Từ cơ quan quản lý đến các chuyên gia đều lo ngại về khả năng nút giao Ngã Tư Sở sẽ có thể rơi vào cảnh “vỡ trận” khi vành đai 2 trên cao và sắp tới là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành.
"Nút thắt" Ngã Tư Sở
Dự kiến, đầu tháng 1/2023, tuyến Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở sẽ thông xe, đi vào hoạt động toàn tuyến, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên trục Vĩnh Tuy - Minh Khai- Đại La.
Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thành phố có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có 1 triệu ô tô. Số ô tô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4-5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị chỉ tăng 0,28%.
Theo ông Thường, cầu Thanh Trì hiện có lưu lượng gấp 8 lần thiết kế, Vành đai 3 gấp 6 lần. Do đó, dịp cuối năm, ùn tắc sẽ phức tạp hơn do lưu lượng người, phương tiện tham gia lớn, nhiều công trình thi công làm ảnh hưởng đi lại.
Ông Thường dự báo, khi thông xe Vành đai 2 trên cao, Ngã Tư Sở sẽ ùn tắc do phương tiện đi trên cao dồn xuống nhiều hơn, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện chưa có đường trên cao. Còn khi xong cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thì lưu lượng lại dồn xuống nút giao Cổ Linh, Long Biên...
"Sở đã thành lập tổ công tác hàng ngày tới hiện trường, tuần nào Giám đốc Sở cũng ngồi nghe báo cáo rồi cùng anh em bàn giải pháp tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc", ông Thường nói và đề nghị HĐND TP ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án giao thông.
|
Việc lưu thông qua nút giao Ngã Tư Sở vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân
|
Thực tế, ngay khi Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng- Ngã Tư Sở hoàn thành đưa vào khai thác tạm thì ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở đã phức tạp hơn. Dù từ đó tới nay, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng liên quan nhiều lần tổ chức lại giao thông tại khu vực nút giao này nhưng tiết diện mặt đường có hạn, nên mọi phương án tổ chức giao thông chỉ là giải pháp tình thế, không thể xóa được “điểm đen” ùn tắc này.
Khi nào Ngã Tư Sở hết khổ?
Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Đỗ Cao Phan nhận định: “Sở dĩ nút giao Ngã Tư Sở ùn tắc ngày càng nặng là do năng lực thông hành của tuyến Trường Chinh, bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp tăng mạnh. Phương tiện thông thoát nhanh hơn đồng nghĩa đổ về nút giao nhiều hơn cùng một thời điểm, trong khi nút giao không được mở rộng, nâng cấp đương nhiên sẽ gây ùn tắc giao thông nặng nề hơn”.
|
Cơ quan chức năng cũng đang tìm các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý cho nút giao Ngã Tư Sở
|
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc tổ chức giao thông tại Ngã Tư Sở sau khi Vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy 2 thông xe là bài toán khó tìm được lời giải trọn vẹn.
Toàn tuyến Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được đầu tư mở rộng; muốn đồng bộ được nốt đoạn cuối cùng này ít nhất phải chờ thêm từ 5 - 10 năm. Nếu không có phương án tổ chức giao thông đặc thù, đây sẽ là một trong những điểm “đen” ùn tắc giao thông kéo dài, nhức nhối của Hà Nội nhiều năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng toàn tuyến chưa đồng bộ, Ngã Tư Sở lại nằm tại vị trí chiến lược, chốt giữ hai tuyến giao thông cực kỳ trọng yếu là: Vành đai 2, quốc lộ 6 hướng tâm, rất cần phương án tổ chức tối ưu cho nút giao này.
Dù vậy, giải pháp tổ chức giao thông cũng chỉ xử lý phần ngọn, vào các khung giờ cao điểm trong ngày, khu vực nút giao Ngã Tư Sở vẫn khiến người dân “ngán ngẩm”.
Anh Nguyễn Trọng Hải trú tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội than thở: “Ngày hai chiều tôi đều phải qua lại khu vực nút giao Ngã Tư Sở để đến công sở và về nhà vào đúng khung giờ cao điểm. Lần nào lưu thông qua đây cũng là “ác mộng” với tôi và bất kỳ người dân nào. Có nhiều lần, phải mất nửa tiếng tôi mới lưu thông qua được nút giao này. Tới đây, khi Vành đai 2 trên cao thông từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy thì sẽ còn ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa. Rất mong TP Hà Nội cũng như cơ quan chức năng xem xét đầu tư tiếp đoạn Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở- Cầu Giấy”.
Giải pháp xây đường trên cao Ngã Tư Sở- Cầu Giấy cũng đã được Sở GTVT Hà Nội đưa ra, dù vậy trong vài năm tới dự án này chưa thể hình thành để giải tỏa cho nút giao Ngã Tư Sở, mọi giải pháp tổ chức giao thông vẫn chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông cũng như việc ứng trực điều tiết phân luồng cũng như tăng cường xử phạt vi phạm.
https://www.anninhthudo.vn/nguy-co-vo-tran-nut-giao-nga-tu-so-sau-thong-xe-vanh-dai-2-tren-cao-post526081.antd