- Sau vụ trại hè Làng Háo Hức, nhiều phụ huynh giật mình từng 'giao trứng cho ác'
- Chi 8 - 9 triệu đồng gửi con đi trại hè, cha mẹ nhận về nước mắt và nỗi ám ảnh
Phía sau những bài cảm nhận “vui lắm, tuyệt vời lắm” là nước mắt, sự im lặng và nỗi bất an của những đứa trẻ từng trải qua trại hè không như mơ.
Chị Trần Minh Ngọc (37 tuổi, phường Kim Liên, Hà Nội) vẫn nhớ như in mùa hè năm ngoái, khi lần đầu tiên cho con gái 8 tuổi tham gia trại hè nội trú ở ngoại thành Hà Nội.
Thời điểm đó, chị vừa chuyển công việc, chồng đi công tác dài ngày, con nghỉ hè ở nhà một mình không yên tâm. Sau nhiều lần đắn đo, chị quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình trại hè kéo dài 7 ngày, được giới thiệu với nội dung hấp dẫn như học kỹ năng sinh tồn, rèn luyện tính kỷ luật, sự tự lập.
"Trước hôm đi, con không mấy hào hứng, tôi phải động viên, dỗ dành rất nhiều. Cùng với đó, nhờ các cô tư vấn trấn an rằng hầu hết trẻ đi lần đầu đều như vậy, chỉ cần vài ngày là sẽ quen, nên tôi cũng vơi phần nào lo lắng", chị Mai nhớ lại.
Trong thời gian con tham gia, ban tổ chức thường xuyên cập nhật hoạt động. Thấy ảnh con gái cười đùa, cùng các bạn vui chơi, thậm chí còn có cả bài cảm nhận với nội dung “con rất thích trại hè, con học được nhiều điều và mong được quay lại năm sau”, nữ phụ huynh hoàn toàn yên tâm. Thế nhưng, khi đón con trở về, chị sớm nhận ra mọi chuyện không giống như những gì được thể hiện qua hình ảnh.

Từ vụ việc trại hè ở Làng Háo Hức, phụ huynh thận trọng khi cho con tham gia trại hè. (Ảnh minh hoạ: Làng Háo Hức)
"Ngay đêm đầu tiên về nhà, con ôm mẹ khóc nức nở. Con kể tối nào cũng nhớ nhà đến mức phải chui vào chăn khóc lén, không muốn đi tắm vì nhà vệ sinh quá bẩn. Có hôm bị ngã trầy chân, con giơ tay xin băng cá nhân nhưng không ai để ý", chị Mai kể.
Nữ phụ huynh cho rằng, việc ép trẻ phải thể hiện cảm xúc tích cực trong khi các em đang mệt mỏi, sợ hãi hay không hài lòng là điều không thể chấp nhận. “Đó không phải là bài học về kỹ năng sống, mà là cách dạy trẻ nói dối cảm xúc của mình để làm hài lòng người lớn”, chị Mai nói.
Sau sự việc, chị Mai không phản ánh gì với ban tổ chức vì cho rằng mọi chuyện qua rồi, con về nhà an toàn, làm lớn cũng không giải quyết được gì. Tuy nhiên, nữ phụ huynh dứt khoát nói không với các chương trình trại hè nội trú.
Ở hoàn cảnh tương tự, chị Lê Tú Anh (40 tuổi, phường Ba Đình, Hà Nội) cũng từng cho con trai 10 tuổi tham gia trại hè nội trú kéo dài một tuần. Thời điểm đó, chị lựa chọn vì tin rằng môi trường năng động, nhiều hoạt động ngoài trời sẽ giúp con mạnh dạn và bớt phụ thuộc vào thiết bị điện tử.
