Chủ tịch Nvidia – công ty chip hiện có giá trị lớn nhất thế giới mới đây chia sẻ rằng nếu ông là một sinh viên 20 tuổi, ông sẽ chọn học Khoa học Vật lý.
Thông tin được Chủ tịch Nvidia Jensen Huang chia sẻ trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây. Theo đó, ông Jensen Huang tiết lộ ông đã tốt nghiệp đại học ở tuổi 20 và nếu là “Jensen trẻ”, ông sẽ tập trung vào các lĩnh vực Khoa học Vật lý hơn là ngành Khoa học Phần mềm.
Theo tiểu sử trên LinkedIn, ông Jensen Huang nhận bằng kỹ sư điện tại Đại học Bang Oregon năm 1984 và bằng thạc sĩ kỹ thuật điện Đại học Stanford năm 1992.
Vào tháng 4 năm 1993, ông Huang đồng sáng lập Nvidia cùng các kỹ sư Chris Malachowsky và Curtis Priem trong một bữa ăn tại nhà hàng Denny’s ở San Jose, California.
Sau hơn 30 năm dưới sự lãnh đạo của ông Huang với tư cách là CEO, nhà sản xuất chip này hiện đã trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Nvidia cũng trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD vào tuần trước, vượt qua cả những gã khổng lồ như Apple và Microsoft.
CEO Nvidia Jensen Huang trong chuyến công tác Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)
Về lý do chọn các môn Khoa học Vật lý, ông Jensen Huang tin rằng việc học ngành này là yếu tố then chốt cho làn sóng trí tuệ nhân tạo tiếp theo, được gọi là “AI vật lý” (Physical AI) hoặc “AI lý luận” (Reasoning AI), vốn đòi hỏi sự hiểu biết về các định luật vật lý, lực ma sát và mối quan hệ nhân - quả.
Khoa học Vật lý là một nhánh lớn của khoa học tự nhiên, chuyên nghiên cứu các hệ thống không sống và các hiện tượng vật chất, bao gồm các lĩnh vực vật lý, hóa học, thiên văn học và khoa học trái đất.
Quan điểm của ông Jensen Huang cũng cho thấy sự giao thoa ngày càng rõ nét giữa trí tuệ nhân tạo và các ngành Khoa học Vật lý, một xu hướng đang làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực công nghiệp và khoa học.
Các chip GPU của NVIDIA đã trở thành "xương sống" cho các mô hình AI có tầm ảnh hưởng hiện nay, trong đó có cả ChatGPT (Ảnh: Reuters)
AI hiện đang được ứng dụng để tăng tốc mô phỏng, phân tích dữ liệu thực nghiệm, khám phá quy luật vật lý mới và tự động hóa quá trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như vật liệu học, vật lý lượng tử, nghiên cứu khí hậu và năng lượng hạt nhân.
Các kỹ thuật học máy như học có giám sát, học không giám sát và học tăng cường đang giúp AI xử lý dữ liệu nhiễu, tối ưu thí nghiệm và rút ngắn chu trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa AI và vật lý cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm yêu cầu về dữ liệu lớn, tài nguyên tính toán khổng lồ và nguy cơ thiên lệch mô hình. Những hạn chế này đang dần được giải quyết nhờ các nghiên cứu liên ngành và sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia.
Tuyên bố của vị tỷ phú giàu thứ 6 thế giới này không chỉ là lời khuyên dành cho thế hệ sinh viên mới, mà còn là một định hướng chiến lược cho ngành AI toàn cầu, nơi mà trí tuệ nhân tạo không chỉ xử lý dữ liệu, mà còn học cách hiểu và tương tác với thế giới vật lý một cách thông minh hơn.