Thực tiễn nước ta cho thấy, một chủ trương dù rất đúng đắn nhưng nếu chưa đủ những điều kiện cơ bản, cần thiết hay nếu tổ chức thực hiện nóng vội sẽ dẫn đến nhưng hậu quả khó khắc phục và không lường hết được. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mặc dù có thể
Nhiều bộ sách giáo khoa là đúng
Vấn đề nhiều bộ sách giáo khoa đã được đặt ra từ lâu. Thực tế ở miền Nam trước giải phóng năm 1975 đã có rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau của cùng một chương trình. Sau năm 1975, cải cách giáo dục cấp Phổ thông trung học từ năm 1989 cũng đã thực hiện biên soạn hai bộ sách Văn và ba bộ sách Toán.
Đến năm 2000, vừa hợp nhất hai bộ sách Văn và ba bộ sách Toán xong thì năm 2002 khi triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo nghị quyết 40 của Quốc Hội khóa X, lại tổ chức biên soạn sáu môn học có hai bộ sách giáo khoa.
Năm 2014, Quốc hội ra nghị quyết 88 tán thành chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa. Gần đây khi bàn sửa đổi Luật giáo dục Thường vụ Quốc hội đã nêu ra nhiều băn khoăn về chủ trương này.
Trong bối cảnh đó cần nhìn rõ một cách khách quan những ưu điểm và khó khăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, đây là vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm.
cần nhìn rõ một cách khách quan những ưu điểm và khó khăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, đây là vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm. Ảnh: ĐĐK
Nhìn một cách tổng quát, về lí thuyết nhiều bộ sách giáo khoa là một chủ trương đúng.
Thứ nhất, phù hợp với bản chất và quy luật phát triển đa dạng của hiện thực đời sống, phù hợp với xu thế của các nền giáo dục hiện đại, tiên tiến trong bối cảnh một thế giới bùng nổ thông tin, sự kết hợp đa phương tiện và thái độ tôn trọng sự đa dạng, khác biệt.
Thứ hai, tránh được hiện tượng độc quyền trên nhiều bình diện: kinh doanh, phát hành, in ấn, biên soạn... Nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo được sự cạnh tranh; huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp trong xã hội.
Sự cạnh tranh lành mạnh buộc người biên soạn làm việc có trách nhiệm, cẩn trọng và chăm chút hơn đối với sản phẩm của chính mình.
Thứ ba, tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp suy nghĩ, nhiều con đường đi đến chân lí…
Tham khảo một số bộ sách nước ngoài sẽ thấy cách thức biên soạn giữa các sách rất khác nhau. Cùng một vấn đề cuốn này chỉ nói vài câu, nhưng cuốn khác có thể nêu cả một đoạn dài, thậm chí hành trang. Hay cùng giới thiệu về một tác phẩm, cuốn này khai thác đoạn trích này, cuốn kia có thể nêu đoạn trích, nội dung khác. Cùng một nhà văn nhưng mỗi sách học các tác phẩm cụ thể rất khác nhau...
Thậm chí ở Mỹ, có quan điểm chỉ đưa vào học các tác phẩm “phức tạp”, có nhiều cách hiểu, nhiều vấn đề đang tranh luận... để học sinh cùng tham gia phản biện, trao đổi từ đó tự tìm cho mình một cách hiểu và dễ dàng tiếp nhận.
Thứ tư, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, chủ yếu là giáo viên và học sinh. Điều đó giống khi ta vào ăn tự chọn ở một khách sạn lớn, tha hồ tìm món gì hợp với khẩu vị và sở thích của mình.
Thực tiễn cuộc sống cũng đã thay đổi khác trước, dù không có nhiều sách giáo khoa thì hiện nay giáo viên và học sinh vẫn có thể tiếp cận vấn đề, giảng dạy và học tập từ những nguồn khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là từ internet.
Nhưng phải có điều kiện
Về lý thuyết có thể hoàn toàn ủng hộ và tán thành xu hướng có nhiều bộ sách giáo khoa.