"Trước ngày kết thúc trại hè, tôi thấy trên fanpage của đơn vị tổ chức đăng rất nhiều bài cảm nhận của các con. Bài nào cũng khen đồ ăn ngon, thầy cô nhiệt tình, bạn bè thân thiện, ai cũng tỏ ra hào hứng và vui vẻ mong được quay lại. Tôi đọc mà lòng nhẹ nhõm, nghĩ đã chọn đúng môi trường cho con trải nghiệm hè", chị Tú Anh kể.
Thế nhưng vài ngày sau, khi nói chuyện với con kỹ hơn, chị bắt đầu thấy bất ổn. Con trai kể từng bị bạn cùng nhóm trêu chọc, có hôm trời nắng gắt nhưng vẫn phải tham gia hoạt động ngoài trời suốt buổi. Một lần bị ướt quần áo nhưng không được thay ngay khiến con bức bối. Một số bữa trưa, đồ ăn nguội, thiếu món, nhưng khi phản ánh với các thầy cô tình nguyện viên thì bị phớt lờ hoặc cho là "khó chiều".
Con trai chị cũng cho biết, trước khi kết thúc trại, tất cả học sinh đều được yêu cầu viết bài cảm nhận, nhưng nội dung bắt buộc phải theo hướng tích cực. Thầy cô gợi ý sẵn các cụm từ như “rất vui”, “đáng nhớ”, “học được nhiều điều”. Những em không làm theo sẽ bị nhắc nhở, bắt viết cho đến khi đạt yêu cầu.
"Con tôi kể ban đầu không biết viết gì, vì thật lòng con không thích lắm, nhưng do sợ thầy cô, nên chép lại bài của bạn bên cạnh, miễn là xong để được về", chị Tú Anh nói. Kể từ đó, nữ phụ huynh trở nên dè dặt mỗi khi ai đó nhắc đến các chương trình trại hè.
Theo chị, gửi con về quê nghịch đất cát còn an toàn hơn là để con tham gia nơi mà bề ngoài được tô vẽ quá mức, trong khi cảm xúc thật của trẻ lại bị bỏ qua.

Cảnh báo rủi ro tâm lý cho trẻ em khi đi trại hè thiếu an toàn. (Ảnh minh hoạ: Làng Háo Hức)
Cô Nguyễn Thị Thanh Diệp, giáo viên mầm non tại Hà Nội cho rằng việc trẻ bị yêu cầu viết cảm nhận “vui, thích, tuyệt vời” trong khi trải nghiệm thật lại ngược lại là dạng áp lực tâm lý rất đáng lo ngại.
“Có thể người lớn nghĩ đơn giản đó là bài viết nhỏ, để tổng kết hoạt động, để đẹp lòng phụ huynh, nhưng với trẻ, đó là một bài học méo mó về cách thể hiện cảm xúc: không được phép buồn, không được chán, càng không được nói thật nếu điều đó không đúng với mong đợi của người lớn”, nữ giáo viên nói.
Theo cô Diệp, việc ép trẻ ghi những điều không thật, đôi khi không chỉ làm tổn thương cảm xúc tạm thời, mà còn gieo mầm cho sự giấu giếm, ngại bộc lộ, dần khiến trẻ mất kết nối với cảm xúc thật của chính mình. Trẻ cần được khuyến khích nói thật, cảm nhận thật, kể cả đó là sự buồn chán, hụt hẫng hay khó chịu.
“Khi trẻ bị buộc phải nói ngược với cảm xúc bên trong, lâu dần các em sẽ không còn tin vào cảm xúc thật của chính mình, dẫn đến sự đứt gãy trong kết nối nội tâm. Về lâu dài, điều đó ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, ứng xử và cả sức khỏe tâm lý”, nữ giáo viên nói và nhấn mạnh, một chương trình thực sự có giá trị với trẻ là nơi các em được sống đúng với cảm xúc của bản thân, được chia sẻ cả điều tích cực lẫn tiêu cực và được người lớn lắng nghe nghiêm túc.
https://vtcnews.vn/trai-he-am-anh-nhung-tre-bi-ep-ghi-cam-nhan-tuyet-voi-ar954316.html