Petrovietnam kiến nghị việc lựa chọn nhà thầu tiếp tục thực hiện theo pháp luật dầu khí

Góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung nội dung nêu tại khoản 2, Điều 3 của Dự thảo Luật Đấu thầu theo hướng: việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật dầu khí.

Hoạt động dầu khí (tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí) là các hoạt động có tính đặc thù và nhiều rủi ro (về địa chất, an toàn môi trường, biến động thị trường, công nghệ, địa chính trị…). Các công trình dầu khí ngoài biển được lắp đặt độc lập hoặc theo cụm nhưng xa bờ và các căn cứ dịch vụ/hậu cần, công tác quản lý và vận hành phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết biển khắc nghiệt, có nhiều yếu tố ngẫu nhiên nguy hiểm như sóng, gió bão, dòng chảy, thủy triều, nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí và cả những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của các chủ thể thực hiện hoạt động dầu khí không mang tính kỹ thuật, kinh tế.

Bãi cảng thi công chế tạo của PTSC/Ảnh minh họa

Petrovietnam cho biết, trong những năm qua, việc áp dụng quy định liên quan trong Luật Đấu thầu (số 61/2005/QH11, số 43/2013/QH13), Luật Dầu khí (số 18-L/CTN ngày 6/7/1993 và các sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008) và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành của các văn bản luật tương ứng đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để các nhà đầu tư trong lĩnh vực khâu đầu (được gọi là nhà thầu theo Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí). Người Điều hành trong Hợp đồng dầu khí (sau đây gọi tắt là Người điều hành) tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí (sau đây gọi tắt là nhà thầu phụ) theo các quy trình được phép áp dụng đảm bảo kịp thời triển khai hoạt động dầu khí theo chương trình công việc và dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Hợp đồng dầu khí, góp phần không nhỏ để thực hiện hoạt động dầu khí một cách an toàn cũng như cho sự phát triển của ngành Dầu khí trong lĩnh vực khâu đầu, đảm bảo kế hoạch sản lượng khai thác Chính phủ giao hàng năm, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Cũng theo Petrovietnam, quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu dầu khí trong các hợp đồng dầu khí luôn có nội dung liên quan đến nguyên tắc và thủ tục trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí với các nội dung chính như:

Đối với các gói thầu có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng một ngưỡng giá trị nhất định trong từng hợp đồng dầu khí (giá trị này tùy thuộc vào loại hoạt động dầu khí (hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển, khai thác, thu dọn), mức độ phức tạp của khu vực triển khai hoạt động dầu khí), nhà thầu dầu khí/Người điều hành được quyền tự quyết định trong việc tổ chức lựa chọn nhà cung cấp phù hợp.

Đối với các gói thầu có giá trị lớn hơn ngưỡng giá trị đã được xác định, nhà thầu dầu khí/Người điều hành đều phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà cung cấp và phải trình các bên tham gia hợp đồng dầu khí phê duyệt. Theo quy định của hợp đồng dầu khí, Petrovietnam sẽ có ý kiến đối với các nội dung bao gồm: danh sách mời thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá thầu và kiến nghị trao thầu.

Trong bất kỳ trường hợp lựa chọn nhà thầu phụ cung cấp hàng hóa và dịch vụ, nhà thầu/Người Điều hành đều phải tuân thủ: (i) Kế hoạch đấu thầu tổng thể các gói thầu được Ủy ban quản lý thông qua trên cơ sở Chương trình công việc và ngân sách hàng năm đã được phê duyệt theo quy định của hợp đồng dầu khí; (ii) Quy trình mua sắm nội bộ của Người điều hành, được xây dựng phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí và thông lệ dầu khí quốc tế, quy định của công ty mẹ của nhà thầu dầu khí (phần lớn là các công ty nước ngoài để dễ dàng kiểm soát tính tuân thủ). Quy trình mua sắm nội bộ của Người điều hành được Ủy ban quản lý của hợp đồng dầu khí xem xét, phê duyệt ngay từ cuộc họp đầu tiên của Ủy ban quản lý sau khi hợp đồng dầu khí có hiệu lực. Nội dung cũng như các bước thực hiện của quy trình mua sắm phải đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản của công tác đấu thầu (cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí và thông lệ dầu khí quốc tế được chấp nhận chung). Quy trình mua sắm có thể được điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế và phải được Ủy ban quản lý thông qua trước khi áp dụng. Các nhà thầu dầu khí/Người điều hành đều có quy định. Nội dung của quy trình mua sắm này được yêu cầu phải đảm bảo các nguyên tắc của hoạt động đấu thầu nhưng không hoàn toàn giống với quy định tại Luật Đấu thầu.

