Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi chưa từng được về Thủ đô, tôi đã có một mong muốn được một lần chứng kiến cảnh tắc đường ở Hà Nội. Vì vùng quê tôi hẻo lánh quá, chẳng bao giờ có cảnh ngựa xe nhộn nhịp mà tắc đường cả. Và cái mong muốn có
Hà Nội có vô vàn ngã tư nhưng có lẽ nổi tiếng nhất thì có Ngã Tư Sơ, Ngã Tư Vọng. Hồi ấy tắc đường cũng khá hiếm, mới chỉ bắt đầu vào khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ trước và chỉ thi thoảng mới xảy ra và điển hình nhất là vào kỳ thi đại học. Trong cảnh tắc đường ấy, tôi còn thấy rất nhiều xe đạp lưu thông trên phố và hình ảnh nổi bật là một cậu thanh niên to khỏe nhấc bổng chiếc xe đạp trên đầu và cứ thế bình thản bước đi mặc cho đám đông nhìn theo lạ lùng và nhất là ánh mắt ngưỡng mộ của các nữ sinh với người hùng cơ bắp.
Ngã Tư Sở tháng 10-1954 (Ảnh: Howard Sochurek) |
Vũ Trọng Phụng - Ngọc Giao: Chuyện 2 nhà văn, 2 người bạn
Ngã Tư Sở thời ấy chỉ là một cái ngã tư nhỏ hẹp, nhưng so với toàn cảnh nó đã là một ngã tư lớn nhất nhì của Hà Nội. Đó là trục đường chính từ Hà Đông đi vào nội thành, giao với đường Trường Chinh và đường Láng. Khi ấy khu vực này vẫn còn thấy bóng dáng cũ kỹ của Nhà máy công cụ số 1, chợ Ngã Tư Sở và sông Tô Lịch vắt ngang như một nét nhấn không mấy ấn tượng.
Những Ngã Tư Sở, lùi xa hơn nữa về quá khứ là nơi trú ngụ của những cô đầu bình dân và dân lao động. Nếu phố Khâm Thiên là nơi hội tụ của chốn ăn chơi hạng nhất, đắt tiền với những cô đầu lừng danh thì khu vực Ngã Tư Sở là nơi trú ngụ của những nhà hát rẻ tiền với những cô đầu hạng hai, thợ thuyền và văn sĩ nghèo. Nhà văn Ngọc Giao đã kể một chuyện hết sức cảm động về nhà văn Vũ Trọng Phụng thời đó. Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh lao phổi ở một ngôi nhà khu Cầu Mới, Ngã Tư Sở. Trong những ngày ốm nặng, Vũ Trọng Phụng đã dặn người bạn thân của mình (nhà văn Ngọc Giao) rằng khi ông mất thì lấy mấy tờ bản thảo kê lên viên gạch cho ông gối đầu. Bản thảo cuối cùng của Vũ Trọng Phụng là phóng sự “Trúng số độc đắc” đích thân ông lấy ra từ đống giấy Nhà in Tân Dân và Ngọc Giao đã thực hiện lời trăng trối của bạn mình đầy xúc động. Vũ Trọng Phụng đã viết như một con trâu kéo cày cật lực trên cánh đồng chữ nghĩa để kiếm sống và đến lúc chết ông vẫn mong được gối đầu lên công sức lao động của mình để đi về thế giới bên kia thanh thản hơn?
Ngôi nhà lá đi thuê của nhà văn Lê Văn Trương
Cũng ở khu vực Ngã Tư Sở khi ấy còn có một ngôi nhà mà anh em văn nghệ sĩ tiền chiến hay tụ họp. Đó là ngôi nhà lá đi thuê của nhà văn Lê Văn Trương mà những người như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Lan Khai… thường tụ tập ở đấy.
Lê Văn Trương khi ấy là Thư ký tòa soạn Báo “Tiểu thuyết thứ bảy” lừng danh. Ông là một nhân vật khá đặc biệt, xởi lởi, quảng giao và bạn bè văn nghệ gọi đùa ông là “Tống Công Minh” và ngôi nhà lá của ông là “Lương Sơn Bạc”. Chính Lê Văn Trương là người đổi tên truyện ngắn “Cái lò gạch cũ” của Nam Cao thành “Đôi lứa xứng đôi” và là người viết lời tựa cho tập truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. “Cái lò gạch cũ” chính là kiệt tác “Chí Phèo” của Nam Cao.
