Ngày đẫm máu nhất kể từ khi nổ ra đảo chính Myanmar: 18 người chết

Ít nhất 18 người chết và nhiều người bị thương khi cảnh sát Myanmar nổ súng vào người biểu tình phản đối chính quyền quân sự hôm 28/2.

“Lực lượng cảnh sát và quân đội đã đối đầu với các cuộc biểu tình ôn hòa, sử dụng cả vũ lực sát thương lần vũ khí ít sát thương. Theo thông tin đáng tin cậy mà Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc có được, ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương", Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho hay.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính hôm 1/2, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng cầm quyền tại Myanmar với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Ngày đẫm máu nhất kể từ khi nổ ra đảo chính Myanmar: 18 người chết - 1
Người biểu tình Myanmar dùng khiên khi đối đầu với cảnh sát. (Ảnh: Reuters)

Hàng trăm nghìn người biểu tình trên toàn lãnh thổ Myanmar đổ xuống đường tuần hành phản đối chính quyền quân sự kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra.

Trong các cuộc trấn áp hôm 28/2, cảnh sát nổ súng tại nhiều khu vực ở Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar sau khi việc dùng lựu đạn gây choáng, hơi cay và bắn chỉ thiên không thể giải tán đám đông biểu tình.

Hình ảnh đăng tả trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình đội mũ bảo hiểm bằng nhựa, đeo khiên đối mặt với cảnh sát và các binh sỹ quân đội được vũ trang đầy đủ.

Tờ Global New Light of Myanmar khẳng định "chắc chắn sẽ có hành động nghiêm khắc chống lại những người biểu tình bạo loạn". Tờ này nhấn mạnh quân đội trước đó đã kiềm chế, nhưng sẽ không bỏ qua cho “đám đông vô chính phủ”.

Hình ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy người biểu tình ở Yangon đưa những người bị thương khỏi hiện trường, để lại những vết máu trên vỉa hè.

Một bác sỹ giấu tên cho biết một người đàn ông chết sau khi được đưa tới bệnh viện với một vết đạn trong ngực.

Trong số 5 người thiệt mạng ở Yangon có kỹ sư Internet Nyi Nyi Aung Htet Naing. Trước đó một ngày, Naing đăng dòng trạng thái trên Facebook với nội dung "Cần bao nhiêu cái chết để Liên hợp quốc hành động".

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác và gửi một tín hiệu rõ ràng tới quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử và ngừng đàn áp.

Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền nhấn mạnh người dân Myanmar có quyền tụ tập ôn hòa và đòi hỏi khôi phục dân chủ.

“Việc sử dụng vũ lực chết người đối với người biểu tình phi bạo lực không bao giờ có thể được bào chữa theo quy tắc nhân quyền quốc tế”, bà Shamdasani cho hay.

Cảnh sát và người phát ngôn hội đồng quân sự cầm quyền Myanmar không trả lời điện thoại khi được liên lạc.

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing trước đó khẳng định chính quyền đang đi theo con đường dân chủ và cảnh sát đã sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu.

Biểu tình ở Myanmar vẫn tiếp tục ngay sau khi hàng trăm người bị bắt Biểu tình ở Myanmar vẫn tiếp tục ngay sau khi hàng trăm người bị bắt

Hôm 27/2, những người phản đối chế độ quân sự ở Myanmar tiếp tục tuần hành, dù lực lượng an ninh đã bắt giữ hơn ...

/ vtc.vn