hay bỏ đồ lưu trữ trước Tết. Anh Thanh cho hay: "Hai chiếc bánh chưng bày trên ban thờ, để quên đến hôm qua mới hạ xuống, mốc xanh, mốc vàng. Tôi vừa cho vào túi định mang đi bỏ thì bị ông bà mắng vì lãng phí. Nói thế nào cũng không được, tôi đành để lại vì sợ ông bà giận dỗi, nhưng lại lo lỡ ăn mà các cụ đau bụng thì mệt".
Theo BS Nguyễn Thị Song Thao, Khoa Nội tiêu hóa, BV Hữu nghị, sau dịp tết Nguyên đán, nhiều gia đình vẫn còn dư thừa thực phẩm, nếu bảo quản không đúng cách đặc biệt trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay có thể là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Việc chế biến nấu đi nấu lại nhiều lần các đồ ăn, nhất là đồ ăn chế biến sẵn như giò chả, đồ ăn nhiều gia vị, đồ ăn hết hạn sử dụng cũng là nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm.
"Khi các loại thực phẩm bánh chưng, mứt, bánh kẹo… có thể xuất hiện nấm mốc, chảy nước, màu sắc biến đổi hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nên bỏ", BS Thao cho biết.
Còn theo BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, ước tính gần 40% loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, mức độ khác nhau nên gây bệnh khác nhau. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng... Độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận... Do đó, thực phẩm bị nấm mốc thì không nên ăn.
BS Thao cho hay tùy vào từng nguyên nhân gây ra ngộ độc, các dấu hiệu sẽ khác nhau. Và các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sớm sau một vài giờ hoặc muộn trong vài ngày sau khi ăn.
Trường hợp ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy kèm theo các biểu hiện mất nước như khô môi, khát nước hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.
Ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó cần đưa người bệnh đến viện ngay khi có các dấu hiệu như đi đại tiện ra máu và chất nhầy lẫn trong phân. Người bệnh ngoài đau bụng dữ dội còn thấy đau ở các vị trí như đau ngực, đau họng, đau cổ, xuất hiện các dấu hiệu tụt huyết áp, khó thở, loạn nhịp tim, đau ngực… Nhiều người bệnh còn có biểu hiện nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, nói ngọng hoặc gặp tình trạng liệt cơ, co giật, chóng mặt, đau đầu…
Trước băn khoăn của nhiều người về việc bánh chưng bị mốc có nên ăn hay bỏ, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nhiều gia đình tồn bánh chưng từ trong Tết, sẽ dễ bị mốc ở phần góc cạnh, do vậy có thể cắt bỏ chỗ mốc và ăn các phần còn lại.
Lưu ý, nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Vì vậy, nên cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, sau đó đem bánh hấp hoặc rán kỹ trước khi ăn. Trường hợp bánh có phần mốc lan ra quá nhiều, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong, nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.