Thế cô độc của Iran tại Liên Hợp Quốc

Lãnh đạo Iran nhận được nhiều cảm thông khi tới họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, nhưng năm nay, mọi thứ đã rất khác. 

Tại kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ năm ngoái, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tỏ ra tự tin khi lên án mạnh mẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các buổi họp báo và phỏng vấn trên truyền hình.

Họ cáo buộc ông chủ Nhà Trắng "không đáng tin" khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) giữa Iran và 6 cường quốc, thậm chí cho rằng Trump "có tư tưởng phát xít" và "thái độ bài ngoại". Phần lớn lãnh đạo châu Âu đứng về phía Tehran trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận và lên kế hoạch đưa ra một hệ thống giao thương với Iran mà vẫn có thể né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Phát biểu của Tổng thống Rouhani là một thắng lợi chính trị với ông, khi diễn văn của Trump bị cười nhạo, còn Iran nổi lên như một quốc gia thực dụng, tiếp tục tuân thủ thỏa thuận JCPOA", Dina Esfandiary, chuyên gia về hạt nhân tại đại học Kings London, bình luận về thành công của Tehran tại kỳ họp Đại Hội đồng LHQ năm ngoái.

the co doc cua iran tai lien hop quoc
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters.

Nhưng bối cảnh năm nay dường như rất khác, bình luận viên David E. Sanger của NYTimes nhận định. Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zarif bỗng trở về thế phòng thủ. Họ khẳng định Iran không có bất cứ mối liên hệ nào với vụ tấn công hai nhà máy dầu ở Arab Saudi hôm 14/9.

Nhưng ngay cả cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người tham gia đàm phán thỏa thuận JCPOA 4 năm trước và trở thành "lá chắn" vững chắc cho Iran, cũng cho rằng tuyên bố này khó tin. Theo ông, Tehran đứng sau sự cố "theo cách này hay cách khác".

Zarif, người thường trút giận lên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, giờ đây lại "chĩa mũi dùi" vào châu Âu, cáo buộc các nước này "thất bại từng bước một" trong nỗ lực bù đắp tổn thất cho Iran trước các lệnh cấm vận của Mỹ.

"Họ nghĩ rằng họ cần Mỹ bật đèn xanh", Zarif nói với các phóng viên hôm 22/9, chỉ ra rằng Anh, Pháp và Đức đã lừa dối Iran, bởi họ không sẵn sàng thực hiện những cam kết có thể làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Trump.

Tình thế của Iran trở nên phức tạp hơn sau khi Anh, Pháp và Đức tối 23/9 ra tuyên bố chung đổ lỗi cho nước này trong vụ tấn công hai nhà máy dầu Arab Saudi, đồng thời kêu gọi Tehran chấp nhận đàm phán về những vấn đề mở rộng trong chương trình hạt nhân của nước này.

Tuyên bố này cho thấy ba cường quốc châu Âu giờ đây có chung lập trường với Mỹ về cả vụ tấn công nhà máy dầu lẫn việc đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới mà Trump từng tuyên bố là "có lợi hơn" cho Mỹ. Động thái này được cho là sự thay đổi đáng kể trong quan điểm cảm thông với Iran của châu Âu.

"Đã đến lúc Iran chấp nhận một khuôn khổ đàm phán dài hạn về chương trình hạt nhân của họ, cũng như các vấn đề an ninh và khu vực, trong đó có chương trình tên lửa", tuyên bố chung của ba nước châu Âu có đoạn.

Năm ngoái, ba tháng sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, Iran tới Đại Hội đồng LHQ với nỗ lực chia rẽ Mỹ và các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, những gì họ nhận được từ châu Âu năm nay chỉ là "sự ủng hộ chính trị hạn chế mang tính hình thức nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân", Ellie Geranmayeh, chuyên gia Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định.

Theo Geranmayeh, giới chức Iran nhận ra rằng các nước châu Âu không thể mang lại bất cứ hỗ trợ kinh tế đáng kể nào. Ngay cả sáng kiến cấp hạn mức tín dụng trị giá 15 tỷ USD cho Iran mà Pháp đề xuất, về cơ bản cũng chỉ là một khoản thanh toán tạm ứng cho các lô dầu của Iran và có khả năng thất bại khi không được Mỹ "bật đèn xanh". Washington khả năng cao sẽ không nhất trí với sáng kiến, trong khi các ngân hàng châu Âu cũng không sẵn sàng thực hiện điều này do lo ngại bị Mỹ trừng phạt.

Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook hôm qua tuyên bố Washington sẽ gây sức ép để Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Tehran, đồng thời kêu gọi hội đồng kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với nước này trước khi nó hết hạn vào tháng 10/2020. Theo ông Hook, châu Âu cũng nên trừng phạt các thực thể và cá nhân liên quan đến chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran.

