Trump có thể thua trong ván cờ Triều Tiên

Chiến lược Triều Tiên của Trump xuất phát từ niềm tin rằng căng thẳng có thể được giải quyết thông qua người quyền lực nhất ở Bình Nhưỡng.

Nhưng 19 tháng sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc ở một nút thắt duy nhất: Washington sẵn sàng nới lỏng lệnh trừng phạt đến đâu và Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân tới mức độ nào.

Giờ đây, Trump đang đứng trước nguy cơ thất bại trong "ván cờ Triều Tiên", khi Kim hôm 1/1 cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ sớm tung ra một "vũ khí chiến lược mới" mà giới chuyên gia cho rằng có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Các kênh đàm phán ngoại giao giữa quan chức hai nước đã không hoạt động suốt nhiều tháng qua. Kim Jong-un, thất vọng vì bế tắc, đã công khai từ chối lời gợi ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo từ Trump, cho rằng mọi hội nghị sẽ chỉ là vô nghĩa khi Mỹ không từ bỏ quan điểm cũ.

trump co the thua trong van co trieu tien
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2/2018. Ảnh: Reuters.

"Dù bạn cho rằng quyết định gặp thượng đỉnh Kim Jong-un của Trump là khôn ngoan đến đâu, thực tế là nó đã diễn ra và không mang lại kết quả gì", Evans Revere, cựu quan chức phụ trách chính sách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận. "Chúng ta đã nhận được lời tái khẳng định từ lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên rằng họ quyết tâm đi nhanh nhất có thể trên con đường hạt nhân. Họ đang nhắc lại và củng cố những lời đe dọa cũ. Điều đó cho thấy rốt cuộc không có gì thay đổi".

Với Trump, căng thẳng gia tăng nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên là bằng chứng cho thấy Kim đang nắm quyền điều khiển bàn cờ mà Tổng thống Mỹ lâu nay vẫn miêu tả như thắng lợi ngoại giao của ông.

Với hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn vào nửa cuối năm 2019 cùng thông báo dài dịp năm mới về định hướng chính sách trong thời gian tới, lãnh đạo Triều Tiên đã cho thấy rõ rằng ông sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng năng lực phòng thủ quốc gia dù trước đó một năm, ông tuyên bố chuyển sang tập trung phát triển kinh tế.

Vài tuần gần đây, những tiếng nói phản đối Trump, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và các thượng nghị sĩ từ cả hai đảng, đã chỉ ra sai lầm trong phương pháp tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời thúc giục ông có các hành động bổ sung, từ gia tăng biện pháp trừng phạt đến theo đuổi một thỏa thuận tạm thời với Kim.

Đến nay, Trump vẫn kiên quyết đi theo con đường đã chọn, khẳng định mối quan hệ cá nhân giữa ông với Kim vẫn tích cực, đồng thời kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên không nên làm tổn thương niềm tin đó.

"Tôi có mối quan hệ rất tốt với Kim Jong-un", Trump nói tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida hôm 31/12. "Tôi biết ông ấy đang gửi đi những thông điệp về món quà Giáng sinh và tôi hy vọng quà Giáng sinh của ông ấy sẽ là một chiếc bình đẹp, không phải thứ gì khác".

Nhưng giới phân tích cho rằng với bối cảnh chính hỗn loạn ở Mỹ như hiện nay, khi Trump đối mặt nguy cơ bị bãi nhiệm và một cuocojj đua vào Nhà Trắng đầy gian nan, chính quyền Kim Jong-un có lẽ đang cảm thấy phân vân.

"Có nhiều lý do khiến họ tin rằng đàm phán với Trump hiện tại là vô ích", Suzanne DiMaggio, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận xét.

Trump từng được cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo hồi năm 2016 rằng Triều Tiên sẽ là thách thức ngoại giao lớn nhất của ông. Dường như hiểu rõ điều này, Trump nhanh chóng đưa chiến lược đối phó với Triều Tiên thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Sau khi tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và không ngừng tung ra những lời đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên vào năm 2017, Trump bất ngờ đề xuất gặp Kim vào tháng 6/2018 ở Singapore dù lúc bấy giờ, không có thỏa thuận chi tiết nào được đưa ra tại các cuộc gặp cấp cao hay cấp làm việc giữa đôi bên.

