Global Times khoe tên lửa đạn đạo diệt hạm trong biên chế quân đội Trung Quốc khi Mỹ cùng lúc điều ba tàu sân bay tới châu Á.
"Với việc triển khai đồng loạt ba tàu sân bay tới châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm cách thể hiện với khu vực và cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân mạnh nhất, có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc đồn trú tại đây và tiến hành chính trị bá quyền của họ", Lý Khiết, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, ngày 14/6 nói với Global Times, tờ báo thuộc People\'s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuyên bố được Lý Khiết đưa ra trong bối cảnh ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang đồng loạt được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương. Đây là lần đầu trong gần ba năm qua hải quân Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay tuần tra các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Trung Quốc có thể chống lại điều này bằng cách tăng cường sẵn sàng chiến đấu và tổ chức các cuộc tập trận, cho người Mỹ thấy rằng Trung Quốc có khả năng và quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ", ông Lý nói.
Global Times còn dẫn thông tin cho rằng ngoài tàu chiến, máy bay và tên lửa tiêu chuẩn, quân đội Trung Quốc còn sở hữu nhiều loại vũ khí được mệnh danh "sát thủ tàu sân bay" như tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung DF-21D và tên lửa đạn đạo DF-26 có thể phóng tới Guam. "Các tên lửa này có thể tấn công tàu mặt nước cỡ trung bình tới lớn với tốc độ rất cao, khó bị đánh chặn", tờ báo viết.
Các tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D và DF-26 được Trung Quốc phát triển và biên chế gần đây, song dường như chưa tiến hành các cuộc thử nghiệm để đánh giá độ tin cậy trên thực tế. Giới chuyên gia quân sự quốc tế cũng cho rằng những hạn chế trong hệ thống thu thập thông tin trinh sát, kết nối dữ liệu theo thời gian thực của Trung Quốc khiến các tên lửa này rất khó đánh trúng được mục tiêu liên tục di chuyển trên biển như tàu sân bay.
Ngoài khoe tên lửa diệt hạm, Lý Khiết còn bày tỏ hoài nghi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tàu sân bay Mỹ, trong bối cảnh cả ba chiến hạm này từng có thủy thủ nhiễm nCoV. Việc các tàu phải nằm cảng vì Covid-19 đã khiến Mỹ không có tàu sân bay nào hoạt động ở tây Thái Bình Dương trong hơn hai tháng.
"Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc cả nước quay lại làm việc, các tàu sân bay được cử ra tiền tuyến. Quân đội Mỹ chỉ quan tâm liệu chúng có được triển khai hay không, không tính đến việc chúng đã sẵn sàng chiến đấu hay chưa. Tình huống này tiềm ẩn nguy cơ đợt bùng phát Covid-19 khác bên trong các tàu sân bay Mỹ", Lý cảnh báo.
Số lượng tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện tại một khu vực nhất định luôn bị giới hạn do chúng luân phiên được bảo dưỡng, tham gia huấn luyện hoặc tuần tra ở các vùng biển khác nhau.
Đợt triển khai cùng lúc ba nhóm tác chiến tàu sân bay tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ được coi là động thái bất thường, nhằm phô diễn uy lực của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng quanh nguồn gốc nCoV, dự luật an ninh Hong Kong và động thái quân sự hóa các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Nguyễn Tiến (Theo Global Times)
https://vnexpress.net/bao-trung-quoc-doa-dap-tra-ba-tau-san-bay-my-4115787.html
Donald Trump tung đòn "sát thương", Mỹ - Trung ngập vào khủng hoảng mới
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng lún sâu vào khủng hoảng khi mà 2 cường quốc mâu thuẫn trên nhiều vấn đề, như đại dịch Covid-19 ... |
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích quân sự hóa Biển Đông khi hội đàm Tập Cận Bình
Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông trong chuyến thăm Bắc ... |