Trong thực tế, ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc... đều có nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, chú ý một trong những điều kiện đầu tiên để triển khai chủ trương nhiều bộ sách là cần xem xét cách xây dựng chương trình giáo dục, nhất là chương trình các môn học.
Chương trình của Việt Nam từ sau năm 1975 và kể cả chương trình xây dựng năm 2002 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chính thức vào 2006, thực chất vẫn chỉ là chương trình để viết một bộ sách giáo khoa.
Bởi vì, chương trình ấy vẫn buộc chặt người viết sách, làm thay người viết sách bằng những quy định quá cụ thể đến từng tiết học, bài học.
Nếu muốn triển khai nhiều bộ sách mà chương trình vẫn giữ nguyên như quan niệm cũ, vẫn xây dựng như các lần trước thì làm sao có được nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng và đúng như mục tiêu, ý nghĩa của nó. Trái lại, sẽ rơi vào tình trạng loạn sách giáo khoa.
Thiết nghĩ, nhiều bộ sách mà gần như giống nhau (sáo xào, sao chép lại của nhau) thì nhiều để làm gì? Có ích gì?
Quán triệt Nghị quyết 88 của Quốc hội, chương trình môn học lần này xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện cho việc biên soạn nhiều sách giáo khoa. Chương trình được thiết kế theo tinh thần cụ thể, khái quát, có phần cứng và bảo đảm tính linh hoạt để làm chỗ dựa cơ bản cho việc ra đề thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Ý nghĩa cơ bản của việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa nhằm nêu lên nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường đến với chân lí, đa dạng hóa một đơn vị kiến thức cơ bản (chuẩn) bằng những nội dung cụ thể khác nhau.
Theo tinh thần đó, chương trình chỉ nêu lên các yêu cầu cần đạt về năng lực và những đơn vị kiến thức, kĩ năng nhằm đạt được năng lực ấy ở từng chương, phần, lớp, cấp.
Chẳng hạn, với môn Ngữ văn, để phát triển năng lực đọc hiểu, chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt cho những kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và một số kiến thức tiếng Việt, văn học thật cốt lõi hay một số văn bản ngữ liệu bắt buộc cần học. Còn lại dành cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên quyền chủ động, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo.
Một ví dụ cụ thể hơn, sau khi học truyền thuyết, học sinh cần nắm được một số kiến thức cơ bản và đặc điểm của truyền thuyết Việt Nam. Nắm được kĩ năng đọc, hiểu truyền thuyết và gợi ý một vài truyền thuyết tiêu biểu.
Chương trình chỉ như thế và dừng lại ở đó. Còn việc lựa chọn bao nhiêu truyền thuyết, văn bản cụ thể nào, lấy ở đâu, cách khai thác như thế nào, biên soạn và trình bày cụ thể ra sao là công việc của người biên soạn sách giáo khoa, tùy thuộc và mỗi tác giả hay nhóm tác giả của mỗi bộ sách.
Thậm chí ở Pháp, chương trình học còn dành quyền chọn văn bản tác phẩm cần dạy cho từng giáo viên đứng lớp. Chương trình chỉ nêu ở phần phụ lục một danh sách các tác phẩm cổ điển và văn học thiếu nhi để giáo viên tham khảo và lựa chọn.
Những mối lo có thực
Việc chủ trương biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa còn liên quan đến nhiều vấn đề khác.
Không phải không có lí khi có ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều bộ sách giáo khoa nếu không gắn với những thay đổi như chất lượng giáo viên, cách thức quản lí, kiểm tra, đánh giá… thì sách giáo khoa sẽ không đạt được kết quả tốt.
Quả thật, việc có nhiều bộ sách giáo khoa không hề đơn giản, không phải chỉ ở mối lo loạn sách giáo khoa mà còn là mối lo về sự thiếu sự đồng bộ, thiếu những điều kiện cần thiết cho việc biên soạn và thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa.