Sau ba ngày họp thượng đỉnh, hai lãnh đạo ký một văn bản dài nửa trang với 4 gạch đầu dòng chính, trong đó có cam kết "cùng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Trump gọi đây là một bước đột phá lớn, nhấn mạnh Triều Tiên "không còn mối đe dọa nào nữa". Nhưng theo một cố vấn chính sách ngoại giao thuộc đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ, Tổng thống Trump "đã hiểu sai hoàn toàn những gì ông thu được từ Singapore".

Các nhà phân tích cho hay Triều Tiên lâu nay luôn quả quyết rằng họ sẽ chỉ từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa nếu Mỹ rút chiếc ô phòng thủ hạt nhân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời xóa các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Khoảng cách về nhận thức giữa hai bên trở nên rõ ràng khi các phái đoàn ngoại giao hai bên không thể thống nhất một định nghĩa về "phi hạt nhân hóa" sau hội nghị ở Singapore.

Dù không đạt được nhiều tiến bộ, hai lãnh đạo vẫn đồng ý gặp nhau lần hai tại Hà Nội vào tháng 2/2018. Nhưng các cuộc gặp cấp làm việc trước hội nghị không thể đưa ra một lộ trình phi hạt nhân hóa. Đàm phán đổ vỡ sau khi Trump yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân, đổi lại họ sẽ được xóa bỏ các biện pháp trừng phạt. Kim, trái lại, muốn Trump đi trước một bước bằng cách xóa bỏ một số lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt kinh tế Triều Tiên.

Theo giới quan sát, đội ngũ đàm phán của Trump đã thất bại trong việc truyền thông điệp tới Triều Tiên theo cách hiểu của ông. "Phía Triều Tiên tin rằng người duy nhất họ có thể đạt được thỏa thuận là Trump", Christopher R. Hill, cựu quan chức dưới thời tổng thống Bush, từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên với Triều Tiên, đánh giá.

Những nỗ lực nhằm nối lại đàm phán từ sau hội nghị ở Hà Nội không thành công, bất chấp việc Trump hồi tháng 6/2018 bắt tay Kim tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ).

Nhiều nhà lập pháp và chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định Mỹ hiện ở vào vị thế yếu hơn so với hai năm trước, bởi Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, trong khi chính quyền Trump đã hủy một số cuộc tập trận quan trọng với Hàn Quốc nhằm chiều lòng Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên cũng đã suy yếu sau một thời gian các bên cải thiện quan hệ trên bán đảo.

Nhà phân tích Jung Pak từ Viện Brookings cho hay kết quả hiện nay khiến bà tin rằng lãnh đạo Triều Tiên thực tế chưa bao giờ nghiêm túc về việc chuyển hướng chính sách khỏi mục tiêu phát triển hạt nhân.

"Mỹ và Triều Tiên về cơ bản đã bất đồng trong các mục tiêu chiến lược. Không bức thư, cuộc điện đàm hay hội nghị thượng đỉnh nào có thể thay đổi điều này", Pak nói.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

trump co the thua trong van co trieu tien Ông Kim Jong-un cáo buộc Mỹ "như băng đảng xã hội đen"

Nhà lãnh đạo tuyên bố Triều Tiên không thể chạy theo thành quả kinh tế và hạnh phúc mà đánh đổi an ninh cho tương ...

trump co the thua trong van co trieu tien Nhà Trắng cảnh báo Triều Tiên

Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O\'Brien cảnh báo Nhà Trắng sẽ có biện pháp đáp trả nếu Triều Tiên trao "quà" bằng cách ...

trump co the thua trong van co trieu tien Triều Tiên tổ chức hội nghị trung ương đảng

Triều Tiên tổ chức hội nghị trung ương đảng khi hạn chót về vấn đề phi hạt nhân hóa mà nước này đặt ra với ...

/ vnexpress.net