Ngã Tư Sở ngày nay |
Quay lại chuyện trong căn nhà lá của Lê Văn Trương, trên bàn viết của nhà văn này lúc nào cũng có một cái chặn giấy vô cùng đáng sợ: một cái sọ người mà không biết ông kiếm ở đâu ra, chỉ biết rằng người ta đã chạm vào cái sọ nhiều đến mức nó nhẵn bóng ra. Sau này khi Lê Văn Trương vào Sài Gòn làm báo, trong ngôi nhà của ông, người ta đã tìm thấy cả mấy chục con mèo đang kêu gào thảm thiết bên xác của ông.
Cũng chính tại căn nhà lá của Lê Văn Trương ở Ngã Tư Sở, Thâm Tâm đã cảm hứng làm ra bài thơ “Tống biệt hành” nổi tiếng trong một bữa tiệc tiễn một người bạn giang hồ đi xa. Thâm Tâm đã ứng khẩu đọc bài thơ ấy ngay trên chum rượu bầu Hồ và ai cũng khen ông ứng khẩu nhanh chẳng khác gì Tào Thực đời Hán.
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong…”.
Đó là bài thơ hay nhất của Thâm Tâm và cũng là bài thơ thuộc loại hay nhất của văn học tiền chiến.
Lùi xa hơn nữa về quá khứ thì Ngã Tư Sở chính nằm trên con đường thượng đạo cũ từ Bắc xuôi về Nam, sau gọi là đường số 6. Ngã tư này ngay sát làng Thịnh Quang Sở nên có tên gọi như vậy. Và bây giờ Ngã Tư Sở thành tên một phường sầm uất của quận Đống Đa.
Ngã Tư Sở một thời nghèo khó, xập xệ nhưng giờ đã nhiều thay đổi. Nhà máy công cụ số 1 nay đã thành một khu đô thị hiện đại, sơn toàn màu trắng cao vút, lộng lẫy. Không xa Ngã Tư Sở là tổ hợp Cao - Xà - Lá: cao su, xà phòng, thuốc lá, mỗi chiều bốc mùi ngào ngạt cũng không còn. Thay vào vị trí ấy là những tòa nhà cao tầng đang mọc lên.
Miếng bánh nổi danh
Và nếu những người nào sành ăn thì còn nhớ Ngã Tư Sở có một món nổi tiếng là bánh mỳ. Đó là thứ bánh mỳ giòn rụm, phồng nở có mùi thơm đặc trưng rất quyến rũ. Nhiều người Hà Nội khi ấy chỉ chọn bánh mỳ Ngã Tư Sở, thậm chí còn mua về quê làm quà.
Trước khi bị bánh mỳ baguette của Pháp cạnh tranh và thay thế thì bánh mỳ Ngã Tư Sở gần như độc tôn về tiếng tăm của mình. Các bà, các chị cho bánh vào những cái thúng phủ miếng vải bên trên để giữ nóng cho bánh.
Một cái bánh mỳ vừa ra lò giòn rụm thơm lừng là món quà sáng hoặc trưa ưa thích của nhiều người. Giờ thì bánh mỳ Ngã Tư Sở vẫn còn nhưng không nhiều nữa, chỉ vài hàng lác đác mé bên phía đường Láng.
Như đã nói ở trên, Ngã Tư Sở từng là một trọng điểm tắc đường khủng khiếp của Hà Nội. Khi ai muốn qua đoạn đường này đều phải lắc đầu, và thời này cũng không còn xuất hiện những anh chàng cơ bắp nhấc bổng xe đạp trên đỉnh đầu để đi nữa, xe đạp hiếm và kể cả đi bộ cũng không lọt.
Người ta đã xây một cái cầu vượt qua ngã tư và việc ùn tắc đã giảm đi rất nhiều, nhất là khi mở rộng đường về hướng Trường Chinh, Láng. Ngã Tư Sở giờ vẫn là một trong những ngã tư lớn và nhộn nhịp nhất của Thủ đô, cửa ngõ hướng Tây đi vào thành phố. Một ngã tư chứa đựng nhiều thăng trầm và dấu vết của lịch sử.
Đường vành đai 5 km hơn 10 nghìn tỷ ở Hà Nội
Với 5 km chạy dưới thấp và trên cao, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở ... |