Theo định vị ở Việt Nam, nguyệt thực nửa tối sẽ nhìn thấy ở TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5/5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6/5.
Theo Date and Time, do phủ bóng lên hầu hết diện tích những châu lục đông dân nhất thế giới nên ước tính có tới gần 84% dân số toàn cầu sẽ thấy nguyệt thực nửa tối, bao gồm Việt Nam.
Giống như nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực nửa tối được tạo nên bởi chiếc bóng của chính Trái Đất phủ lên Mặt Trăng, khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng vô tình thẳng hàng hoặc gần như thẳng hàng trong đêm trăng tròn. Với nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng sẽ không hoàn toàn nằm chính giữa đường thẳng mà lệch đi một chút, khiến nó lọt vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất thay vì bóng tối toàn phần.
Theo đó, sẽ có hiện tượng giống như chiếc khăn voan đen phủ lên Mặt Trăng vào đêm trăng tròn tháng 5, có thể nhìn thấy từ châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Úc vào đêm 5/5.
Theo định vị tại TP. Hồ Chí Minh, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5 tháng 5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6/5 và kết thúc sau đó hơn 2 tiếng - lúc 2 giờ 31 phút.
Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn, do thời điểm bắt đầu và kết thúc đều là ban đêm. Có 57% người Trái Đất cùng nhận được may mắn này. Khoảnh khắc thú vị nhất là khi nguyệt thực nửa tối đang bắt đầu và đang kết thúc, lúc đó bạn sẽ thấy cảnh tượng "tấm voan đen" đang dần kéo lên rồi kéo xuống trên "khuôn mặt chị Hằng".
Nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm (gần như năm nào cũng có ít nhất một lần có nguyệt thực một phần, toàn phần hoặc nửa tối) và rất dễ quan sát ngay cả khi không có dụng cụ nào hỗ trợ. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn là một hiện tượng quang học thú vị và thu hút được sự chú ý của nhiều người. Ước tính có tới 6,62 tỉ người trên toàn thế giới chiêm ngưỡng được hiện tượng bởi nó bao trùm lên các châu lục đông dân nhất, trong đó có 4,49 tỉ người được chiêm ngưỡng từ đầu đến cuối.