Nhật Bản nóng lòng tự... 'cởi trói'

Nhật Bản phát triển quy mô lớn vũ khí tấn công, tàu sân bay và tàu chi viện chiến lược vượt nhu cầu trong phạm vi phòng thủ.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Theo giới phân tích quốc tế, Nhật Bản đang tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó trọng tâm là phát triển vũ khí tấn công. Kế hoạch này được thúc đẩy đồng thời với quá trình sửa đổi hiến pháp được cho là sẽ giúp Nhật Bản tự “cởi trói”.

Theo dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2019 của Nhật Bản, lực lượng phòng vệ sẽ tăng cường năng lực tác chiến trên các phương diện như hải quân, không quân, phòng không, phòng thủ tên lửa đạn đạo, khả năng cơ động…

Đáng chú ý nhất chính là việc Nhật Bản công khai mong muốn tăng cường lực lượng không quân và hải quân bằng cách nâng cấp máy bay chiến đấu F-15 hiện có, đồng thời mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Tổng số lượng F-35 mà Tokyo có ý định mua về đã lên tới 147 chiếc, vượt xa kế hoạch ban đầu chỉ gồm 42 chiếc.

nhat ban nong long tu coi troi
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Nhât Bản

Trong lĩnh vực hải quân, Nhật Bản nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch phát triển tàu sân bay. Dù tự gọi tàu sân bay Izumo sau khi cải tạo là “tàu hộ tống đa năng” song dường như Nhật Bản ngay từ đầu đã thiết kế loại tàu chiến này cho phiên bản F-35B.

Do đó, đồng thời với việc mua F-35, Nhật Bản còn đưa F-35 vào dây chuyền sản xuất lắp ráp, sau đó lại điều chỉnh kế hoạch mua sắm, mua thêm F-35B để đồng bộ với tàu sân bay lớp Izumo. Trong thời gian tới, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoán cải 2 chiếc Izumo và đóng mới thêm một chiếc khác.

Theo giới phân tích, nếu căn cứ vào Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản thì việc triển khai lực lượng phòng vệ ở nước ngoài đã là vi phạm hiến pháp. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn tìm cách mua một tàu chở dầu để hỗ trợ cho lực lượng phòng vệ trên biển, điều này cho thấy rõ rằng lực lượng phòng vệ trên biển đã vươn tầm ảnh hưởng, ngoài lĩnh vực phòng thủ thông thường.

Hiện có những cáo buộc cho rằng việc Nhật Bản phát triển quy mô lớn các trang thiết bị như vũ khí tấn công, tàu sân bay và tàu chi viện chiến lược đã vượt xa nhu cầu trong phạm vi phòng thủ an ninh của nước này, vi phạm Hiến pháp hòa bình có từ năm 1947.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là đang tập trung vào mục tiêu sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình này. Nhật Bản đã lựa chọn cách tiếp cận dần từng bước trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, mà động thái đầu tiên là tăng chi tiêu quân sự nhiều năm liên tiếp. Năm 2019, tổng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là 5.300 tỷ yên (tương đương 48 tỷ USD), tăng 2,1% so với ngân sách quốc phòng của năm tài khóa 2018.

nhat ban nong long tu coi troi
Chiến hạm lớp Izumo của Nhật Bản

Động thái tiếp theo của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe là tái cấu trúc khuôn khổ chiến lược, cụ thể là thay đổi chiến lược phòng vệ. Tháng 10/2018, Nhật Bản thành lập “Ủy ban nghiên cứu xây dựng lực lượng phòng vệ tương lai” nhằm nghiên cứu xây dựng “Đại cương kế hoạch phòng vệ” sau năm 2019. Chủ tịch ủy ban này do Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản Takeshi Iwaya đảm nhận.

Chính ông Iwaya đã thể hiện rõ quan điểm rằng “Đại cương kế hoạch phòng vệ” sau năm 2019 sẽ không tiếp tục khuôn khổ chiến lược mấy chục năm qua, mà sẽ cơ cấu lại toàn bộ chiến lược phòng vệ hiện tại, hình thành cái gọi là “ý tưởng tác chiến chung trên toàn khu vực”.

Bên cạnh đó, Nhật Bản xếp các lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng vào lĩnh vực “chiến trường mới trong tương lai”, nhấn mạnh “tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ”, đồng thời cũng nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường lực lượng phòng vệ với tốc độ chưa từng có”.

Không dễ

Trong khi những nước trong khu vực như Trung Quốc, Han Quốc hay Triều Tiên phản ứng mạnh mẽ trước các động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản thì cũng có những ý kiến phân tích “thông cảm” với Tokyo.