“Với các quy định trên đây, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí và hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí của các nhà thầu dầu khí, Người điều hành đã được thực hiện suôn sẻ, không có vướng mắc, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của công tác đấu thầu (cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả) góp phần đảm bảo hiệu quả cho hoạt động dầu khí” - văn bản góp ý của Petrovietnam nêu rõ.

Do đó, Petrovietnam cho rằng, việc đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định cho hoạt động dầu khí nói chung và hoạt động lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ dầu khí, hành hóa phục vụ hoạt động dầu khí nói riêng và áp dụng một cách thống nhất cho tất cả các nhà thầu dầu khí là rất cần thiết và không nằm ngoài các nguyên tắc đưa ra khi thực hiện các điều chỉnh, sửa đổi các văn bản Luật nói chung và Luật Đấu thầu nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất nhanh chóng, xu thế giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch đã và đang trở thành thách thức đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, cơ hội tìm được đối tác tiềm năng ký kết được các hợp đồng dầu khí mới để tìm kiếm thăm dò, phát triển và khai thác các phát hiện dầu khí ngày càng hạn chế.

Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, giám sát việc triển khai hoạt động dầu khí nói chung và công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí nói riêng, Petrovietnam đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung nêu tại khoản 2, Điều 3 của Dự thảo Luật Đấu thầu theo hướng: Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật dầu khí (bao gồm: Luật Dầu khí, các văn bản dưới luật) theo đó các quy trình, thủ tục áp dụng sẽ được quy định trong hợp đồng dầu khí (một văn bản chỉ có thể được ký khi nhận được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và chỉ có hiệu lực khi được Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư) và các quy định, quy trình cụ thể do nhà thầu dầu khí/Người điều hành xây dựng và được Ủy ban quản lý (có sự tham gia của Petrovietnam với tư cách là đại diện nước chủ nhà) của Hợp đồng Dầu khí phê duyệt.

Thu hẹp đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp

Liên quan đến góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), về việc xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, nếu mở rộng đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của nhóm doanh nghiệp này sẽ là mở rộng phạm vi điều chỉnh nhiều so với luật hiện hành và như vậy, thì không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, lợi ích nhà nước cần được bảo vệ, nhưng cũng phải cân bằng với sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh và phù hợp thực tiễn.

Xét về mặt lợi ích cần bảo vệ thì trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác khá tương đương nhau. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ có những cơ chế bảo vệ lợi ích phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn, đại biểu nhận xét.

Ngoài ra, đại biểu đánh giá, hiện nay ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.

Do đó, đại biểu cho rằng không nên mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN.

Đối với lĩnh vực dầu khí, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, hoạt động dầu khí là các hoạt động có tính đặc thù và nhiều rủi ro nên Dự thảo Luật Đấu thầu cần phải có quy định cụ thể, phù hợp thống nhất giữa Luật Đấu thầu và Luật Dầu khí trong lĩnh vực dầu khí, tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật.

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 ngày 14/11/2022 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) tại Điều 58 quy định nhà thầu dầu khí có quyền “Thuê tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của Luật này và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế” và tại Điều 59 quy định nhà thầu dầu khí có nghĩa vụ “Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí; báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí”.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/c71ed5fc-1598-44c7-90fd-29f6d6c2d265

PV / Cổng thông tin điện tử PVN