Trong 3 tháng vừa qua, các bệnh viện tại TP.HCM liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu, trong đó trên 20 ca tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất.
Đại diện Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, sau khi nhận được báo cáo của bệnh viện Nguyễn Tri Phương về những ca ngộ độc rượu Methanol gần đây, ban đã nhanh chóng xác minh thông tin những trường hợp ngộ độc, đồng thời kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của rượu đã sử dụng. Sau khi có kết quả xác minh sẽ công bố thông tin để người dân được biết.
Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra Methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa Methanol hoặc cồn Methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật….)
Khi bị ngộ độc rượu, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như hưng phấn, kích thích, cảm xúc không ổn định. Triệu chứng nặng hơn có thể là thở yếu, thở khò khè, giảm thân nhiệt, hôn mê, đặc biệt là trụy tim mạch dẫn đến tử vong.
Có 2 loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (Methanol).
Ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) bao gồm ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.
Với ngộ độc rượu cấp tính, ở giai đoạn đầu, người bệnh có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động. Giai đoạn sau có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ; có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp.
Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài khiến người bệnh sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.
Ngộ độc rượu Metylic (Methanol) xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa Methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt.
Ngộ độc rượu có thể nguy hiểm đến tính mạng. |
Trường hợp ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc rượu, người tiêu dùng cần chú ý tới nguồn gốc xuất xứ, thành phần có trong loại rượu đang uống. Tuyệt đối không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Người tiêu dùng cũng không uống rượu khi không rõ nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở ý tế gần nhất để xử lý kịp thời.
BẢO ANH
Nghe tin giả uống rượu chống COVID-19, 44 người Iran tử vong |
Dân Philippines ồ ạt nhập viện do ngộ độc rượu chứa methanol mừng Giáng sinh |
5 người chết vì ngộ độc rượu ở đám cưới |