Mỹ và EU lên án lực lượng an ninh Myanmar sau khi Liên Hợp Quốc thông báo ít nhất 18 người bị bắn chết trong biểu tình cuối tuần qua.
"Chúng tôi lên án hành động bạo lực ghê tởm nhằm vào người dân của lực lượng an ninh Myanmar và sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm đối với những người chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đăng Twitter sau biểu tình bạo lực ở Myanmar hôm 28/2.
"Chúng tôi kiên quyết sát cánh cùng những người dân Myanmar dũng cảm và khuyến khích tất cả quốc gia lên tiếng ủng hộ ý chí của họ", Blinken cho biết thêm.
Một người biểu tình bị thương đang được di chuyển trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Dawei, Myanmar hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar, xác nhận khối sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt để đáp trả.
"Bạo lực sẽ không mang lại tính hợp pháp cho việc lật đổ bất hợp pháp chính phủ được bầu dân chủ ở Myanmar", Borrell cho biết trong một tuyên bố. "Khi xả súng vào những người dân không có vũ khí, lực lượng an ninh đã coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và phải bị xử lý trách nhiệm".
Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính và quyết định giữ lại một số viện trợ phát triển cho quốc gia Đông Nam Á này. Biện pháp trừng phạt dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.
Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh. Những người tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.
"Chúng tôi cực lực lên án bạo lực leo thang nhằm vào các cuộc biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội dừng ngay việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình ôn hòa", Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho hay.
Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.
Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng từ khi bị bắt. Phiên tòa xét xử bà sẽ diễn ra trong hôm nay, song luật sư của Suu Kyi cho biết ông vẫn không thể gặp lãnh đạo này.