Theo đó, Nhật Bản có lý do để tăng chi tiêu quốc phòng, mà trước tiên là để tự bảo vệ mình bởi những thách thức an ninh đang ngày càng tăng do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc trên thực tế lớn gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản.

Trong kế hoạch quốc phòng 5 năm tới đến tháng 3/2024 được Nhật Bản công bố hồi cuối năm 2018, ngân sách dự kiến lên tới hơn 27 nghìn tỷ Yên (gần 284 tỉ USD). Riêng thiết bị quân sự chiếm 224,7 tỉ USD, tăng 6,4% so với kế hoạch 5 năm trước. Con số thể hiện lớn như vậy, song có ý kiến cho rằng chi tiêu quốc phòng của Nhật chỉ chiếm 1% GDP, ít hơn đáng kể so với Trung Quốc.

Lý do thứ hai, việc tăng chi tiêu của Nhật Bản cũng là nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng minh Mỹ về việc chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng đã bị tụt hậu so với Trung Quốc trên các lĩnh vực chiến tranh mới và muốn khắc phục nhược điểm này.

nhat ban nong long tu coi troi
Tàu chiến Nhật Bản "kẹp" giữa hai tàu chiến Mỹ trong một cuộc tập trận chung

Bên cạnh những tranh cãi về mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản, giới phân tích đặc biệt chú ý tới cái đích thực sự của Tokyo khi muốn sửa đổi hiến pháp hiện nay.

Hiến pháp hiện hành là “Hiến pháp của Nhật Bản” được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 8/1946, công bố vào ngày 3/11/1946 cùng năm và có hiệu lực vào ngày 3/5/1947 dưới sự chiếm đóng của Mỹ, sau khi Nhật Bản bại trận trong Thế chiế II.

Cùng với sự hồi phục và trỗi dậy của nền kinh tế, Nhật Bản từng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hiện vẫn tiếp tục là cường quốc kinh tế thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Hiến pháp hòa bình lại đang “hạn chế” đáng kể khả năng của Nhật Bản khi mong muốn tăng cường sức mạnh quân sự mà theo như giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn nói là nhằm ứng phó với thay đổi môi trường an ninh.

Hiện có ý kiến cho rằng Nhật Bản muốn sửa đổi hiến pháp là để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, để đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá đây chỉ là vẻ bề ngoài, còn thực chất Nhật Bản muốn xóa bỏ hiến pháp thời hậu chiến, tìm cách trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

nhat ban nong long tu coi troi
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tháng 2/2019, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã tổ chức đại hội đảng thường niên của mình. Thủ tướng Abe đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của mình là sửa đổi Điều 9 của hiến pháp, chính thức trao quy chế hợp pháp đầy đủ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

LDP đã đưa ra 4 đề xuất sửa đổi hiến pháp vào tháng 3/2018: Điều khoản 9, định nghĩa về “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, cấu trúc bầu cử Thượng viện trong Nghị viện, và giáo dục. Tuy nhiên, đảng liên minh với LDP là Komeito đã không ký vào bản sửa đổi này khi công khai phản đối chi tiết trong sửa đổi Điều 9.

Dù ông Abe có thể thuyết phục Komeito ký vào đề xuất sửa đổi hiến pháp của LDP và nó có được Nghị viện thông qua đi chăng nữa, ông cũng có thể không đạt được đủ sự ủng hộ của công chúng. Theo một cuộc thăm dò dư luận tiến hành hồi tháng 4/2018 (không lâu sau khi LDP đưa ra đề xuất chi tiết về sửa đổi hiến pháp, bao gồm sửa đổi Điều 9), có gần 70% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên xử lý các vấn đề khác trước.

Ngay trong số những người tham gia cuộc thăm dò tự coi mình là người ủng hộ LDP, cũng có hơn 50% tin rằng cần ưu tiên các vấn đề khác hơn là việc sửa đổi hiến pháp.

Bảo Minh

nhat ban nong long tu coi troi Nhật không hủy thương vụ F-35A sau vụ rơi siêu tiêm kích

Tokyo không định thay đổi kế hoạch mua 105 tiêm kích tàng hình F-35A, cho rằng còn quá sớm để kết luận về nguyên nhân ...

nhat ban nong long tu coi troi Phi đội Nhật Bản 'hao mòn' vì chặn máy bay TQ, Nga xâm phạm quá nhiều

Các tiêm kích của Nhật Bản phải xuất kích ít nhất 3 lần mỗi ngày để ngăn chặn máy bay lạ tiếp cận không phận, ...

/ Báo Đất Việt