Mỗi ngày nhân viên y tế TP HCM 2 lần thăm khám cho 1.189 người tự cách ly tại nhà, chính quyền địa phương, công an chịu trách nhiệm nếu để họ rời nơi cư trú.
Ngày 15/2, TP HCM có tổng cộng 2.901 người bị cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú, trong đó 1.189 người còn thời gian theo dõi.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, quận hiện có 528 trường hợp phải tự cách ly - nhiều nhất TP HCM, đa số là lao động, chuyên gia Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Một trong những khu vực cách ly tại quận Bình Tân. Ảnh: Hà An. |
Quận đã lập 130 tổ giám sát cộng đồng với thành phần là trưởng khu phố, cán bộ y tế và công an khu vực để theo dõi. Các tổ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cũng như động viên người tự cách ly chịu khó ở nhà, không đến nơi đông người trong 14 ngày. Ngoài ra, quận phân công trung tâm y tế hướng dẫn về mặt y tế, phòng dịch cho người tự cách ly tại nhà. Mỗi ngày bộ phận y tế gọi điện thoại 3 lần kiểm tra sức khỏe, cung cấp nước rửa tay, khẩu trang.
Trường hợp cần thiết cán bộ y tế sẽ xuống đo thân nhiệt, nếu nghi nhiễm bệnh sẽ chuyển tới khu cách ly tập trung đóng tại bệnh viện quận, có 50 giường. Các bệnh viện trên địa bàn quận cũng có những khu cách ly với tổng số 60 giường bệnh. "Quận Bình Tân chưa phát hiện người tự cách ly nghi nhiễm bệnh", ông Thinh nói.
Trả lời VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM) cho biết, việc giám sát người tự cách ly không được đi khỏi nơi cư trú như nhà ở, khách sạn thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương, còn cơ quan y tế chỉ thực hiện vai trò giám sát về y tế. Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu giám sát không tốt và để người tự cách ly rời khỏi nơi cư trú.
Cụ thể, ngành y tế thành phố đưa danh sách những người tự cách ly về quận, phường, xã. Chính quyền địa phương bố trí nhân sự theo dõi và giám sát họ. Cơ quan y tế phường, xã sẽ đến nơi ở của người tự cách ly để đo nhiệt độ hàng ngày nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi ngày nhân viên y tế thăm khám 2 lần người tự cách ly tại nơi ở. Việc tiếp tục theo dõi hay kéo dài thời gian giám sát phụ thuộc vào sức khỏe người bị cách ly. "Những người tự cách ly sau 14 ngày nếu không có dấu hiệu phát hiện bệnh sẽ được đi lại như bình thường", bà Mai nói.
Diễn tập đưa bệnh nhân nghi nhiễm đến cách ly tại bệnh viện dã chiến TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Theo quy định của Bộ Y tế, những người cần cách ly tại nhà dù không có triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) nhưng có yếu tố liên quan người mang bệnh, hoặc nghi nhiễm. Đó là người sống cùng nhà, nơi lưu trú, làm việc với người đã xác định bệnh hoặc nghi nhiễm; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi.
Những người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với người bệnh, hoặc nghi nhiễm trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào; ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với người bệnh hoặc nghi nhiễm...
Họ còn là người nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc bắt buộc cách ly tại cơ quan y tế).
Bộ Y tế khuyến cáo thời gian cách ly tối đa 14 ngày tính từ ngày người đó tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người nghi nhiễm; hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Việc cách ly kết thúc khi người bị nghi ngờ được chẩn đoán không mắc bệnh.
Sở Y tế TP HCM thống kê, đến ngày 15/2, thành phố có 3 người nhiễm bệnh nCoV (2 trường hợp khỏi bệnh và xuất viện); 32 ca nghi ngờ nay có kết quả âm tính.
Có 51 người nhập cảnh từ Trung Quốc được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của quận huyện, trong đó 22 người hết thời gian theo dõi và hiện 29 người còn đang theo dõi. Có 16 trường hợp cách ly tại bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi. |
Hữu Nguyên - Hà An