Việc hợp tác với các ngân hàng quốc tế và sở tại có thể là chìa khóa tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho các dự án lớn.
Sáng kiến Vành đai và Con đường trên bộ, trên biển của Trung Quốc. Đồ họa: Economist. |
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hợp nhất Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21 thành Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đây được coi là một đại dự án có quy mô khổng lồ ngay cả với tiêu chuẩn của Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế bằng cách điều chỉnh chiến lược phát triển của các nước dọc Vành đai và Con đường, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng chung thông qua tham vấn và hợp tác.
Bản "Tầm nhìn và hành động để thúc đẩy việc hợp nhất Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21" do chính phủ Trung Quốc ban hành vào ngày 28/3 /2015 cho thấy Vành đai và Con đường bao gồm hai tuyến quan trọng. "Vành đai" chính là tuyến thương mại bắt đầu từ Tây An tới khu vực phía tây Trung Quốc, qua các quốc gia Trung Á tới châu Âu. "Con đường" chính là tuyến giao thương hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, xuyên Ấn Độ Dương tới châu Phi, qua Địa Trung Hải trước khi kết thúc ở châu Âu.
Tiến sĩ Cao Yuanzheng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, cho biết khi sáng kiến Vành đai và Con đường được thực hiện, khu vực này sẽ đóng góp tới 35% GDP cho toàn thế giới. Khu vực Vành đai và Con đường cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới cùng với Bắc Mỹ và Tây Âu, góp phần thay đổi bản đồ kinh tế thế giới trong tương lai.
Tiến sĩ Zhang Xuechuan, phó cục trưởng Cục Tiền tệ II, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), cho biết từ tháng 7/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết ký các thỏa thuận hợp tác thực tiễn nhằm tăng cường liên kết với các quốc gia thuộc Vành đai và Con đường, trong đó cam kết cung cấp hơn 600 tỷ nhân dân tệ (gần 91 tỷ USD) hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Cho tới nay, đã có tổng cộng 76 dự án lớn và hơn 270 thỏa thuận thực tiễn đã được Trung Quốc ký kết và thực hiện với các nước thuộc Vành đai và Con đường.
Để có nguồn vốn thực hiện các dự án lớn trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, từ năm 2014, Trung Quốc đã hợp tác với nhiều nước thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh, với số vốn pháp lý lên tới 100 tỷ USD. AIIB đến nay đã cung cấp 1,7 tỷ USD dưới hình thức các khoản vay cho 9 dự án tại các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Zhang, các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường ước tính cần tới 1,5 nghìn tỷ USD, một số tiền khổng lồ mà Trung Quốc không thể tự mình gánh vác nổi. Năng lực tài chính của Trung Quốc cũng là một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngại về sáng kiến này.
Bà Zhang cho hay ngoài số vốn đầu tư được chính phủ Trung Quốc huy động từ các ngân hàng quốc doanh của nước này, Bắc Kinh sẽ giải quyết vấn đề số vốn khổng lồ cho các dự án thuộc Vành đai và Con đường bằng cách kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng như ký kết các thỏa thuận đầu tư với các ngân hàng ở nước sở tại để huy động tiền thực hiện dự án.
Các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường cũng có thể kêu gọi đầu tư từ lĩnh vực tư nhân thông qua hình thức phát hành trái phiếu Vành đai và Con đường tại các thị trường tiềm năng.
Tiến sĩ Xu Hongcai, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), cho hay AIIB không phải là đơn vị cấp vốn duy nhất cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà có thể huy động vốn từ các tổ chức khác, trong đó có các ngân hàng quốc tế.
Trung Quốc sẽ hỗ trợ chính phủ, công ty và tổ chức tài chính có chỉ số tín nhiệm cao ở các nước Vành đai và Con đường thực hiện các dự án lớn bằng cách phát hành trái phiếu nhân dân tệ trong lãnh thổ những nước này. Các tổ chức tài chính và công ty Trung Quốc có đủ điều kiện cũng được phép phát hành trái phiếu nhân dân tệ và ngoại tệ ở nước ngoài.
Trụ sở ngân hàng AIIB ở Bắc Kinh. Ảnh: ChinaNews. |
Trung Quốc tin rằng hoạt động tài chính bền vững cho các dự án Vành đai và Con đường không phải đến từ sự tài trợ của chính phủ, mà phải được xây dựng dựa trên cơ chế tín dụng, vận hành theo định hướng thị trường, lấy lợi nhuận lâu dài làm trọng.
Fang Ke, phụ trách bộ phận đầu tư của ngân hàng AIIB, cho rằng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Vành đai và Con đường sẽ gần như không sinh ra lợi nhuận, nhưng chúng thúc đẩy các hoạt động sinh lời khác. "Một USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể tăng 20 xu cho GDP về dài hạn nhờ thúc đẩy sản xuất", ông Fang dẫn nhận định của Viện Toàn cầu McKinsey.
Ông Fang khẳng định bất cứ dự án nào được thực hiện trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đều phải trải qua quá trình đấu thầu minh bạch, không kèm theo các điều kiện ràng buộc hay bất cứ hạn chế nào. Bất cứ nước nào đủ khả năng đều có thể tham gia đấu thầu thực hiện những dự án này, ngay cả khi họ không phải là thành viên của AIIB.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Học viện Tài chính thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng năng lực tài chính quốc tế của Trung Quốc hiện nay vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang là nguồn cấp vốn chủ lực cho các dự án thuộc Vành đai và Con đường, nhưng lãi suất của các ngân hàng này vẫn ở mức 4-6%, cao hơn nhiều so với lãi suất ưu đãi cho các dự án cơ sở hạ tầng của nhiều cường quốc khác.
Trung Quốc tới nay vẫn chưa đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng nhiều chuyên gia nước này tin rằng ý tưởng này hoàn toàn khả thi và sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều nước trên thế giới, trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi và đàm phán để đạt được sự nhất trí chung.
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-huy-dong-nghin-ty-usd-cho-vanh-dai-va-con-duong-the-nao-3646026.html