Hàng loạt cam kết chia sẻ vaccine được đưa ra khi nhóm nước giàu tăng nỗ lực giúp thế giới chống Covid-19, nhưng còn cách đích đến rất xa.
Ngay sau khi tới Anh để bắt đầu chuyến công du đầu tiên dài 8 ngày, Tổng thống Joe Biden ngày 10/6 tuyên bố Mỹ sẽ tặng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer cho gần 100 quốc gia có thu nhập thấp. Ông nói kế hoạch mới được xem như "bước đi mang tính chất lịch sử" để chung tay với thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Thông báo chia sẻ 500 triệu liều vaccine trị giá 3,5 tỷ USD được công bố sau khi Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine dư thừa cho thế giới thông qua Covax, chương trình vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) dẫn đầu. Cho đến nay, đây là cũng là số lượng vaccine lớn nhất mà một quốc gia chia sẻ cho thế giới.
"Kế hoạch quyên góp được đưa ra một tháng sau Mỹ ủng hộ từ bỏ bằng sáng chế vaccine, cho thấy Washington nghiêm túc với cam kết thực hiện các nhiệm vụ mang tính đạo đức và địa chính trị, để giúp thế giới thoát khỏi đại dịch một cách an toàn", tiến sĩ Khor Swee Kheng, chuyên gia về chính sách y tế từ Malaysia, chia sẻ với VnExpress.
Nhân viên vận chuyển lô vaccine Covid-19 của Covax tại sân bay ở Antananarivo, Madagascar hồi đầu tháng 5. Ảnh: AFP. |
Một phụ nữ nhập cư ôm đứa con nhỏ khi được nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại đảo Lesbos, Hy Lạp hôm 3/6. Ảnh: Reuters.
Sau Mỹ, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/6 cho biết nước này sẽ tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19, với 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới. Tuyên bố thêm rằng nhóm G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản, cũng sẽ mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu để cung cấp ít nhất một tỷ liều cho thế giới.
Những cam kết liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước giàu làm nhiều hơn để chia sẻ vaccine với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và giới quan sát cho rằng nỗ lực này tới nay mới chỉ như "muối bỏ bể" và thế giới cần nhiều hơn thế.
"Chúng ta cần một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. Chúng ta phải hành động một cách logic, với tinh thần cấp bách và với những ưu tiên của nền kinh tế thời chiến. Chúng ta vẫn chưa làm được điều đó", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói về cam kết của nhóm G7.
Giáo sư Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, thuộc Đại học Y Baylor ở Houston, trong bài đăng Twitter ngày 10/6 đưa ra những số liệu cho thấy nỗ lực của các nước giàu, trong đó có Mỹ, chưa đủ để giúp thế giới vượt qua đại dịch.
"1,1 tỷ người sống ở vùng Hạ Sahara của châu Phi, 650 triệu người ở Mỹ Latinh, nửa tỷ người ở các nước thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á. 2-3 tỷ người ở những khu vực này sẽ cần 5-6 tỷ liều vaccine", Hotez cho biết.
Hotez nói với VnExpress rằng Mỹ cần làm nhiều hơn để thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19. "Điều cần thiết lúc này là Mỹ phải nắm quyền chủ động hơn với tình hình hiện tại và bắt đầu sản xuất 6 tỷ liều vaccine cho thế giới", ông cho hay.
Bức tranh tiêm chủng toàn cầu hiện phân rõ hai mảng sáng tối. Cho đến nay, Covax mới chuyển được 83 triệu liều vaccine Covid-19 tới 131 quốc gia trên thế giới, cách rất xa mục tiêu hai tỷ liều được đề ra cho tới cuối năm nay.
Nhưng riêng ở Mỹ, số vaccine được phân phối đã lên tới hơn 300 triệu liều. Số liều vaccine bình quân trên 100 người của toàn cầu là 30, trong khi con số này ở Mỹ là 92 và Anh là 104. Chưa tới 1% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, nhưng tỷ lệ này ở Mỹ và Anh lần lượt là 43% và 42%.
Hannah Elyse Sworn, nhà phân tích cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho hay các nước phương Tây đã nhanh chóng nhận ra sự phát triển vượt bậc của họ so với phần còn lại thế giới không thể tạo ra "bức tường thành" ngăn Covid-19.
"Cú sốc trước các đợt bùng phát nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao ở các nước như Mỹ, Anh và nhiều nơi khác ở châu Âu đã khiến những chính phủ này chần chừ trước việc chia sẻ vaccine cho nhóm nước đang phát triển trước khi người dân của họ được tiêm chủng", bà nói. "Việc tặng vaccine trước khi bảo vệ đầy đủ công dân của họ sẽ không phải lựa chọn được ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị".
Hơn 2,3 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu, nhưng WHO ước tính thế giới sẽ cần 11 tỷ liều để có thể đạt ngưỡng tiêm chủng 70%, mức có thể tạo nên miễn dịch cộng đồng giúp đẩy lùi virus.
"Gần 30% dân số thế giới đã được tiêm chủng, nhưng điều này không cho thấy bất kỳ thành công nào của Covax. 75% vaccine được mua bởi 10 nước giàu, trong khi các nước kém phát triển bị tụt lại phía sau rất xa", nhà phân tích Sworn nói.
Chuyên gia RSIS thêm rằng trong vài tuần trở lại đây, nhiều khoản đóng góp và cam kết đã được đưa ra khi nhiều nước phát triển đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trước. Mỹ cam kết tặng gần 600 triệu liều và 4 tỷ USD, Anh 100 triệu liều và hơn 700.000 USD , bốn nước Đức, Pháp Italy và Thụy Điển cam kết ít nhất 100 triệu liều, Nhật Bản một tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) quyên góp hơn 600.000 USD cùng khoản vay bổ sung tương đương, các nước châu Âu khác cam kết hơn 1,2 tỷ USD, theo BBC.
Tuy nhiên, bà Sworn nhận định những cam kết cho đến nay "chưa đủ để đạt được mức độ tiêm chủng cần thiết để chống lại các đợt bùng phát tiếp theo, cũng như các biến chủng nCoV mới và nhu cầu lớn hơn về vaccine". Ngoài ra, việc các nước giàu lưỡng lự trong việc ủng hộ từ bỏ bằng sáng chế vaccine cũng khiến thế giới gặp khó khăn hơn để tăng nguồn cung toàn cầu.
Một phụ nữ nhập cư ôm đứa con nhỏ khi được nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại đảo Lesbos, Hy Lạp hôm 3/6. Ảnh: Reuters. |
Covid-19 tới nay đã khiến hơn 176 triệu người nhiễm và hơn 3,8 triệu người chết trên toàn cầu. Khi các đợt bùng phát mới vẫn được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Ấn Độ và châu Phi, giới khoa học lo ngại các biến chủng mới có thể xuất hiện nhiều hơn và ngày càng trở nên nguy hiểm, khiến việc chia sẻ vaccine toàn cầu trở nên quan trọng và cấp bách.
"Ngoài việc không quốc gia nào an toàn trừ khi tất cả an toàn, có một lý do quan trọng nữa là nguy cơ xuất hiện biến chủng mới", chuyên gia Swee Kheng nói. "Nếu tốc độ tiêm chủng của chúng ta không theo kịp tốc độ đột biến của virus, nguy cơ biến chủng mới có khả năng kháng các loại vaccine hiện tại sẽ gia tăng. Điều này sẽ phá hủy tất cả thành quả tiêm chủng nhanh của các nước giàu, trừ khi họ chấp nhận đóng biên vô thời hạn".
Thanh Tâm