- Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã qua đời
- Lời khai đầu tiên của nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
- Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gục ngã trong lúc phát biểu, nghi bị bắn
Nhắc đến Shinzo Abe là nhắc đến vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản với chính sách Abenomics nổi tiếng. Phía sau Abenomics là hình ảnh một chính khách với nhiều cống hiến lớn lao, nhiều dấu ấn quan trọng, và đặc biệt là nhiều tình cảm quý mến dành cho Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất
Ngày 20/11/2019 đánh dấu ngày làm việc thứ 2.887 của ông Shinzo Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, và cũng đánh dấu ngày ông trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử xứ sở mặt trời mọc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, là con trai thứ hai trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Mẹ ông, Yoko Kishi, là con gái của cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, cha ông, Shintaro Abe, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Ông tốt nghiệp khoa khoa học chính trị, Đại học Seikei Tokyo tháng 3/1977 và sau đó bắt đầu học chính trị tại trường Đại học Nam California.
Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng thời trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Mặc dù vậy, một năm sau, ông từ chức vì lý do sức khỏe. Cuối năm 2012, ông trở lại chính trường và chính thức nắm quyền Thủ tướng lần thứ 2, với cam kết sẽ hồi sinh nền kinh tế Nhật bản sau 2 thập kỷ trì trệ, củng cố quân đội và sửa đổi Hiến pháp.
“Chính trị không nằm ở chỗ một người giữ chức bao nhiêu ngày, mà ở những gì người đó đạt được. Tôi đã cống hiến hết mình mỗi ngày để thực hiện những lời tôi đã hứa với người dân”, ông Abe từng nói. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đồng thời là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ hai trong số các nhà lãnh đạo của G7, chỉ sau Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nhận định về những đóng góp của ông Abe, ông Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại tổ chức tư vấn Tình báo Teneo có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho rằng: "Nhiệm kỳ của ông Abe đã biến Nhật Bản trở thành một vùng đất của ổn định chính trị, kể cả khi các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến khác đang đối diện với những chính phủ yếu kém, ngắn hạn và không được lòng dân".
Tình cảm chân thành đối với Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của ông Abe. Thủ tướng Abe là người có công vun vén, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản. Trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói: “Tôi vô cùng vui mừng đón tiếp chuyến thăm Nhật bản của ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, người bạn thân thiết sang thăm Nhật Bản. Tôi rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Tôi đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm sau khi tái cử Thủ tướng".
Trong các diễn đàn quốc tế hay các hội nghị lớn, Thủ tướng Abe đều gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam nếu có thể. Việc Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản 5/2016 và G20 tổ chức tại Osaka vào cuối tháng 6/2019 đã khẳng định ông luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Và có lẽ, ít có nhà lãnh đạo nước ngoài nào thăm và "quen" nhiều lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Abe. Không chỉ các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên thăm Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Abe Shinzo, mà trong hơn 8 năm qua, ông cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm chính thức Việt Nam nhiều nhất. Lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2006, chỉ 2 tháng sau khi ông nhậm chức. Lần thứ hai sau đúng 1 tháng kể từ lúc tái nhiệm.
Dấu ấn mang tên "Abenomics"
Khi ông Abe đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang khó khăn về kinh tế sau nhiều năm trì trệ. Ông nhanh chóng thực hiện một cuộc đại thử nghiệm kinh tế mang tên Abenomics, với 3 mũi tên chính là gói nới lóng tiền tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Times vào tháng 4/2014, ông Abe đã chia sẻ: "Tôi là một người yêu nước. Tôi nghĩ rằng sẽ không có chính trị gia nào không yêu nước cả. Vì tôi là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cứ bận tâm đến những lời chỉ trích như vậy, làm sao tôi có thể bảo vệ tính mạng của người dân".
"Khi tôi nhậm chức, về ngoại giao và an ninh quốc phòng, cũng như kinh tế, Nhật Bản đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. Chính sách kinh tế mà tôi đang thực hiện hiện nay là chiến lược tăng trưởng, bao gồm nới lỏng tài chính triệt để, chính sách tiền tệ linh hoạt và khuyến khích đầu tư tư nhân", ông Abe chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Và dù kể từ cuối năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới có dấu hiệu chững lại, song vẫn không thể phủ nhận những thành tựu khởi nguồn từ chính sách này.
Mike Green, một chuyên gia về Nhật Bản tại châu Âu cho biết: "Mặc dù các chính sách của ông Abe không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhưng thành tích tổng thể của ông đã bù đắp được cho những thiếu sót đó. Ông đã không hoàn thành hết mọi điều mà Nhật Bản cần, nhưng ông đã hoàn thành nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua".
Về đối ngoại, ông Abe được coi là người đi đầu trong nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản trên bản đồ ngoại giao hiện đại, đồng thời định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Australia, hay một số nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á... Và phải thừa nhận rằng, vai trò nổi bật của ông Abe Shinzo trong những “điểm nhấn” này giúp ông trở thành chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế trong khoảng một thập kỷ qua.