Trước tiên, điều đầu tiên cần nghĩ đến khi sử dụng nhiều bộ sách là việc thực hiện và kiểm tra, đánh giá. Đề thi phải thay đổi ra sao để đáp ứng sự đa dạng của nhiều bộ sách. Cách ra đề thi vẫn như cũ (kể cả mấy năm gần đây) thì không thể thực hiện được hướng biên soạn một chương trình, nhiều bộ sách.
Thứ hai, không chỉ chất lượng giáo viên mà chất lượng của cán bộ quản lí các cấp cũng là một tồn tại lớn. Nhiều bộ sách sẽ có nhiều ý kiến, nhiều tình huống, kiến thức và kĩ năng cụ thể khác nhau, cách khai thác, trình bày cũng khác nhau.
Vì thế, đòi hỏi người thầy phải rất vững vàng (có năng lực thực sự) mới có thể đóng vai trò trọng tài, hướng dẫn học sinh cách học và những lưu ý cần thiết nhất.
Cán bộ quản lí, chỉ đạo cũng phải rất có trình độ, công tâm, tôn trọng sự thật từ đó mới ra được quyết định đúng như lựa chọn bộ sách nào, chỉ đạo và dạy học ra sao hay việc thẩm định đánh giá bản thảo nào được sử dụng của Hội đồng thẩm định Quốc gia cũng là vấn đề rất nan giải.
Quy định chặt mới chống được tiêu cực
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, nếu không có những quy định chặt chẽ đều có thể xảy ra chuyện tiêu cực, khó tránh khỏi tình trạng nhiều khi bản thảo tốt, sách tốt hơn lại không được sử dụng.
Trước mắt để đáp ứng yêu cầu triển khai lộ trình Đổi mới năm 2020 với lớp 1 và đến năm 2024 đủ sách cho môn học ở 3 cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung tinh hoa và nguồn lực tổ chức viết bộ sách của Bộ theo cách làm của Bộ.
Mặt khác, vẫn khuyến khích các tổ chức cá nhân làm sách giáo khoa cho các môn học. Những quyển sách này không lệ thuộc vào tiến độ, thời gian và không cần có đầy đủ tất cả các môn học, lớp hoặc cấp học.
Có thể viết một hay vài cuốn cho một hay nhiều môn học khác nhau ở các lớp học khác nhau bằng cách có ngay hay mấy năm sau mới có cũng được.
Thực tiễn nước ta cho thấy, một chủ trương dù rất đúng đắn nhưng nếu chưa đủ những điều kiện cơ bản, cần thiết hay nếu tổ chức thực hiện nóng vội sẽ dẫn đến nhưng hậu quả khó khắc phục và không lường hết được.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mặc dù có thể gặp rất nhiều sự phức tạp, khó khăn nếu triển khai nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng vẫn nên theo hướng này.
Việc triển khai ban đầu có thể vấp những sai sót, nhưng sau đó dần dần sẽ trưởng thành. Nếu chờ cho thật đầy đủ các điều kiện mới tiến hành thì không biết đến bao giờ hoặc có thể không bao giờ thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp, cập nhật được xu thế tiến bộ của thế giới.
Đỗ Ngọc Thống
Đại biểu Quốc hội lo lãng phí khi có nhiều bộ sách giáo khoa
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, nhưng hiện nhiều đại biểu lại lo ... |
Không tăng giá sách giáo khoa: Vẫn còn chuyện độc quyền
Để giảm bớt chi phí, NXB Giáo dục Việt Nam nên tìm kiếm các nguồn tài trợ cho SGK thay vì tăng giá để đảm ... |
NXB Giáo dục Việt Nam lại thông báo không tăng giá sách giáo khoa
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ giữ nguyên giá bán sách giáo khoa trong năm học tới. Trước ... |
\'Âm thầm\' tăng giá sách giáo khoa?
NXB Giáo dục VN đã có công văn gửi các đơn vị trong hệ thống của mình về dự kiến giá bìa sách giáo khoa năm học ... |