- Hà Nội: Đề xuất phân làn cứng tách riêng ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi
- Có nên giới hạn tốc độ phương tiện qua khu đô thị, trung tâm thương mại?
Sáng nay, 8/8, bước sang ngày thứ ba Sở GTVT Hà Nội thí điểm tổ chức phân làn riêng biệt cho các phương tiện trên đường Nguyễn Trãi. Ghi nhận cho thấy, vào giờ cao điểm sáng nay, dòng phương tiện cơ bản đã đi ổn định nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ do lưu lượng phương tiện cao.
Không nên làm kiểu “đánh trống bỏ dùi”
Trục đường Nguyễn Trãi sáng 8/8, phần lớn ô tô đã đi đúng làn đường quy định, chỉ còn một số xe máy vẫn đi vào làn ô tô. Trong tháng đầu thí điểm tổ chức phân làn (6/8 đến 6/9), lực lượng chức năng cơ bản nhắc nhở để thay đổi ý thức của người dân.
Phần lớn người dân đều ủng hộ việc phân làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi cũng như mở rộng ra các tuyến đường khác trên địa bàn Thủ đô. Tuy vậy, phần đa đều mong muốn, Sở GTVT và các ngành chức năng làm triệt để việc phân làn cho phương tiện, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” như thời gian trước đây.
Lực lượng CSGT thường trực để duy trì phân làn trên đường Nguyễn Trãi vào sáng 8/8 |
Anh Vũ Hữu Lợi ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ việc phân làn riêng biệt trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường có lưu lượng phương tiện rất cao vào giờ cao điểm, trong khi đường rộng 5-6 làn nhưng ô tô, xe máy, xe buýt cứ lưu thông hỗn độn, rất mất ATGT. Tôi thấy ít nơi còn để tình trạng giao thông hỗn độn, ô tô-xe máy giành nhau đường như vậy”.
Phần đa các chủ phương tiện đã có ý thức chấp hành, nhất là ô tô, còn một lượng nhỏ xe máy vẫn lưu thông vào làn ô tô |
Còn anh Đặng Trần Hoàng Dương ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội nêu ý kiến: “Việc phân làn riêng biệt cho các loại hình phương tiện lưu thông nhẽ ra Hà Nội phải thực hiện từ lâu rồi. Tôi rất mong TP Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng làm triệt để, đưa vào quy định và xử phạt chứ không chỉ thí điểm một vài tháng rồi lại bỏ. Rồi từ tuyến Nguyễn Trãi nhân rộng ra tất cả các tuyến phố đủ điều kiện như Xã Đàn, Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân…tạo ra một nếp sống văn minh đô thị, người dân có ý thức hơn trong khi tham gia giao thông”.
Thời gian đầu thí điểm phân làn, lực lượng chức năng sẽ chủ yếu nhắc nhở để người dân thay đổi thói quen và ý thức |
Sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, xem xét mở rộng các tuyến phố
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Trần Hữu Bảo cho hay, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng làn ô tô, xe máy, xe buýt nhằm thử nghiệm, tìm kiếm phương án tổ chức giao thông tối ưu.
Nhiều người dân ủng hộ việc phân làn phương tiện và mong muốn mở rộng ra nhiều tuyến đường khác |
Ông Trần Hữu Bảo khẳng định, đây mới chỉ là thí điểm, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, khắc phục những phát sinh mới trên tuyến đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, đồng thời, áp dụng với những tuyến đường khác nếu hiệu quả.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, việc phân làn là rất cần thiết. Trong giai đoạn ý thức người dân chưa tốt, chưa có thói quen lưu thông đúng làn, nên áp dụng dải phân cách cứng. Khi ý thức được cải thiện lại có thể điều chỉnh sử dụng phân cách mềm bằng vạch sơn liền.
Cũng theo ông Tân, không những phân làn tuyến Nguyễn Trãi mà Sở GTVT Hà Nội nên nghiên cứu mở rộng phân làn ra nhiều tuyến phố khác có đủ điều kiện để dần hình thành một thói quen văn minh hơn trong khi tham giao thông.
Thực tế ngay sau khi lắp đặt dải phân cách cứng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng không cần thiết, không hiệu quả. Một phần nguyên nhân dẫn đến những nhận định này do việc phân làn mới được áp dụng, khiến người dân bỡ ngỡ.
Nhưng mặt khác, Sở GTVT Hà Nội cũng cần đánh giá nhanh tình hình, xem xét tính khả thi của dải phân cách từng đoạn, thiếu đồng bộ trên toàn tuyến như hiện nay để có điều chỉnh sớm, phù hợp ngay từ những ngày đầu tiên cưỡng chế các dòng phương tiện đi đúng luật, đúng làn.
"Từ năm 2010, Sở GTVT Hà Nội đã lắp đặt dải phân cách cứng để phân luồng phương tiện cưỡng bức trên một số tuyến phố như Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì…
Tuy nhiên, đến năm 2015, Sở GTVT thu hồi dải phân cách cứng cưỡng bức, từ đó việc phân làn phương tiện trên các tuyến phố cũng dần bỏ"