Quan chức này bày tỏ hy vọng LHQ và các nước châu Âu sẽ hành động sau khi có kết quả điều tra vụ tấn công nhà máy lọc dầu ở Arab Saudi. Trước đó, Iran được cho là "có lối thoát" khi Trump hôm 26/8 đề nghị gặp mặt lãnh đạo nước này và đàm phán song phương mà không cần điều kiện tiên quyết để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, việc Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhà máy dầu đã làm tiêu tan khả năng này, giới chức Mỹ cho biết.

the co doc cua iran tai lien hop quoc
Khói bốc lên từ nhà máy dầu tại thành phố Abqaiq của Arab Saudi sau vụ tấn công hôm 14/9. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 22/9 cho hay vụ tấn công cũng đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải chuyển ưu tiên từ việc sắp xếp cuộc gặp "hòa giải" giữa Tehran và Washington sang nỗ lực ngăn chặn xung đột quân sự. "Cuộc gặp giữa Trump và Rouhani không phải chủ đề hàng đầu. Vấn đề ưu tiên hiện nay là liệu chúng ta có thể quay lại lộ trình giảm leo thang căng thẳng hay không", ông Le Drian nói.

Ngoại trưởng Zarif cũng cho biết quyết định trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran của Trump hôm 20/9, khiến các tổ chức quốc tế gần như không thể làm ăn với ngân hàng này, đã "khép lại cánh cửa đàm phán" giữa hai nước.

Theo bình luận viên Sanger, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhận thức rõ rằng vụ tấn công nhà máy dầu, sự cố mà ông đổ lỗi cho Iran trước khi đưa bất cứ bằng chứng nào, đã làm thay đổi căn bản cục diện các cuộc đàm phán. Ông cuối cùng cũng có cơ hội ngăn chặn nỗ lực của châu Âu trong việc vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt với Iran.

Pompeo hôm 22/9 tiếp tục chỉ trích Iran khi cáo buộc chính quyền nước này "khát máu và muốn chiến tranh". Ông cho rằng khi các lệnh trừng phạt tác động sâu sắc hơn, Iran sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong các nỗ lực can thiệp, gây ảnh hưởng ở Trung Đông.

Theo Ngoại trưởng Zarif, trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ vào ngày 25/9, Tổng thống Rouhani sẽ ra thông báo về "Liên minh Hy vọng" và mời nhiều nước gia nhập, gồm cả các quốc gia Arab theo dòng Hồi giáo Sunni vốn coi Iran như kẻ thù, vì mục đích "tự do hàng hải và an ninh năng lượng". Tuy nhiên, đề xuất này được cho là khó có thể thu hút được các nước.

Sự cô độc và bế tắc của Iran năm nay tương phản rõ rệt với những gì diễn ra tại kỳ họp Đại Hội đồng LHQ năm ngoái. Khi đó, Ngoại trưởng Zarif và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini đã công bố kế hoạch của châu Âu về một hệ thống thương mại nhằm vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Trump cũng không quá tập trung vào vấn đề Iran trong kỳ họp năm ngoái, có thể do lo ngại các thành viên khác của Hội đồng Bảo an cho rằng ông rút Mỹ khỏi JCPOA chủ yếu bởi đây là thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Iran từ hồi đầu năm cũng bắt đầu vi phạm một số điều khoản trong JCPOA, bằng cách vượt giới hạn sản xuất vật liệu hạt nhân và tăng mức độ làm giàu uranium. Tổng thống Rouhani cam kết những động thái này đều được lên kế hoạch cẩn thận và dễ dàng đảo ngược, cho tới khi tình hình có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, Iran càng làm tới, thỏa thuận càng trở nên mong manh, Sanger nhận định.

Ánh Ngọc (Theo NY Times)

the co doc cua iran tai lien hop quoc Ba nước châu Âu cáo buộc Iran tấn công nhà máy dầu Arab Saudi

Lãnh đạo Anh, Đức và Pháp ra tuyên bố chung cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công nhà máy dầu Arab Saudi, kêu gọi ...

the co doc cua iran tai lien hop quoc Iran "khoe" dàn máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ

Iran vừa cho trưng bày tại thủ đô Tehran một dàn máy bay không người lái (UAV), chủ yếu của Mỹ bị các lực lượng ...

the co doc cua iran tai lien hop quoc Mỹ bị tố chơi xấu, không cấp visa cho đoàn tổng thống Iran dự họp LHQ

Giới chức Iran tố cáo, phía Mỹ đã từ chối cấp visa cho nhiều thành viên thuộc phái đoàn tháp tùng tổng thống nước này ...

/ vnexpress.net